Na dai Mai Sơn có vỏ mềm, màu xanh, thịt màu trắng lại ít hạt, vị ngọt sắc, mùi thơm đặc biệt, ăn rất ngon miệng. Na dùng làm sinh tố, kem ăn cũng rất ngon.
Mỗi năm vào dịp tháng 8 là thời điểm thu hoạch na, dọc 2 bên đường quốc lộ 6 đoạn qua Mai Sơn na được bày bán rất nhiều tạo nên một không khí mua bán nhộn nhịp.
Những năm gần đây, các hộ trồng na dai ở Mai Sơn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm bón, đặc biệt bà con thực hiện kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho na nhờ vậy năng suất cao hơn, trái to, đẹp và nhiều cùi hơn.
Sản phẩm quả na của huyện Mai Sơn mang hương vị đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa miền núi Tây Bắc; có vị ngọt dịu, cùi dày và dai, ít hạt, dễ bóc, tỷ lệ thu hồi đạt 65%; quả to, tròn đều (trung bình 3 quả/kg, nhiều quả lên đến 6 lạng).
Để mua được na ngon, nên chọn những quả có vỏ mềm, mỏng, không thâm đen và nứt nẻ, gai to, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống, đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Để tránh chọn nhầm na bở, cần lưu ý na dai có đặc điểm là các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, vỏ mỏng, có thể bóc ra từng mảng như vỏ quýt và na dai ăn ngọt hơn na bở.
Trong quả na chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất…có lợi ích vô cùng to lớn đối với sức khỏe. Đặc biệt, quả na rất giàu vitamin C, rất hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của con người.
Sự hình thành và phát triển của na Mai Sơn
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, cây na theo người dân lên vùng đất Mai Sơn “lập nghiệp”. Khi đó, ở các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Thị trấn mỗi gia đình chỉ trồng vài cây để phục vụ sinh hoạt, sử dụng không hết, bà con mang ra chợ bán. Do trồng theo phương pháp truyền thống nên quả nhỏ, mẫu mã không đẹp, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì na ngọt và thơm ngon. Trải qua năm tháng, nhu cầu về sản phẩm na ngày càng tăng, khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh dần biết đến, nên diện tích trồng na được mở rộng. Đây cũng là động lực để người trồng na đổi mới phương thức sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với những lý do đó, từ năm 2005, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã thực hiện rà soát, quy hoạch vùng trồng na, thông tin rộng rãi để người dân chủ động phát triển thành những vùng sản xuất tập trung, chủ yếu ở các xã: Hát Lót, Cò Nòi, Thị trấn. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, công ty tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc na, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, sản xuất na theo quy trình VietGAP... Đặc biệt, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện, Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (CONSETTI) tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng cảm quan sản phẩm na, góp ý mẫu nhãn hiệu (logo) và bản đồ khu vực địa lý nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn” và hội thảo “Thống nhất bộ tiêu chí sản phẩm, bộ hồ sơ cấp quyền nhãn hiệu chứng nhận và quy chế, quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn”. Đồng thời, gửi mẫu quả na đến Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) phân tích các chỉ tiêu lý, hóa sản phẩm na Mai Sơn.
Trồng na đạt hiệu quả kinh tế cao, vì vậy trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều gia đình trồng na, nhất là việc trồng na theo quy trình VietGAP, bởi sản phẩm na VietGAP năng suất cao hơn phương pháp truyền thống từ 3 - 4 tấn quả/ha, đảm bảo về chất lượng, giá thành cao hơn, đầu ra thuận lợi. Ngoài trồng giống na truyền thống, từ năm 2015, nhiều hộ dân còn trồng giống na Thái. Loại cây na này có ưu điểm: Sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu, kháng bệnh tốt, trọng lượng quả đạt từ 0,5 - 0,8 kg/quả, chất lượng tương tự na truyền thống, quả ít bị nứt khi chín, nhu cầu của thị trường cao, giá bán cao gấp 3 lần na truyền thống... Hiện, diện tích na Thái ở Mai Sơn khoảng 15 ha, trong đó 10 ha đã cho thu hoạch, sản lượng gần 35 tấn quả/vụ.
Thực tế cho thấy, việc trồng na cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi đã và đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn lựa chọn. Tin rằng, cây na sẽ trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân làm giàu.
Đáng chú ý, ngày 25/8/2018, UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn” và ngày hội Nông sản năm 2018. Đây là dấu ấn quan trọng đối với những người trồng na, khẳng định được thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo UBND tỉnh Sơn La, việc công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn” là kết quả quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng hơn là phải duy trì và phát triển thương hiệu Na Mai Sơn để người tiêu dùng cả nước biết đến. Để làm được điều này, huyện Mai Sơn cần tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ mới để bảo tồn giống, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm na. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó tập trung vào các thị trường lớn trong nước; xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, chế biến, bảo quản sản phẩm. Quản lý chặt chẽ nguồn giống, vùng trồng để nâng cao năng suất, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm na nhằm giữ vững thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu sản phẩm na ra nước ngoài.
Việc tổ chức sự kiện này nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của địa phương tới người tiêu dùng, các nhà đầu tư cũng như du khách. Đồng thời, qua sự kiện tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân của huyện hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân.
Huyện Mai Sơn hiện có 3.985 ha cây ăn quả các loại đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 18.000 tấn quả/năm. Trong đó, có 140 ha na (129 ha đã cho thu hoạch), tập trung ở các xã: Cò Nòi, Mường Bon, Nà Bó và thị trấn Hát Lót, với sản lượng khoảng 1.416 tấn quả/vụ.
Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn” và Ngày hội Nông sản năm 2018, đã thu hút 35 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Mai Sơn tham gia. Trong đó, 15 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm na Mai Sơn của các hợp tác xã, hộ gia đình trong vùng trồng na sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chỉ tính riêng xã Cò Nòi (Mai Sơn) đã có hơn 33 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP trong tổng số hàng trăm ha trồng na. Đặc biệt, từ năm 2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn xã Cò Nòi đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm na Thanh Sơn. Vì vậy, sản phẩm na của hợp tác xã xuất bán ra thị trường đều được dán tem thương hiệu na Thanh Sơn. Việc này giúp hợp tác xã tạo được uy tín cho sản phẩm na, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho thành viên. “Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn” và ngày hội nông sản là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm na tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, đây là thời điểm mà những người trồng na mong chờ nhất trong năm. Vui hơn nữa, vào lúc này, sản phẩm na Mai Sơn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng của những người trồng na trong toàn huyện.
Định hướng phát triển của huyện Mai Sơn
Mặc dù diện tích vùng cây ăn quả huyện Mai Sơn ngày càng được mở rộng và phát triển, nhưng đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Điều này khiến năng suất, sản lượng chưa đạt như mong muốn. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa quả còn nhiều khó khăn.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Mai Sơn đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện có trên 80 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có trên 60 hợp tác xã trồng cây ăn quả. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân Mai Sơn nhiệt tình ủng hộ và tình nguyện tham gia hợp tác xã. Việc thành lập hợp tác xã sẽ bảo đảm cho nông dân trong các khâu cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, chỉ khi thành lập hợp tác xã thì tỉnh mới có căn cứ hỗ trợ cấp chứng nhận thực phẩm an toàn, chứng nhận VietGAP và tiến tới GlobalGAP, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế trái cây Mai Sơn. Đồng thời, hợp tác xã cũng là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Thời gian qua, UBND huyện Mai Sơn cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành để tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ để quảng bá, thúc đẩy việc cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận nhãn hiệu cho nông sản. Trong đó có việc tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “na Mai Sơn” và Ngày hội Nông sản năm 2018. Từ đây, thương hiệu “na Mai Sơn” đã có chỗ đứng pháp lý vững chắc trên thị trường, mở ra cơ hội hợp tác và liên kết chặt chẽ 4 nhà để sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm bền vững.
Việc trồng và phát triển vùng cây ăn quả đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 20%. Huyện Mai Sơn đã và đang tập trung xây dựng thêm các hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy ký kết hợp tác tiêu thụ với các công ty, tập đoàn lớn, mở nhà máy chế biến hoa quả ở huyện Mai Sơn để bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân yên tâm canh tác.
Huyện chủ trương mở rộng mô hình cây ăn quả, phấn đấu hết năm 2020 đạt 9.000ha. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch vùng để tạo ra những vùng cây ăn quả tập trung, góp phần thực hiện tốt xây dựng chuỗi liên kết bảo đảm đầu ra sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm để xuất khẩu trái cây Mai Sơn đến thị trường Australia, Mỹ, Trung Quốc, EU...
Đối với na, dự kiến trong những năm tới huyện sẽ mở rộng diện tích trồng na từ 10-20%. Mô hình trồng na ghép đã được người dân trong địa bàn huyện Mai Sơn trồng khá phổ biến trong một vài năm trở lại đây và cho hiệu quả kinh tế cao. Giống na trồng chủ yếu tại Mai Sơn là giống na dai của địa phương, năng suất bình quân khoảng 10-12 tấn/ha. Trong vài năm gần đây, nhờ áp dụng các dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật người trồng na ở Mai Sơn đã tự ghép được giống na cho quả to, chín đúng vụ với chất lượng thương phẩm tốt và có hương vị thơm ngon. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng hơn 150 hộ và cơ sở tham gia trồng na. Mỗi hộ bình quân có khoảng 1,5 ha với thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi vụ.
Đây là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu Na Mai Sơn ra thị trường trong thời gian tới.
Nguồn: VITIC