Thứ Sáu, 02/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Chè Shan tuyết - đặc sản đã được cấp chỉ dẫn địa lý của tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, có diện tích đất trồng chè lớn thứ ba cả nước sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Hà Giang được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng, lễ hội văn hóa độc đáo và giống chè đặc sản Shan tuyết. Cây chè Shan tuyết ở đây mọc thành rừng, có nhiều cây chè cổ thụ vài trăm tuổi, không cần chăm sóc, bón phân và phun thuốc. Những búp chè Shan tuyết Hà Giang rất mập, căng tràn nhựa sống, bề mặt phủ lớp lông sáng bạc. Sinh trưởng và phát triển dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh, quanh năm sương phủ, nơi sinh sống của cộng đồng người Dao và người H’Mông, vì vậy, cây chè Shan tuyết gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của người dân địa phương.

Không những được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ, bầu không khí mát lành mà mảnh đất Hà Giang còn là nơi sinh trưởng và cho ra loại chè ngon bậc nhất Việt Nam – chè Shan tuyết. Loại chè cổ thụ này có hương vị thơm ngon, ngọt hấp dẫn nên có thể chinh phục mọi tâm hồn, kể cả những vị khách khó tính nhất. Chè Shan tuyết được xem là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Hà Giang nói riêng và một số tỉnh miền núi phía bắc nói chung.

Khác với những loại chè khác, chè Shan tuyết có những điểm riêng biệt, không lẫn vào đâu được như: là loại cây thân gỗ cổ thụ, to và cao, lá mọc từng chùm trên cành. Do đó, để thu hoạch người trồng phải trèo lên ngọn cây để hái. Tuổi đời của loại chè này cũng đạt tới con số đáng kinh ngạc, từ 100 đến vài trăm tuổi. Trên mỗi lá chè Shan tuyết đều có lớp lông tơ trắng mịn như sương khói, mây mù ở Hà Giang.

Chè Shan tuyết Hà Giang có các đặc điểm đồng đều về màu sắc và kích thước, búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (có tuyết), cánh chè to, tròn. Đặc biệt, khi pha chè, nước sánh, màu xanh vàng bắt mắt, mùi thơm tự nhiên, vị chát dịu và có vị ngọt hậu dễ chịu, đặc trưng cho sản phẩm, hài hòa giữa vị và mùi thơm.

Chất lượng của chè Shan tuyết Hà Giang được thể hiện ở các chỉ tiêu sinh hóa, cụ thể: hàm lượng tro tổng số từ 4,87 - 6,49%, hàm lượng tanin từ 27,22 - 38,88%, hàm lượng cafein từ 2,30 - 4,19%, hàm lượng tro tổng số từ 58,31 - 66,52%, hàm lượng chất chiết trong nước từ 38,32 - 47,79%.

Tại Hà Giang, loại chè này phân bố chính ở một số huyện như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Quang…. Một năm chè Shan tuyết cho thu hoạch 4 đợt. Đợt đầu là đợt chè ngon nhất vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Đợt thứ 2 là vào tháng 5, tháng 6; đợt thứ 3 là vào tháng 8; đợt thứ 4 là vào tháng 10, 11. Chè Shan tuyết lại gồm 2 loại chính là chè lá to mọc nhiều ở vùng Bó Đướt, Thượng Sơn, Vị Xuyên và chè lá nhỏ có tán hình mâm xôi.

Công dụng của chè Shan tuyết: Lá chè Shan tuyết tươi có rất nhiều vitamin, đặc biệt nhiều vitamin C, có khả năng chống viêm nhiễm, chống oxy hóa rất tốt. Trong chè còn có polyphenol (chất gây ra vị chát đặc trưng của chè) có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn rất hiệu quả mà không gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt các nhà khoa học đã tìm thấy trong lá chè Shan tuyết có nhiều Epi Gallo Catechin Galat (viết tắt là EGCG) là chất có khả năng chống oxy hóa rất mạnh.

Do đó, uống nước chè Shan tuyết thường xuyên giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do. Qua đó, giúp cơ thể khỏe mạnh, trẻ đẹp vì gốc tự do vốn là nguyên nhân khiến con người mắc bệnh và nhanh già.

Trong lá chè Shan tuyết còn có 2 chất là teobromin và teophylin. Hai chất này giúp cơ thể bài tiết nhanh các chất độc hại trong đó có caffein. Đó cũng là lý do những người bị say nắng nên uống vài cốc nước chè loãng, pha một chút đường và muối để nhanh tỉnh táo, giúp cơ thể đỡ mệt mỏi.

Ngoài ra, chè còn có khả năng làm cho đầu óc minh mẫn, phòng chống bệnh tim mạch, chống sâu răng, trị viêm nướu răng, trị hơi thở có mùi hôi, ngăn chặn tổn thương não ở người đột quỵ, chống lú lẫn tuổi già, ngăn chặn bệnh Parkinson, chống độc và giải độc cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư…

Đặc biệt, chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang mọc tự nhiên, không tiếp xúc với phân bón hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nên có thể đảm bảo các tiêu chí vệ sinh, an toàn, chất lượng.

Quy trình thu hái: Để làm nên loại chè đặc sản này, ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, thì quy trình chế biến và bảo quản chè Shan tuyết cũng được người làm chè đặc biệt chú trọng.

Để cho ra các sản phẩm chè thơm ngon, chất lượng, cây chè Shan tuyết Hà Giang không chỉ được trồng, chăm sóc kỹ lưỡng mà quá trình chế biến và bảo quản chè Shan tuyết cũng cần đảm bảo hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt. Hiện nhiều hộ trồng chè ở Hà Giang tiến hành chăm sóc, thu hái theo hướng dẫn và nhập chè cho các hợp tác xã trong vùng để chất lượng chè búp và chè thành phẩm được tốt, đồng đều nhất. Cụ thể: Ở Hà Giang, các hợp tác xã sản xuất, chế biến và bảo quản chè Shan tuyết luôn nắm rõ diện tích chè cổ thụ trong vùng từ đó tiến hành phân lô cho từng đồi chè và đánh mã số cho từng cây. Sau khi được phân loại, chè sẽ được tiến hành quản lý, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu hái cho từng hộ dân.

Việc chăm sóc tỷ mỉ giúp chè nảy mầm mạnh, ra nhiều búp chè tươi non, tinh khiết. Khi thu hái, người dân chỉ chọn những búp chè non mềm, không bị sâu bệnh, đã ngấm đủ tinh hoa của sương sớm đất trời. Căn cứ vào độ phát tiển của búp chè (lá chè xòe to hay nhỏ) mà chỉ hái 1 tôm, 1 tôm 1 lá hay 1 tôm 2 lá. Loại búp chè được thu hái sẽ quyết định loại và một phần hương vị chè thành phẩm.

Để nâng cao chất lương chè thành phẩm, các hợp tác xã còn hướng dẫn người dân quy trình thu hái và bảo quản để búp không bị dập nát. Thời gian từ khi thu hái tới xưởng chế biến thường không kéo dài quá 6 tiếng. Búp chè sẽ được bảo quản nghiêm ngặt từ lúc hái đến lúc chế biến, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển để không bị đè nén, tránh dập nát, tránh nắng mưa, không bị lẫn tạp chất. Khi vận chuyển chè, người làm chè luôn tuân thủ không vận chuyển chè tươi bằng bao tải (tránh gây hấp nóng khối nguyên liệu), khi vận chuyển phải che nắng che, che mưa để tránh chè bị khô táp hoặc ướt….

Chè Shan tuyết Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Những năm qua, nhận thấy rõ lợi thế của cây chè Shan tuyết, tỉnh Hà Giang đã có những bước đi phù hợp, khuyến khích người dân chăm sóc, bảo tồn, đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Mục tiêu là quy hoạch lại vùng trồng, thu mua và chế biến chè Shan tuyết trọng điểm; tạm giao vùng nguyên liệu cơ bản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tạo ra các chuỗi giá trị liên kết từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Phạm vi của Chỉ dẫn địa lý bao gồm các xã trồng và chế biến chè Shan tuyết: Tân Thành, Tân Lập, Tiên Kiều, Đức Xuân (Bắc Quang); Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Trịnh, Tân Bắc, Tân Nam, Yên Bình, Bản Rịa, Yên Thành (Quang Bình); Nà Chì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng, Cốc Rế, Chế Là, Thu Tà, Bản Ngò, Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Nàn Xỉn, Ngán Chiên (Xín Mần); Túng Sán, Nậm Khòa, Thông Nguyên, Nam Sơn, Nậm Ty, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Bản Luốc, Tả Sử Choóng, Bản Péo, Bản Nhùng (Hoàng Su Phì); Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Phương Tiến, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải  (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang).

Sự kiện trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” đã mở ra hướng đi mới cho sản phẩm của các địa phương có cây chè Shan tuyết tại Hà Giang. Cùng với những bước đi phù hợp của ngành nông nghiệp Hà Giang tạo điều kiện để sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của tỉnh được bảo tồn và đồng thời giới thiệu đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bảo tồn nguồn gen chè Shan tuyết cổ thụ trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có trên 21.000 ha chè, diện tích chè kinh doanh chiếm trên 80% diện tích và chủ yếu là giống chè Shan tuyết; sản lượng chè búp tươi đạt bình quân 66,7 vạn tấn/năm. Diện tích chè được trồng chủ yếu tập trung tại 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Ngoài ra, 4 huyện vùng Cao nguyên đá có diện tích chè vào khoảng 1.000 ha. Nơi đây đất chủ yếu là đá, quanh năm sương mù bao phủ, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, có độ cao trên từ 1.000 - 1.600 m so với mực nước biển... đã tạo nên một giống chè Shan tuyết cổ thụ đặc sản nổi tiếng đó là chè Shan tuyết Lũng Phìn (huyện Đồng Văn).

Chè Shan tuyết Lũng Phìn xưa nay luôn được đánh giá là “đệ nhất chè” bởi hương vị độc đáo. Tuy nhiên, trên vùng Cao nguyên đá, người dân trồng chè theo phương thức truyền thống, mật độ cây thưa, không được đầu tư thâm canh. Ngoài ra, do đa số cây chè đã ở độ tuổi già cỗi (có cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi) nên độ phân cành kém, tỷ lệ búp không đáng kể dẫn đến năng suất chè thấp, trung bình chỉ đạt 31,5 tạ/ha.

Toàn xã Lũng Phìn chỉ có 77 ha chè Shan tuyết, trong đó có trên 50 ha cho thu hoạch. Đến thời điểm hiện nay xã còn lưu giữ được 5.850 gốc chè bản địa (diện tích khoảng 14,3 ha) có tuổi đời từ 70 đến hàng trăm năm tuổi. Đây là giống chè ngon nổi tiếng trong cả nước nên giá bán thường rất cao (trung bình từ 850 – 900 nghìn đồng/kg, có thời điểm tới 1,7 triệu đồng/kg). Tuy nhiên, do bà con chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc, thu hái và chế biến nên sản lượng chè còn rất thấp và hầu như chưa có mặt trên thị trường. Người tiêu dùng sành chè phải vào tận các hộ gia đình trồng chè, đặt trước để mua mới có được sản phẩm chè Lũng Phìn chính hiệu, nhưng số lượng rất hạn chế.

Theo UBND huyện Đồng Văn, do điều kiện tự nhiên và sinh thái phù hợp nên giống chè Shan tuyết đã được người dân địa phương trồng từ hàng trăm năm nay theo phương thức hoang dã và phân tán. Do đặc thù của tiểu vùng khí hậu và chất đất đã tạo nên hương vị đặc trưng duy chỉ có ở chè Lũng Phìn. Vì giá trị của sản phẩm chè Lũng Phìn thường cao gấp từ 5 - 6 lần so với các giống chè khác nên trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành chuyên môn chỉ đạo các giải pháp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh để tăng năng suất.

Để bảo tồn và phát triển chè Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn, xây dựng thương hiệu chè nổi tiếng của vùng Cao nguyên đá, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng dự án hỗ trợ thâm canh, cải tạo chè già cỗi Shan tuyết Lũng Phìn.

Trong những năm vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã phối hợp với UBND huyện Đồng Văn và các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè, khai thác có hiệu quả diện tích chè Shan tuyết cổ thụ hiện có. Một mặt quy hoạch vùng chè đặc sản Lũng Phìn; mở rộng diện tích, tăng năng suất và sản lượng, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm chè đặc sản Lũng Phìn trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang.

Nguồn: VITIC

Liên kết website