Làng mỳ Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2004. Tháng 7 năm 2016, Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô được thành lập để chủ động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Mỳ gạo Hùng Lô còn mang hương thơm đặc trưng riêng của vùng đất tổ, không sử dụng hóa chất, sợi mỳ bóng. Hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu “Mỳ gạo Hùng Lô” được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô được thành lập tại xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sau 4 năm hoạt động, Hợp tác xã với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mỳ gạo, bún khô, phở khô… đã xây dựng được thương hiệu “Mỳ gạo Hùng Lô”. Sản phẩm được đóng bao bì, tem mác, bày bán tại nhiều hội chợ, siêu thị, nhà hàng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Khi mới thành lập, Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô có 9 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự quản; sản phẩm sản xuất không nhiều, chỉ đạt từ 8-10 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn thành phố Việt Trì và một số huyện lân cận. Phương thức sản xuất vẫn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Để thương hiệu mỳ gạo Hùng Lô vươn xa, các thành viên trong Hợp tác xã đã cùng nhau góp vốn mua nguyên liệu đầu vào, vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu của sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô, Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất theo đúng các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng logo thương hiệu và tiến hành làm thủ tục hồ sơ xin cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Quá trình đóng gói bao bì, sản phẩm, các thành viên của Hợp tác xã đều sử dụng logo thương hiệu đã đăng ký để người tiêu dùng dễ dàng, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.
Từ năm 2017, Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô đã được liên minh hợp tác xã Việt Nam, liên minh hợp tác xã Phú Thọ hỗ trợ đầu tư máy tách bột hút chân không để tạo ra sản phẩm mỳ thơm, ngon, dẻo, dai, không bị chua.
Mỳ sau khi được cán thành sợi thì sẽ được ủ khoảng 12 tiếng để mỳ có độ tơi, sau đó công nhân tại xưởng sẽ tiến hành giũ các sợi mỳ để phơi, công đoạn này thường thực hiện vào sáng sớm để mỳ được phơi khô ngay trong ngày. Mỳ sau khi được cán thành sợi thì khâu phơi mì là rất quan trọng. Mỳ phải được phơi thật khô để khi đóng gói đảm bảo mì ngon không bị mốc và ẩm ướt.
Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô đã xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm, sân phơi, hệ thống sấy mỳ với giá trị đầu tư hơn 250 triệu đồng. Liên minh HTX tỉnh cũng giúp đưa sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô đi quảng bá rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và tham gia trưng bày, bán sản phẩm ở các hội chợ thương mại. Nhờ đó, Hợp tác xã đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn như: Công ty thiên nhiên xanh Việt Nam, Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, Siêu thị Mường Thanh…; Hợp tác xã đã liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn ở 8 tỉnh thành trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau...
Thị trường mở rộng, sản lượng tăng cao, trung bình mỗi tháng Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 40 - 45 tấn sản phẩm. Trong năm 2018, đơn vị đã cung cấp cho thị trường 500 tấn mỳ gạo các loại, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động. Năm 2019, Hợp tác xã đã cung ứng ra thị trường trên 550 tấn sản phẩm, đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi. Nhờ phát huy nghề truyền thống của ông cha kết hợp với sự nhiệt huyết, năng động, tư duy dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ Hợp tác xã, sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cấp chính quyền, Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, đưa sản phẩm vươn xa, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Sản phẩm của Họp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô
Sản phẩm Mỳ gạo Hùng Lô được giao dịch trên sàn thương mại điện tử
Một trong những kênh bán hàng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay là khai thác thị trường thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Đây là một kênh bán hàng phù hợp trong những tháng toàn xã hội thực hiện cách ly do dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu bán hàng của Hợp tác xã trong 5 tháng đầu năm 2020 vì thế mà không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Hợp tác xã đã có 30% sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua Sàn giao dịch TMĐT.
Tại đây, người tiêu dùng có thể cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm như: Hình ảnh, nơi sản xuất, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Về phía Hợp tác xã, có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”