Cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trong các loại cây lâm sản thì cây quế được biết đến như một loại cây đặc sản của vùng nhiệt đới và từ lâu cây quế đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thế giới chỉ có một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản… mới có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất cây quế. Trong các sản phẩm nông nghiệp thì cây quế có giá rất cao nên đem lại hiệu quả cao cho ngành sản xuất quế. Việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên là điều kiện cho sản phẩm này trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, giúp người tiêu dùng được sử dụng đúng sản phẩm quế nổi tiếng.
So với các loại cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị hơn rất nhiều, chỉ 3 năm là có thể tỉa thưa những diện tích trồng dày để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, những cây còn lại chịu khó chăm sóc thì 8 năm là có thể thu hoạch được. Với việc tận thu lá, gốc, vỏ, cành, nhiều gia đình tại Yên Bái đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hàng năm, tỉnh Yên Bái đưa ra thị trường khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô và nhiều sản phẩm đa dạng liên quan đến quế, thu về hàng chục tỷ đồng. Toàn huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái có khoảng 5.000 ha, tập trung nhiều ở các xã vùng cao, vùng thượng huyện.
Đến nay, cây quế đã và đang mang lại nguồn thu nhập chủ yếu, giúp nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây. Yên Bái đã có nhiều sản phẩm từ quế như: Các sản phẩm tinh dầu quế được chiết xuất theo công nghệ hiện đại ở nhiệt độ cao từ cành, ngọn, lá cây quế. Đặc biệt, các sản phẩm nổi tiếng từ vỏ quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi...
Diện tích quế hiện có trên địa bàn huyện hàng năm cho thu hoạch hơn 6.000 tấn cành, lá nguyên liệu với giá bán bình quân 3.000 đồng/kg, cho thu nhập 18 tỷ đồng; tinh dầu đạt 35 tấn với giá bán bình quân 6 triệu đồng/kg mang về thu nhập 21 tỷ đồng; hơn 2.000 tấn vỏ quế khô, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, cho thu nhập 50 tỷ đồng và khoảng 15.000 m3 gỗ quế cho thu nhập 15 tỷ đồng.
Tính trung bình mỗi héc-ta quế từ 10 năm tuổi trở lên mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng cho người dân nếu khai thác trắng, thu nhập khoảng 100 triệu đồng nếu chỉ tỉa cành và lá quế.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp - lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn, năm 2016 - 2017 đã có trên 2.000 ha quế được trồng mới. Thuận lợi hơn là Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến tinh dầu quế Văn Chấn tại xã Sơn Lương, là điều kiện giúp nhân dân tận thu các phụ phẩm từ cây quế và góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thu hoạch. Giá trị sản phẩm cao cùng sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đang tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích quế.
Hàng năm, toàn huyện đã thu hút gần 1.000 hộ tham gia trồng, chăm sóc cây quế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý theo hướng canh tác bền vững, sử dụng hợp lý đất đai và lao động hiện có trong vùng. Cùng với đó, góp phần tăng độ che phủ của thảm thực vật từ 54,3% năm 2015 lên 55,3% vào năm 2017, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn.
Để bảo đảm việc cung cấp giống cây chất lượng tốt, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đã lựa chọn quế đầu dòng và xây dựng vườn ươm tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và xã Chấn Thịnh với quy mô hơn 4,2 triệu cây quế giống, đáp ứng tốt nguồn giống để trồng mới diện tích quế trong năm 2018 và những năm tiếp theo của bà con trong huyện.
Dự kiến, đến năm 2020, toàn huyện có vùng nguyên liệu hơn 5.500 ha, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện.
Vừa qua, Sở Công Thương Yên Bái đã phối hợp với UBND huyện Văn Yên tổ chức khai mạc Hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm Quế Văn Yên năm 2018. Hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm Quế Văn Yên năm 2018 được tổ chức với quy mô trên 200 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, triển lãm. Trong đó nổi bật là 30 gian hàng triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm quế - một sản phẩm thế mạnh của tỉnh Yên Bái.
Hội chợ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên có dịp mở rộng giao lưu kinh tế với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời là điều kiện tốt để các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, liên kết đầu tư, mở rộng thị trường, mua - bán hàng hóa, quảng bá thương hiệu, hình ảnh và sản phẩm của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Đây cũng là một trong những nội dung được Sở Công Thương - UBND huyện Văn Yên phối hợp thực hiện để quảng bá cho các sản phẩm quế, quảng bá giới thiệu thế mạnh của Văn Yên. Qua đó thực hiện kết nối cung cầu, phát triển giao thương tiêu thụ sản phẩm quế nói riêng và các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất nói chung. Đồng thời thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ngành sản xuất quế còn nhiều hạn chế
Cây quế Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng ngành sản xuất quế hiện nay vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, lao động trong ngành trồng quế chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc ít người, chưa có đầu tư lớn, vì vậy năng suất và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngành xuất khẩu quế của Việt Nam còn quá nhỏ bé so với tiềm năng và chỉ dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm thô nên kim ngạch còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu và so với các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp khác.
Để giải quyết tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tìm mọi cách để đưa các phương thức sản xuất mới áp dụng vào các vùng khó khăn, đưa cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để bà con nhân dân các dân tộc có thể thoát nghèo. Với những định hướng đúng đắn, cùng nhiều chính sách ưu đãi, những năm qua, cây quế đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của người dân trong huyện Văn Yên, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũng như hỗ trợ cho các địa phương trên địa bàn huyện trong việc bảo vệ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng quế hiện có là của hộ gia đình, cá nhân nên có quy mô nhỏ, ở những nơi xa cách đường giao thông; quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí và giảm chất lượng quế.
Cùng với đó, phần lớn người trồng quế thiếu vốn để thâm canh, mở rộng diện tích; nhận thức về chất lượng sản phẩm quế của người dân còn nhiều hạn chế, thiếu kiểm soát, chỉ sơ chế thủ công, chưa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, việc tiến hành tỉa cành đối với những diện tích quế chưa đến tuổi khai thác khá nhiều, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây; việc sản xuất và kinh doanh quế còn thiếu tính tổ chức, chủ yếu mới tập trung vào hỗ trợ sản xuất, còn thiếu cơ chế cho việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Năm 2018 và những năm tiếp theo, để Đề án phát triển cây quế thực sự đi vào cuộc sống giúp người dân xóa đói giảm nghèo, huyện Văn Chấn cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.
Chính sách hỗ trợ phát triển
Nhận biết giá trị to lớn từ cây quế, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy bà con nhân dân trồng quế; những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế trên địa bàn.
Để nâng cao vị thế cây quế, tỉnh cũng đã xây dựng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên. Qua đó, đã đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực, không chỉ là cây xoá đói, giảm nghèo mà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều vùng trong tỉnh.
Cùng với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế…
Nhằm tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng quế nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, cơ sở kinh doanh, huyện Văn Yên đã quy hoạch diện tích nhằm ổn định vùng quế chất lượng cao ở 10 xã vùng cao và ở 8 xã nằm dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua địa bàn huyện dài hàng chục km.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để phát triển sản xuất quế theo hướng hàng hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu của thị trường; gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế. Đây là cơ sở để tiêu thụ các sản phẩm từ quế. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái sẽ cân đối giữa chế biến gắn với vùng nguyên liệu, không để sản xuất tràn lan phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu và làm giảm chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ thương hiệu quế Văn Yên.
Thị trường tiêu thụ vỏ quế của Yên Bái hiện khá ổn định, song Yên Bái vẫn chưa trực tiếp xuất khẩu được mà vẫn phải thông qua một số doanh nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh. Thời gian tới, Yên Bái sẽ tìm cách giải quyết khâu này nhằm mang lại giá trị trực tiếp cho người trồng quế. Cụ thể làm việc trực tiếp với các cơ sở chế biến quế nguyên liệu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để tìm thị trường đầu ra và giá cả ổn định. Đi các nơi trong và ngoài nước nhằm học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho quế và các sản phẩm của quế. Có cơ chế thông thoáng (về thủ tục, vốn...) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các điểm thu mua (càng nhiều càng tốt) để người dân có nhiều sự lựa chọn việc bán quế và các sản phẩm của quế. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tăng cường hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm các giải pháp, tập trung việc mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng các sản phẩm từ cây quế. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để phát triển ổn định vùng nguyên liệu quế cũng như không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu quế Văn Yên đã được công nhận.
Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất thì việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông đến những vùng sản xuất quế là một điều hết sức cần thiết, tạo thuận lợi thông thương trong mua bán, hạn chế tối đa tình trạng ép giá, hoặc chi phí vận chuyển quá cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Yên Bái cần phải có chính sách kinh tế nhạy bén, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu các mặt hàng quế để hai bên cùng có lợi; hoàn thiện quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, tránh chồng lấn, xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm chủ lực không chỉ riêng cây quế. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tiến hành quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm quế chủ yếu.
Nguồn: VITIC