Thứ Năm, 08/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cam Na Rì Bắc Kạn

- Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 3 sao

- Cơ sở sản xuất: HTX trồng cây ăn quả (xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn)

Giới thiệu chung

Cây cam trồng ở vùng đất Na Rì Bắc Kạn có ưu điểm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên giữ được chất lượng tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất, chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước, cam chín sớm, thời gian thu hoạch kéo dài từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, vỏ quả cứng nên dễ bảo quản, bán được giá khá cao. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về loại cam này rất lớn nên thuận lợi cho phát triển trở thành cây trồng hàng hóa của địa phương. Nắm bắt được ưu thế này, nhiều người dân tại Na Rì Bắc Kạn đã đầu tư vào lĩnh vực phát triển các cây có múi thông qua lựa chọn cây chất lượng, phù hợp với đất đai bản địa như cây cam Xã Đoài. Khẩn trương xây dựng đề án phát triển vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh, trong đó định hướng cụ thể phát triển cây cam cho người nông dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa Bắc Kạn. Để các sản phẩm này có chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua, cùng với việc vận động, hỗ trợ các địa phương thành lập HTX trồng cây ăn quả, huyện Na Rì cũng chủ động giúp đỡ các HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tổ chức đánh giá, xếp hạng sao cho một số sản phẩm tiếp cận các thị trường lớn. Trong đó HTX trồng cây ăn quả, xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là đơn vị được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn.

Đặc điểm sản phẩm:

Cam Na Rì Bắc Kạn có vị thơm, chua dịu, ngọt mát, không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm cam của vùng khác. Diện tích cây cam được trồng mở rộng dần ra những xã, vùng lân cận và đến nay đã trở thành hàng chủ lực của tỉnh. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Cam, Quýt Bắc Kạn.

Sản phẩm cam của HTX trồng cây ăn quả xã Lương Hạ

Hoạt động sản xuất:

Huyện Na Rì đang thực hiện trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Qua thực tế áp dụng, việc thay đổi hướng sản xuất đã giúp cho toàn bộ diện tích cam của các hộ tham gia mô hình này phát triển tốt, cây khỏe và đặc biệt là hạn chế được dịch bệnh trên cây trồng. Các nguồn phân hữu cơ được bổ sung, thay thế phân vô cơ. Đồng thời quy trình chăm sóc được tuân thủ nghiêm ngặt, có kiểm soát đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho môi trường, quá trình sinh trưởng cũng như chất lượng, sản lượng của loại cây ăn quả đặc sản này. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai nhiều mô hình cây ăn quả như: Trồng cam Xã Đoài, cam Đường Canh...

Qua đánh giá và áp dụng trồng thử nghiệm trên địa bàn trong thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được trồng và chăm sóc đúng quy trình đã cho kết quả vượt trội so với các loại cây trồng khác. Cụ thể như mô hình trồng cây cam Xã Đoài, sau khoảng 4 năm cây được chăm sóc đúng quy trình năng suất bình quân 1ha đạt 90 tạ. Sau khi trừ các khoản chi phí 1 ha cam Xã Đoài cho thu nhập 80 triệu đồng, những năm tiếp theo sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với cây cam đường Canh cũng cho thu hoạch từ năm thứ 4 trở đi, với năng suất bình quân đạt 67,5 tạ/ha.

Thị trường tiêu thụ:

Cây cam chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây nông nghiệp ở huyện Na Rì. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Mặc dù sản phẩm cam Bắc Kạn đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng trên thực tế thị trường tiêu thụ cam Na Rì Bắc Kạn vẫn chủ yếu bán cho các thương lái với các đầu mối quen thuộc tại các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên là những nơi tiêu thụ nhiều nhất…

Nguồn: VITIC tổng hợp

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website