Măng cụt Lái Thiêu là trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam vào năm 2012 và đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, thời gian qua nhiều người vẫn còn nhầm lẫn măng cụt Lái Thiêu với măng cụt ở các vùng khác. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn ra đời gồm những thành viên tâm huyết với cây măng cụt đã và đang nỗ lực giữ vững thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 với 11 xã viên. Hợp tác xã có trụ sở tại Địa chỉ: 171 ấp Phú Hưng, Xã An Sơn, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Mục tiêu hoạt động của đơn vị là hình thành hệ thống quản lý an toàn, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm dịch vụ của Hợp tác xã, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các xã viên.
Các xã viên thường xuyên gặp mặt để trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Trong quá trình chăm sóc, theo dõi vườn cây, nếu xã viên nào Phát hiện dịch bệnh thì nhanh chóng bàn cách xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi xã viên còn nêu cao trách nhiệm trong việc thông tin về giá cả sản phẩm, tránh để tiểu thương ép giá, gây tổn hại đến lợi ích của các xã viên khác trong Hợp tác xã.
Trong thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm như xây dựng trang web riêng; thâm nhập vào các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, tuy mới thành lập nhưng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn đã từng bước xây dựng được hình ảnh cho măng cụt Lái Thiêu. Bởi giá trị nhãn hiệu tập thể măng cụt lái thiêu không chỉ nằm ở trái măng cụt mà còn có những giá trị định danh địa lý, văn hóa và lịch sử của vùng đất. Do vậy, những xã viên có tâm huyết, đam mê với cây măng cụt sẽ tiếp tục mang vị ngọt của trái măng cụt Lái Thiêu đến với mọi miền đất nước.
Việc vườn măng cụt của các xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện cần thiết để nâng cao giá trị, sản lượng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm măng cụt trên địa bàn. Trong vụ mùa vừa qua, Hợp tác xã đã bán ra thị trường Hà Nội gần 1 tấn măng cụt, mang lại giá trị cao. Đây là bước đi đúng hướng trong việc đưa măng cụt Lái Thiêu vươn ra xa hơn trên thị trường. Tuy nhiên, trái măng cụt chỉ ra theo mùa vụ nên Hợp tác xã không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, Hợp tác xã mong muốn các nhà phân phối măng cụt xây dựng nhà máy thu gom và lưu trữ trái măng cụt để có thể đưa ra thị trường trái cây đặc sản này quanh năm.
Theo lãnh đạo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn, trong thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, như xây dựng trang web riêng, nỗ lực đưa sản phẩm vào bán tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Phát triển thương hiệu măng cụt Lái Thiêu
Năm 2013, Măng cụt Lái Thiêu tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện tại, trên địa bàn có 1.680 hộ trồng cây ăn trái với diện tích 660 ha, phân bố chủ yếu tại các xã phường: An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm. Trong đó, xã An Sơn chiếm diện tích Măng cụt nhiều nhất là 209 ha.
Tháng 10 năm 2017, 6 hội viên trên địa bàn xã An Sơn được chọn để thực hiện thí điểm thực hiện chăm sóc nhà vườn theo các mục tiêu: Hình thành hệ thống quản lý, an toàn chất lượng cao; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm của Hợp tác xã; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên Hợp tác xã… qua sự hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình của VietGAP, cán bộ kỹ thuật và phòng Kinh tế Thị xã Thuận An.
Sau 2 năm thực hiện, ngày 25/7/2018, Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC đã tiến hành kiểm tra đánh giá hệ thống thực hành nông nghiệp tốt cho Hợp tác xã cây măng cụt An Sơn với 6 tổ viên, diện tích là 7,75 ha. Kết quả, cả 6 hộ tham gia mô hình đều đạt chuẩn VietGAP và được trao giấy chứng nhận.
Để thương hiệu tiếp tục được phát triển và nhân rộng, tại lễ trao chứng nhận Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp bền vững đã cùng thảo luận, báo cáo kinh nghiệm làm việc với địa phương trong suốt 2 năm tại An Sơn. Qua đó, đưa ra giải pháp tiếp tục duy trì và phát triển mô hình VietGAP với thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương.
Cây măng cụt trên địa bàn thị xã Thuận An phân bố chủ yếu ở các phường xã An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm... Trong giai đoạn 2015-2017, diện tích trồng cây măng cụt đã tăng lên 20 ha, từ 660 ha lên 680 ha.
Để nâng cao được chất lượng và giữ vững được thương hiệu của Măng cụt Lái Thiêu, từ năm 2010-2013, Ủy ban Nhân dân thị xã Thuận An đã tổ chức điều tra khảo sát sơ bộ và thu thập thông tin tài liệu, cơ sở khoa học cho việc triển khai các dự án như: xác định mẫu nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ: Quản lý khai thác và phát triển Nhãn hiệu tập thể Măng cụt với mô hình 3 nhà (Nhà quản lý-Nhà vườn-Nhà khai thác); xây dựng hệ thống tổ chức quảng bá và khai thác giá trị Nhãn hiệu.
Hội Nông dân thị xã Thuận An là đơn vị có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu và chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại thị xã Thuận An mới được phép sử dụng nhãn này để dán lên sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác măng cụt Lái Thiêu.
Từ khi thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, các nhà vườn đã dần có ý thức cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.
Ông Trần Văn Viễn - một người trồng măng cụt lâu năm, kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ, khu vực xã An Sơn chiếm 70% diện tích trồng cây măng cụt của thị xã Thuận An. Vừa qua, chuỗi siêu thị Lotte Mart có đặt hàng Hợp tác xã của ông 1 tấn măng cụt/ngày, tuy nhiên ông đã từ chối vì không cung ứng đủ sản lượng do măng cụt là một giống cây khó chăm sóc và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Để đưa thương hiệu măng cụt Lái Thiêu tiến xa hơn, hợp tác xã của ông đang đi theo hướng VietGap áp dụng trên 7 hộ gia đình có diện tích cây măng cụt lớn và sau đó gom về hợp tác xã và tìm hướng đi ổn định, lâu dài cho cây.
Hiện các hộ dân trong xã vẫn còn trồng theo kiểu manh mún và bán ra thị trường nhỏ lẻ theo phương thức thương lái về tận vườn thu mua. Trong năm 2017, cả xã An Sơn bán được khoảng 60 tấn măng cụt, chỉ đủ cho thị trường trong tỉnh.
Hội Nông dân đã thành lập Ban quản lý và Ban kiểm soát với 12 thành viên quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu,” phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương để xây dựng cơ chế quản lý và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể để thông báo cho hội viên biết và nghiêm túc thực hiện.
Ngoài ra, để tuyên truyền cho thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu, Hội Nông dân thị xã Thuận An phát đã phát 200 cuốn cẩm nang, 5.800 tờ rơi cho các hội viên nông dân, khách tham quan, ban ngành, đoàn thể trong các Lễ hội mùa trái chín hàng năm.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng khai thác diện tích trồng măng cụt để phát triển du lịch. Xã Thuận An đang tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây để phát triển du lịch các xã, phường ven sông Sài Gòn, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hợp đồng dài hạn sẽ là cơ sở giúp nông dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Đây cũng là điều kiện và cơ hội để trái măng cụt Lái Thiêu khẳng định vị thế trên thị trường, vươn ra thị trường xuất khẩu của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Định hướng phát triển
Hiện nay, trái măng cụt đã có thương hiệu nên măng cụt cung không đủ cầu vì năm nay trái măng cụt đậu muộn. Để tiếp tục giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái lâu đời, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển các vườn cây đặc sản và sớm được triển khai thực hiện hiệu quả.
Chính quyền tỉnh và thị xã Thuận An đã có chủ trương tập trung nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Hiện nay, đã và đang triển khai các dự án, đề án, quy hoạch như “Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm định hướng du lịch sinh thái… đưa thương hiệu trái cây miệt vườn Lái Thiêu trở thành những điểm đến du lịch.
Để phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn phải khôi phục, cải tạo vườn cây nổi tiếng một thời; trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện một số giải pháp như điều tra tình hình cơ bản, sản xuất cây ăn trái đặc sản, phân tích đất, nước, xây dựng các công thức phân bón và chọn một số hộ nông dân làm điểm để áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây như phân bón, bảo vệ thực vật, sử dụng các hóa phẩm kích thích sinh trưởng và Trung tâm khuyến công tỉnh đã thực hiện việc nghiên cứu tính thích nghi của từng loại, giống cây...
Để tiếp tục duy trì về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021, từ cuối năm 2016 UBND tỉnh đã ban hành quyết định nhằm tạo điều kiện cho các chủ nhà vườn có vườn cây ăn quả đặc sản phục vụ phát triển du lịch sinh thái, góp phần thu hút du khách đến Bình Dương tham quan và nghỉ dưỡng; đồng thời tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ phân bón, phát triển giống cây trồng, chăm sóc, cải tạo vườn cây cũng như xây dựng thương hiệu cây ăn trái Lái Thiêu với dự án “xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu” theo tiêu chuẩn đặc thù của vùng cây ăn trái ven sông Sài Gòn và thành lập các câu lạc bộ chăm sóc cây ăn trái chất lượng cao; trên cơ sở đó phát huy năng lực cạnh tranh của thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” trên bản đồ du lịch cả nước.
UBND thị xã Thuận An đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho hơn 1.600 hộ tham gia chương trình này. Bước đầu cho thấy chính sách hỗ trợ khôi phục vườn cây ăn trái đặc sản đã giúp bà con nông dân tháo gỡ nhiều khó khăn, cải thiện rõ rệt diện tích vườn cây ăn trái đặc sản.
Theo Quyết định này, các loại cây ăn trái đặc sản được hỗ trợ gồm: măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ được trồng tại bốn xã, phường của thị xã Thuận An là: phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, xã An Sơn và hai loại cây bưởi ổi, bưởi đường lá cam được trồng ở xã Bạch Đằng của thị xã Tân Uyên. Việc hỗ trợ này được áp dụng cho trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn; hỗ trợ cho nhà vườn thất mùa, mất mùa; hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật, tham quan...
Nguồn: VITIC