Thứ Hai, 28/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Định Hóa chú trọng hỗ trợ sản xuất - quy hoạch vùng trồng chè

Với trên 2.530 ha chè, Định Hóa là địa phương có diện tích chè lớn thứ ba của tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, Định Hóa đã xác định đây là cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây chè. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; mở rộng diện tích chè giống mới đặc biệt là chè lai chất lượng cao để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến chè xanh, chè đen.

Vùng Chè Thái Nguyên Định Hóa ngon nhất là 3 xóm Phú Ninh gồm Phú Ninh 1, Phú Ninh 2, Phú Ninh 3. Hiện nay, chè Phú Ninh đã được nhiều khách thưởng trà trong và ngoài tỉnh biết đến. Vùng chè này được đánh giá là có chất lượng ngon nhất, nhì huyện Định Hóa.

Huyện Định Hóa hiện có trên 2.530 ha chè, sản lượng chè búp tươi bình quân đạt trên 24.000 tấn/năm. Toàn huyện có 19 làng nghề chè tại 8 xã vùng chè trọng điểm là: Trung Lương, Bình Yên, Thanh Định, Điềm Mặc, Phú Đình, Sơn Phú, Bộc Nhiêu, Trung Hội, với tổng diện tích chè của 19 làng nghề là 318 ha.

Nếu như trước đây, chè Định Hóa thường sử dụng làm nguyên liệu sản xuất chè đen xuất khẩu thì hiện tại, người trồng chè ở Định Hóa đang dần chuyển dịch sang thâm canh các loại chè giống mới, chè đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất chè xanh đặc sản có giá trị kinh tế cao. Cây chè đã trở thành loại cây trồng chủ lực giúp người dân Định Hóa xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Việc phát triển làng nghề chè đã tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Định Hóa xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Lễ vinh danh các Làng nghề Chè huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên mới đây được tổ chức tại sân lễ hội xóm Sơn Thắng, xã Sơn Phú với các hoạt động nổi bật như: Hội thảo “Nâng cao lợi thế cạnh tranh, hướng đến chuẩn chất lượng cho sản phẩm Chè Định Hóa” nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển làng nghề, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè; thi “Hái chè”, “Sao chè” giữa các làng nghề chè trên địa bàn huyện; thi “Nương chè đẹp, khu chế biến chè đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”; tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá các sản phẩm chè và các sản phẩm đặc trưng của Định Hóa; chấm điểm, bình chọn và tôn vinh các làng nghề chè trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị và sản lượng chè.

Lễ vinh danh các Làng nghề Chè huyện Định Hóa năm 2018 là dịp để huyện quảng bá thương hiệu Chè Định Hóa; khẳng định, tôn vinh những giá trị của làng nghề và những người trồng, chế biến, sản xuất chè. Đồng thời tạo động lực để các làng nghề, người dân làm chè từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè trên thị trường; thúc đẩy sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức cho phát triển cây chè và các sản phẩm từ chè trên địa bàn huyện.

Ban Tổ chức đã tôn vinh và trao giấy chứng nhận cho 7 làng nghề chè tiêu biểu và 5 làng nghề chè tiêu biểu xuất sắc của huyện Định Hóa; trao giải Nhất cuộc thi nương chè đẹp và khu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho Làng nghề chè xóm Văn Lương 2, xã Trung Lương; giải Nhất cuộc thi hái chè thuộc về Làng nghề chè thôn Yên Hòa 1, xã Trung Lương và Làng nghề chè thôn Phú Ninh 1, xã Phú Đình.

Làng nghề chè truyền thống thôn Phú Ninh 3 là một trong những vùng chè nổi tiếng nhất của huyện Định Hóa. Làng nghề hiện có gần 20 ha chè, trong đó trên 80% diện tích là các loại chè giống mới như: LDP1, PH1, TRI 777, Phúc Vân Tiên... 

Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây chè, nhiều hộ đã mạnh dạn thay thế giống chè trung du bằng các giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao.

Cùng với đó, bà con còn chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu sản xuất chè bằng phương pháp thủ công, thì nay 100% các hộ làm chè trong làng nghề đều sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng inox, nhiều hộ còn đầu tư cả máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy đóng gói hút chân không…

Đặc biệt, từ năm 2012, huyện đã hỗ trợ làng nghề chè Phú Ninh 3 xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 25/36 hộ trong làng nghề đã áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn với diện tích gần 15 ha. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè, đời sống của người dân làng nghề chè Phú Ninh 3 ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân của các hộ dân trong làng nghề hiện nay đạt gần 30 triệu đồng/người/năm (tăng gần 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% năm 2011 xuống còn 11,5% năm 2018.  

Cần đảm bảo đầu ra ổn định cho chè Định Hóa

Toàn huyện Định Hóa hiện có trên 2.530 ha chè, tăng gần 200 ha so với năm 2016; sản lượng chè búp tươi năm 2017 đạt 24.000 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2016. Năm 2011, năng suất chè bình quân của huyện thường chỉ đạt 70-80 tạ/ha, đến nay đã đạt 112 tạ/ha, tương đương với năng suất chè bình quân của tỉnh. Sản lượng chè búp tươi hằng năm của huyện đều đạt trên 24.000 tấn. Hiện nay, giá trị kinh tế của 1 ha chè đạt 115 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2011.

Huyện phấn đấu đến năm 2020, diện tích chè toàn huyện sẽ duy trì ổn định từ 2.600 - 3.000 ha, trong đó, trên 500 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; năng suất chè búp tươi bình quân đạt 115 tạ/ha; sản lượng đạt trên 25.000 tấn/năm…

Những năm gần đây, diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế của cây chè Định Hóa đã có những bước phát triển rõ rệt nhờ những chính sách phát triển hợp lý của huyện. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị cây chè ở Định Hóa đang gặp không ít khó khăn do chưa hình thành được mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè.

Hầu hết người dân làm chè trên địa bàn huyện vẫn phải tự mang sản phẩm ra chợ để bán chứ chưa có doanh nghiệp đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, khâu sản xuất, chế biến chè an toàn vẫn chưa được người dân thực sự quan tâm. Toàn huyện mới chỉ có 5 mô hình chè được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 16ha. 

So với các địa phương khác trong tỉnh, Định Hóa có rất nhiều lợi thế để phát triển cây chè. Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, diện tích đất đồi rừng lớn nên có thể chuyển đổi sang trồng, thâm canh chè. Dù vậy giá trị cây chè của Định Hóa chưa cao chủ yếu do trình độ thâm canh, quá trình canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế.

Về chất lượng lá chè, không ít các hộ dân lâu nay có diện tích chè lớn đều thu hoạch bằng máy hái chè, tỷ lệ lẫn lá già, lá vụn cao hơn so với thu hái bằng tay. Do vậy, chè búp tươi của các hộ dân thu hái bằng máy rất khó bán cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn. Vào chính vụ, giá chè trung bình của các hộ dân hái chè bằng máy chỉ bằng một nửa so với giá chè thu hái bằng tay.

Do thương hiệu Chè Định Hóa Thái Nguyên chưa có tiếng vang nên giá bán còn thấp hơn các vùng chè khác của Thái Nguyên như chè Tân Cương, chè La Bằng, chè Đồng Hỷ, chè Phổ Yên. Hơn nữa, đầu ra cho chè lại phụ thuộc vào các tiểu thương thường về bản mua chè đưa ra nên đang khá chật vật về đầu ra cho chè. Do vậy, tránh để thương lái ép giá, khiến thu nhập từ cây chè thấp, không đảm bảo đời sống cho người làm chè thì các sản phẩm chè ở Thái Nguyên nói chung và chè Định Hóa nói riêng phải có chất lượng tốt, bảo đảm là chè sạch chè an toàn thì mới được bán với giá cao.

Quy hoạch vùng sản xuất chè, phát triển cây chè theo hướng bền vững

Để phát triển cây chè đặc sản, Định Hóa đã quy hoạch vùng sản xuất trên địa bàn gồm 16 xã; xây dựng vùng sản xuất chè an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với tổng diện tích hơn 230 ha.

Ở xã Phú Đình, người dân đã chuyển đổi những diện tích chè trung du cho năng suất thấp sang trồng các loại chè cành cho năng suất, sản lượng cao. Hiện xã có trên 250 ha chè, trong đó trên 70% là giống chè cành chất lượng cao. Sản lượng chè búp tươi của toàn xã đạt trên 28.000 tấn/năm. Thu nhập bình quân của người trồng chè đạt gần 40 triệu đồng/năm.

Cây chè được phát triển theo hướng đầu tư tăng năng suất, tăng giá trị thu nhập; gắn sản xuất tại làng nghề với bản sắc văn hóa các dân tộc để phục vụ du lịch; tổ chức lại sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao...

Với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện, những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống chè lai chất lượng cao vào sản xuất. Nổi bật là chính sách hỗ trợ 50% giá giống cho người dân khi tiến hành chuyển đổi từ diện tích chè trung du sang trồng các giống chè lai được UBND huyện triển khai từ năm 2011 đến nay.

Thực hiện chính sách này, riêng hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách huyện hỗ trợ 100% giá giống, tương đương khoảng 13,5 triệu đồng/ha. Với chính sách hỗ trợ thiết thực đó, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã trồng mới và trồng thay thế được trên 1.050ha chè (là địa phương có diện tích chè trồng mới nhiều thứ 2 của tỉnh) với chủ yếu là các giống chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân, Kim Tuyên, Thúy Ngọc…

Việc phát triển làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, các làng nghề chè đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng chè búp tươi của các làng nghề đạt khoảng 5.000 tấn/năm; năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha; giá bán trung bình từ 200.000 - 350.000 đồng/kg chè búp khô.

Một số hộ gia đình trồng chè ở Định Hóa có 1,4 mẫu chè, mỗi lứa thu hái được khoảng 1,5 tạ chè búp khô các loại. Với giá bán từ 220-250 nghìn/kg, mỗi năm cây chè đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.

Những năm trước, bà con trong thôn chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế thấp, đời sống của người làm chè gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại chè lai cho năng suất cao. Hiện nay, thôn có 15 ha chè các loại, trong đó trên trên 90% diện tích chè đã được thay thế bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao.

Từ năm 2015, huyện đã hỗ trợ người dân trong thôn xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 45/52 hộ làm chè trong xóm đều đã áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn với diện tích trên 10 ha. Nhờ thực hiện tốt các quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương nên chất lượng và giá trị sản phẩm chè của người dân ngày càng được nâng lên. Trước đây, sản phẩm chè của người dân thôn Vũ Quý chỉ bán được 100-120 nghìn đồng/kg, thì nay, thương lái đến tận nhà người dân thu mua với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg.

Xác định chè là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện, những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống,

Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây chè; khuyến khích người dân tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong thu hoạch, chế biến chè. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn chất lượng cao và tìm những giải pháp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân...

Để nâng cao giá trị cây chè nói chung và chè Định Hóa nói riêng, việc đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm mang lại giá trị cao hơn là rất cần thiết. Tỉnh Thái Nguyên nói chung, các công ty kinh doanh khai thác chè cùng với bà con ở Định Hóa cần tập trung cho khâu tổ chức, chế biến, áp dụng khoa học công nghệ, tạo nhiều sản phẩm với chuỗi giá trị dài. Trên cơ sở đó, có thể tổ chức tốt các hình thức thương mại, phân phối, bán không chỉ trong thị trường trong nước mà xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Nguồn: VITIC

Liên kết website