- Sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao
- Cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần thương mại Hậu Lộc
- Địa chỉ: Thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Rượu Chi Nê là một sản phẩm rượu nổi tiếng của huyện Hâu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Rượu Chi Nê là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa, do Công ty cổ phần thương mại Hậu Lộc sản xuất. Rượu Chi Nê có mùi thơm đặc trưng của hương gạo mới kết hợp với hương thơm của vị thuốc bắc, khi uống rất êm, thơm ngon, có vị ngọt, không nóng rát cổ, không gây cảm giác đau đầu.
Giới thiệu sản phẩm
Rượu Chi Nê được lấy từ tên của làng Chi Nê, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Đây là nơi có truyền thống nấu rượu lâu đời, được sản xuất, chưng cất bằng công nghệ truyền thống từ nguyên liệu gạo quê do người dân nơi đây trồng, kết hợp với nguồn nước ngầm trong sạch, tinh khiết ở các làng Thiều Xá, Đông Thôn, Cầu Thôn thuộc xã Cầu Lộc và men nấu rượu được làm theo bí quyết gia truyền, bào chế từ 36 vị thuốc bắc do người dân nơi đây tự chế ra. Rượu Chi Nê có mùi thơm đặc trưng của hương gạo mới kết hợp với hương thơm dịu mát của vị thuốc bắc, khi uống rất êm, dịu, thơm ngon, không nóng rát cổ, có vị ngọt để lại trên môi, có vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi, không gây cảm giác đau đầu.
Năm 2019, sản phẩm rượu Chi Nê của Công ty cổ phần thương mại Hậu Lộc đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa.
Hoạt động sản xuất
Xã Cầu Lộc có truyền thống nghề nấu rượu từ lâu đời, chuyên sản xuất đặc sản rượu quê thơm, ngon, tinh khiết. Cả xã có 1.712 hộ, trong đó có 70% số hộ làm nghề nấu rượu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân địa phương.
Thương hiệu rượu Chi Nê được xây dựng lên từ sản phẩm rượu Cầu Lộc. Để chưng cất được rượu Chi Nê thơm, ngon, người nấu rượu cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn gạo ngon, nấu cơm phải vừa chín đến, không được để bén hay sống lõi. Sau đó dỡ ra nong để thật nguội, men thuốc bắc phải giã nhỏ, trộn đều với cơm và bỏ vào chum sành để ủ. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm dự đoán thời tiết để điều hòa độ ẩm, pha nước khi ủ cơm, nếu là mùa hè cần tạo được không khí thoáng mát, mùa đông phải ấm, không được để lạnh. Khi ủ cơm đến độ chín nhừ mới được đưa ra chưng cất.
Năm 2006, Công ty Cổ phần thương mại Hậu Lộc đã chính thức đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho đặc sản rượu Chi Nê; đầu tư, xây dựng xí nghiệp sản xuất rượu nhằm khôi phục và phát triển đặc sản rượu Chi Nê. Để chủ động nâng cao chất lượng, công ty đã mở rộng quy mô nhà xưởng, hiện đại hóa quy trình sản xuất rượu đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chú trọng, đổi mới mẫu mã bao bì bắt mắt hơn để tạo niềm tin và thu hút khách hàng.
Cuối năm 2010, Công ty đầu tư và đưa hệ thống thiết bị chưng cất quy mô Pilo vào sản xuất, do đó nồng độ andehit, methanol trong sản phẩm rượu Chi Nê giảm, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đảm bảo các quy định. Đồng thời, các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm, tạo niềm tin, sự ủng hộ ngày càng lớn của người tiêu dùng. Sau khi chưng cất, rượu thành phẩm được đưa vào ủ ở hầm rượu từ 6 tháng đến một năm rồi đưa lên lọc, xử lý độc tố và đóng chai trên dây truyền hiện đại của Đức.
Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường, thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu rượu Chi Nê, Công ty có kế hoạch mời các chuyên gia tư vấn đưa những công nghệ hiện đại nhất áp dụng vào sản xuất.
Khả năng cung ứng và thị trường tiêu thụ
Mỗi năm, Công ty cổ phần thương mại Hậu Lộc đã sản xuất và tiêu thụ hơn 2 triệu lít rượu các loại. Rượu Chi Nê được bán tại các siêu thị, hệ thống nhà hàng, khách sạn ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Ninh Bình, Hải Phòng...
Để khôi phục và phát triển lại thương hiệu rượu Cầu Lộc và lấy tên gọi là rượu Chi Nê, UBND huyện Hậu Lộc đã tiến hành một số giải pháp sau:
+ Lựa chọn các gia đình còn giữ được kinh nghiệm chưng cất rượu truyền thống và tổ chức tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Kiểm tra, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguồn nước sử dụng nấu rượu.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp như:
+ Tập huấn, vận động các chủ thể kinh tế là doanh nghiệp địa phương tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh;
+ Xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể kinh tế đầu tư máy móc, thiết bị và thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm...; yêu cầu chủ các cơ sở được hỗ trợ tổ chức huy động các nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, mua sắm, sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP. Sau khi hoàn thành các nội dung được hỗ trợ, phòng NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ cơ sở triển khai các nội dung bảo đảm đạt kết quả.
+ Tổ chức các lớp tập huấn, những buổi tham quan các đơn vị đang làm OCOP trong, ngoài tỉnh.
+ Khuyến khích các chủ thể đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến và sản xuất theo chuỗi giá trị.
+ Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đặc trưng mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chí đăng ký tham gia chương trình OCOP.
+ Vận động, hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP theo đúng yêu cầu. Tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể thay đổi từ tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ cho đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”