Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm
Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (trước đây là Nông trường chè Tháng 10) được thành lập vào ngày 25/10/1958. Công ty Cổ Phần chè Mỹ Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn thực hiện chương trình hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tập đoàn Unilever, tập đoàn hóa mỹ phẩm và tiêu dùng lớn nhất thế giới đang tiêu thụ 15% sản lượng chè thế giới.
Hoạt động sản xuất chè của Công ty cổ phần Mỹ Lâm
Ngược lại với sự suy thoái chung của hệ thống nông lâm trường hoạt động sản xuất kinh doanh chè, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm không những đứng vững mà còn liên tục phát triển ổn định, bền vững. Công ty đã áp dụng theo mô hình liên kết sản xuất mới, nhà máy và hộ nhận khoán liên kết theo cách tập trung và hưởng lương dựa trên việc phân công công việc hợp lý và gắn kết vì lợi ích chung mang tính bền vững...
Năm 2016, Công ty đưa 40 ha vào thử nghiệm và thu được hiệu quả. Năm 2017, một nửa diện tích toàn Công ty với 200 ha tiếp tục được thực hiện. Năm 2018, toàn bộ 430 ha chè nằm trong chuỗi liên kết. Những con số trên đã nằm trong lộ trình chuyển đổi của đơn vị mà phía Công ty không coi đó là kế hoạch phải cam kết thực hiện. Điều mà toàn thể cán bộ, công nhân và người dân của chè Mỹ Lâm làm là ngoài sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn An toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản như đã cam kết với tập đoàn Unilever thì phải thực hiện những yêu cầu mang tính nhân văn như của một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã hay gìn giữ môi trường sống.
Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững yêu cầu phát triển kinh doanh đi đôi với quan tâm thực hiện tự giác 10 nguyên tắc gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc người lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, quan hệ cộng đồng, quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lý và bảo tồn đất và quản lý rác thải tổng hợp. 10 nguyên tắc trên không thể tách rời quy trình sản xuất chè an toàn. Sản phẩm chè đạt chứng chỉ khi và chỉ khi thực hiện quy trình đảm bảo các nguyên tắc trên. Đó chính là phương pháp để tạo ra sản phẩm chè đạt yêu cầu của đơn vị tiêu thụ.
Công ty đã đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, qua đó nâng cao thu nhập của người làm chè từ 80 triệu hiện nay lên 150 triệu/ha/năm vào năm 2020.
Chính vì thế, chất lượng chè đen và chè xanh Mỹ Lâm luôn hàng đầu với thị trường tiêu thụ rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Sản phẩm chè Mỹ Lâm được hàng triệu người trên thế giới tiêu dùng mỗi ngày với trên 90% sản lượng chè được tiêu thụ bởi tập đoàn Unilever. Với sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, doanh thu công ty đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/tháng. Ngoài cam kết thu mua sản phẩm, phía Unilever còn yêu cầu Công ty Cổ Phần chè Mỹ Lâm tiếp tục mở rộng sản xuất để tăng sản lượng bán.
Công ty cổ phần Mỹ Lâm vượt qua khó khăn
Những năm gần đây, sản xuất kinh doanh chè gặp rất nhiều khó khăn. Không vì thế, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm vẫn kiên định bám sát 3 mục tiêu là huy động nguồn vốn đầu tư thiết bị hiện đại và công nghệ chế biến chè tiên tiến; nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu đảm bảo bền vững; hội nhập nâng cao giá trị sản phẩm chè xuất khẩu.
Nhờ bám sát định hướng trong sản xuất kinh doanh, thiết bị chế biến chè xanh, chè đen CTC của công ty hiện đại nhất cả nước, mỗi ngày tiêu thụ và chế biến trên 80 tấn nguyên liệu chè búp tươi. Hàng năm, công ty sản xuất và tiêu thụ trên 2.000 tấn sản phẩm. Sự khác biệt của doanh nghiệp chè Mỹ Lâm là 90% sản lượng chè được Tập đoàn Unilever ký hợp đồng tiêu thụ, chất lượng chè đen đang dẫn đầu cả nước và được thị trường khó tính như EU chấp nhận.
Trong các sản phẩm chè trên địa bàn, duy nhất sản phẩm chè đen của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đang đứng đầu cả nước về chất lượng sản phẩm và xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ và Nhật Bản). Do thực hiện theo chuỗi giá trị, sản xuất quản lý nông nghiệp theo tiêu chí Rainforest và công nghệ chế biến hiện đại CTC khác hẳn công nghệ chế biến cũ OTD (Orthodox), nên đã nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là sản phẩm chè đen có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định và có sức cạnh tranh cao.
Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đã đạt được thương hiệu “con ếch xanh”
Với mục tiêu: Sản xuất nông nghiệp gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn hệ động thực vật, hệ sinh thái, bảo vệ nguồn nước. Qua đó bảo vệ sức khỏe người lao động, cộng đồng và người tiêu dùng. Tập đoàn Unilever yêu cầu Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm - thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, phải sản xuất chè theo tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp bền vững, được cấp chứng nhận thương hiệu “con ếch xanh”.
Để mỗi bao bì sản phẩm Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đều có gắn lô gô con ếch xanh - tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, Công ty phải bảo đảm thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc gồm: Bảo vệ môi trường; bảo tồn hệ sinh thái; bảo vệ động vật hoang dã; bảo tồn nguồn nước; đối xử công bằng điều kiện làm việc người lao động; sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động; quan hệ cộng đồng; quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM; quản lý và bảo tồn đất; quản lý rác thải tổng hợp. Cùng với 10 nguyên tắc là 99 tiêu chí đánh giá, truy nguyên nguồn gốc được tổ chức cấp chứng nhận giám sát.
Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đã quy hoạch diện tích trên 400 ha và chia thành 10 đội sản xuất. Diện tích các lô, khoảnh hay nương chè nằm liền kề với đường giao thông buộc phải trồng hàng rào cây lá chắn, bảo vệ cho chè không bị xâm hại. Cùng với đó là tập huấn, triển khai thực hiện quy trình sản xuất mới cho toàn thể cán bộ nhân viên, hộ nhận khoán chè. Hầu như toàn bộ cách thức, tư duy sản xuất chè trước đây đã được thay đổi. Tất cả quy trình sản xuất trên nương chè đều phải được người sản xuất chè ghi chép thành nhật ký để truy nguyên nguồn gốc…
Hướng phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ chè của Công ty cổ phần Mỹ Lâm
Nỗ lực phấn đấu thực hiện, năm 2013, Công ty CP chè Mỹ Lâm đã chính thức được Tập đoàn Unilever cấp chứng chỉ Rainforest Alliance- sản xuất nông nghiệp bền vững có biểu tượng con ếch xanh. Hằng năm, Công ty tuân thủ bón từ 3.000- 4.000 tấn phân hữu cơ từ các nguồn phân của trại bò Phú Lâm và Trại bò Hồ Toản. Bón từ 500- 700 tấn phân hữu cơ vi sinh của Công ty Môi trường đô thị Hà nội và Công ty Sông Gianh. Sản lượng chè tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững biểu tượng con ếch xanh của Công ty tăng từ 700 tấn năm 2013 lên 2.100 tấn năm 2017.
Thông qua hệ thống phân phối của tập đoàn Unilever, sản phẩm Lipton chè đen, chè xanh Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm hiện đang dẫn đầu cả nước với thị trường tiêu thụ rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường khó tính, như: Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga; các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Ngoài cam kết thu mua sản phẩm, hàng năm tập đoàn Unilever liên tục đưa ra những yêu cầu mới, đề nghị Công ty đầu tư mở rộng sản xuất, tăng sản lượng bán.
Mô hình liên kết sản xuất mới, sản phẩm chè của Công ty cổ phần Mỹ Lâm cho hiệu quả vượt trội
Mô hình liên kết sản xuất mới giữa Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và các hộ dân ở huyện Yên Sơn đã nâng cao giá trị bền vững của cây chè, tăng thu nhập cho người dân, phù hợp với xu hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Người nông dân trở thành những người công nhân nông nghiệp trên chính đồng đất của mình.
Từ khi thực hiện mô hình liên kết sản xuất mới, sản phẩm chè thu về vượt trội về cả mẫu mã và chất lượng (tăng 30% về chất lượng mẫu mã và cả sản lượng so với chè sản xuất theo mô hình cũ); bảo đảm an toàn thực phẩm theo cam kết của công ty với đối tác (chủ yếu theo tiêu chuẩn EU).
Với hiệu quả thiết thực do mô hình sản xuất mới mang lại, từ 90 hộ nhận khoán ban đầu, hiện nay công ty đã áp dụng mô hình mới này với 250 hộ nhận khoán trên diện tích 200 ha chè. Dự kiến hết năm 2018, mô hình này sẽ được áp dụng trên toàn bộ diện tích đất của các hộ nhận khoán với công ty trước đây.
Thực hiện mô hình liên doanh, liên kết mới nêu cao vai trò và trách nhiệm của người dân không chỉ với sản phẩm chè búp tươi mà còn với chính tuổi thọ của cây chè từ đó nâng cao giá trị vườn chè. Bên cạnh đó, thu nhập của người trồng chè cũng tăng từ 140 đến 150% so với trước đây, đạt 60 triệu đồng/ha.
Định hướng trong thời gian tới
Theo Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, muốn phát triển bền vững, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ thực tế này, công ty nghiên cứu, tìm mô hình liên kết sản xuất mới, thay vì quan hệ mua – bán với người dân như trước đây. Giờ đây, công ty và người dân liên kết với nhau dựa trên việc phân công công việc cụ thể. Người nông dân được công ty trả lương để chăm sóc vườn chè của chính gia đình.
Công ty hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn người dân chăm sóc chè theo kỹ thuật… để nâng cao sản lượng, chất lượng chè nguyên liệu. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm người dân và công ty cùng thỏa thuận giá chè khi thu hoạch nên người nông dân sẽ không phải lo biến động của thị trường.
Trước đây, công ty và người trồng chè liên kết với nhau thông qua hợp đồng khoán sản phẩm, công ty sẽ thu mua chè búp tươi cho người dân. Tuy nhiên, mô hình bộc lộ hạn chế như: người dân chỉ chú trọng đến việc nâng sản lượng để bán cho công ty, ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Việc người dân tự sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn, mua vật tư nông nghiệp cũng chịu giá cao hơn trong khi chất lượng người dân không tự thẩm định được… Thực tế này dẫn đến tình trạng chất lượng chè thấp trong khi yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Mô hình nâng cao giá trị bền vững của cây chè, nâng thu nhập cho nông dân, phù hợp với xu hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Người nông dân trở thành những người công nhân nông nghiệp nhưng vẫn làm chủ trên mảnh đất của mình. Đây là mô hình cần được nhân rộng không chỉ Tuyên Quang mà còn trong phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè, các địa phương thành lập tổ dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, đa dạng hoá mặt hàng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh các giống chè mới, hướng dẫn người dân sản xuất chè hữu cơ, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…
Xu hướng này cũng phù hợp với lộ trình sản xuất nền nông nghiệp hữu cơ của công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Thời gian tới, Công ty đặt mục tiêu loại bỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. Công ty xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một xu thế tất yếu, là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh thái học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của công ty, kết hợp truyền thống với đổi mới, sáng tạo và khoa học công nghệ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong cộng đồng.
Nguồn: VITIC