Thứ Bảy, 05/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Vùng Tây Bắc với tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Ngày đăng: 08/11/2018
Lượt xem: 277
Giai đoạn 2013-2018 và định hướng phát triển giai đoạn 2018-2020 về phát triển kinh tế hợp tác vùng Tây Bắc (gồm 7 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai) cho thấy, vùng Tây Bắc là địa bàn có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp của mỗi một tỉnh trong vùng đều có những thế mạnh, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu như Táo Sơn Tra, Quýt Mường Khương Lào Cai, Cam Văn Chấn Yên Bái…

Táo Sơn Tra Sơn La

Hiện, tỉnh Sơn La có khoảng gần 9.000 ha cây sơn tra, trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Thuận Châu, Mường La và Bắc Yên. Riêng huyện Bắc Yên có gần 2.230 ha rừng cây sơn tra tự nhiên và trồng mới, góp phần tăng độ che phủ rừng, tăng thu nhập cho bà con các dân tộc. Quả sơn tra Sơn La có màu sắc đẹp, mùi thơm, vị ngọt ít chát, hương vị đặc trưng, tiêu biểu, như sơn tra má hồng ở Xím Vàng, sơn tra giòn ở Hang Chú (Bắc Yên)...

Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La vào cuối tháng 9/2018 sẽ là điều kiện để xây dựng thương hiệu sản phẩm sơn tra của Sơn La trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sơn tra, nâng cao đời sống của nông dân trồng sơn tra trên địa bàn.

Huyện Thuận Châu đang thực hiện trồng, phát triển cây sơn tra trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, tập trung tại các xã vùng cao. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện là 6.178ha, tăng 2.000ha so với năm 2017.

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tổ chức hỗ trợ và triển khai trồng cây sơn tra ghép (năng suất dự kiến tăng 1,2-1,5 lần, chất lượng, giá trị sản phẩm cao hơn so với giống hiện tại); duy trì vườn ươm cây giống tại xã Chiềng Pha để cung cấp giống cây cho các hộ.

Huyện cũng đang củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 hợp tác xã đã thành lập (hợp tác xã bản Nặm Búa và hợp tác xã Thanh Sơn), tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia thành viên của các hợp tác xã đã thành lập, đặc biệt là các hộ dân trồng cây sơn tra trên địa bàn các xã Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, É Tòng…

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai dự án xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm quả sơn tra; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả sơn tra.

Quýt Mường Khương Lào Cai

Huyện Mường Khương hiện có có 405 ha quýt được trồng tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Khường, các xã Tung Chung Phố, Lùng Khâu Nhin…. Năm 2018, diện tích quýt cho thu hoạch là 150ha.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên quýt Mường Khương được mùa, ước năng suất đạt 120 tạ/ha; sản lượng đạt gần 1.300 tấn, giá bán ổn định từ 15 - 20 nghìn/kg.

Năm 2017, quýt Mường Khương đã được công bố nhãn hiệu và mới đây tiếp tục được cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGap. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để quýt Mường Khương khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt Nam.

Huyện Mường Khương phấn đấu phát triển trên 500 ha quýt vào năm 2020. Việc nhãn hiệu “Quýt Mường Khương” được công bố chứng nhận sẽ tạo chuỗi giá trị cho sản xuất bền vững, phát triển ổn định vùng quýt hàng hóa và kết hợp thúc đẩy phát triển cho du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Quýt Trà Lĩnh Cao Bằng

Trà Lĩnh là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Cao Bằng, khí hậu mát quanh năm, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả ôn đới, với chất lượng sản phẩm cao, trong đó, cây quýt là loại cây ăn quả đặc sản trồng lâu năm của huyện, nổi tiếng bởi vị ngọt thanh và mùi thơm riêng biệt. Hiện nay, sản lượng quýt trên địa bàn huyện khoảng hơn 100 ha; trong đó, có gần 40 ha đã cho thu hoạch.

Những năm gần đây, nhiều nông hộ đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăm sóc cây quýt, đem lại thu nhập cao. Nhiều hộ có thu nhập từ 500 – 800 triệu đồng/vụ. Vì thế, quýt được coi là cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp giúp người dân huyện Trà Lĩnh nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.

Quýt Trà Lĩnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc được cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể là dấu mốc quan trọng đối với người trồng quýt ở Trà Lĩnh, tạo thuận lợi cho người dân tập trung sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xóa nghèo và tiến tới làm giàu, xây dựng vùng biên giới huyện Trà Lĩnh ấm no, phát triển. 

Để có thể cạnh tranh trên thị trường, hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực này cần chú ý đến quy mô sản xuất, tránh tình trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu là từ các hộ gia đình sản xuất; sản phẩm chủ yếu ở dạng thô. Cần chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương; công tác quản trị, điều hành của hợp tác xã.

Cam Cao Phong Hòa Bình

Tháng 10 - 11 là thời điểm cam Cao Phong (Hòa Bình) bước vào thu hoạch. Với chất lượng đã được khẳng định, thương hiệu cam Cao Phong ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Năm 2017 – 2018, cả huyện Cao Phong có hơn 1.230 ha cam, sản lượng trong kỳ thu hoạch ước đạt 33.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái.

Hiện nay giá cam bán tại vườn dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại cam xấu, đẹp. Thị trấn Cao Phong là khu vực có số hộ và diện tích trồng cam lớn nhất toàn huyện với 452.6 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, tính đến thời điểm hiện tại lượng tiêu thụ của thị trấn Cao Phong chiếm khoảng 40% của lượng tiêu thụ toàn huyện. 

Do sản phẩm cam, quýt Cao Phong đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cũng như việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu cam Cao Phong được khai thác thực hiện tốt nên cam Cao Phong giữ được lượng tiêu thụ tốt, giá cả ổn định. Những vườn cam đạt tiêu chuẩn Vietgap vẫn được thương lái đặt mua với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg tại vườn.

Hiện nay tuy không còn tình trạng được mùa, mất giá như một số năm trước nhưng sản phẩm cam Cao Phong vẫn tiêu thụ phụ thuộc vào bán lẻ và tư thương là chủ yếu. Lượng cam tiêu thụ trong chuỗi siêu thị còn chưa nhiều. Vì vậy, trong những năm tới lượng cam cho thu hoạch ngày càng lớn thì khâu tiêu thụ sẽ gặp khó khăn.

Huyện Cao Phong đang kêu gọi nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đầu mối để tiêu thụ sản phẩm cho người dân khi bước vào vụ thu hoạch. Hợp tác xã Hà Phong cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản cam Cao Phong Hòa Bình sau khi thu hoạch.

Dự kiến đến cuối năm 2018 nhà máy sẽ đi vào hoạt động với công suất chế biến, bảo quản lạnh sau thu hoạch đạt khoảng 22.000 tấn/năm. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm của người dân để chế biến ra các sản phẩm như nước hoa quả, rượu, tinh dầu và lưu trữ bảo quản kho lạnh để xuất khẩu.

Cam Văn Chấn Yên Bái

Theo quy hoạch phát triển vùng cam Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020,  huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.400 ha, tái canh 500 ha, thâm canh 500 ha, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại 100 ha, 2.000 ha vườn sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Văn Chấn là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái thực hiện mô hình trồng, chăm sóc cam theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La từ năm 2015, đảm bảo chất lượng cam an toàn, quá trình sản xuất yêu cầu hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Huyện Văn Chấn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng quy hoạch phát triển vùng cam Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy hoạch này, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.400 ha, trồng tái canh 500 ha, thâm canh 500 ha, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại 100 ha, 2.000 ha vườn sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP.

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển vùng cam, Văn Chấn xác định rõ các giải pháp cụ thể. Trước hết là khâu giống, chỉ sử dụng giống cam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn, qui trình kĩ thuật và được cấp phép cung ứng.

Việc đa dạng các giống cam chín sớm, chín chính vụ, chín muộn nhằm kéo dài thời gian thu hoạch của vùng sản xuất, giảm áp lực cung cầu trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó tập trung thay thế những vườn cam già cỗi bằng các giống mới chất lượng cao, thời gian chín rải vụ như cam Vinh, Valencia, CS1.

Cơ cấu quy hoạch các giống cam: sành 20%, V2 15%, lòng vàng 25%, Đường canh 10%, chanh 10%, Vinh 10%, còn lại 10% trồng xen giống khác. Căn cứ nhu cầu trồng mới hàng năm, năng lực khai thác mắt ghép thực tế, khả năng cung ứng giống của các vườn ươm giống trong và ngoài tỉnh, huyện quy hoạch quy mô vườn ươm phù hợp, đảm bảo lượng giống, đáp ứng nhu cầu giống mới thay thế giống cũ đồng thời tổ chức chọn lọc, phục tráng giống quýt sen tại địa phương.

Huyện Văn Chấn phấn đấu hoàn thành mục tiêu của quy hoạch phát triển vùng cam đến năm 2020: năng suất cam trung bình hơn 15 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 200 - 250 triệu đồng/ha, đảm bảo giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Về mặt cơ sở hạ tầng, Văn Chấn tập trung nâng cấp các tuyến đường hiện có để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chuyên chở sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Huyện phấn đấu nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông liên xã, trục thôn với tổng chiều dài 212 km và đến năm 2020 cơ bản sẽ bê tông xi măng, thảm nhựa các tuyến đường trục thôn, đường vào khu sản xuất.

Nâng cao khả năng tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường, huyện tích cực, chủ động tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, hội chợ, hệ thống phân phối ngoài tỉnh và ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng qua mạng Internet, đưa sản phẩm cam sành lên sàn giao dịch điện tử của Sở Công Thương Yên Bái. Trong xu thế hiện nay, Văn Chấn đặc biệt quan tâm việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất để đẩy mạnh quá trình tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Gắn chuỗi giá trị với hoạt động của các hợp tác xã, vùng Tây Bắc có nhiều lợi thế phát triển

Mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị đang khẳng định được vị thế trong tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng, dần thay thế một số mô hình sản xuất tự phát thiếu bền vững về cả sinh thái lẫn thị trường.

Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị đang được các tỉnh vùng Tây Bắc quan tâm chỉ đạo, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực tại địa phương. Toàn vùng đang triển khai xây dựng 94 mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực có khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn về quản trị, vốn, công nghệ, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tập đoàn, doanh nghiệp gắn với nhà máy chế biến, siêu thị đảm bảo hiệu quả, chất lượng; hỗ trợ xúc tiến công nghệ sau thu hoạch, đầu tư chế biến; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo nghề cho cán bộ quản trị và thành viên hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị; quy hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, địa phương.

Một số mô hình chuỗi giá trị thành công cũng đang tiếp tục được mở rộng như: Rau an toàn Mộc châu; Mận Mộc châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Quế, măng, chè (Yên Bái), Cam Cao phong (Hòa Bình), Hồng không hạt (Bắc Kạn), Xoài Yên Châu (Sơn La)… 

Về chính sách tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc đã đạt được một số kết quả nhất định, đã hình thành liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm: vùng mía đường 80.000 ha; vùng cây ăn quả gần 90.000 ha; vùng chè 76.000 ha; cà phê 15.000 ha; cây cao su 63.000 ha; vùng rau, hoa, cây dược liệu ôn đới chất lượng cao; vùng rừng nguyên liệu giấy…

Giai đoạn 2018 – 2020, mỗi tỉnh trong vùng đặt mục tiêu thành lập mới từ 35- 40 hợp tác xã/năm. Đồng thời, sẽ xây dựng mỗi năm từ 20 – 30 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng tại địa phương. Đặc biệt, mục tiêu trong giai đoạn này là tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt từ 50% trở lên; Tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nâng tỷ trọng đóng góp vào GDP hàng năm của tỉnh trên 5%.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website