Thứ Tư, 30/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Phú Thọ: Trồng bưởi Đoan Hùng mang lại thu nhập cao cho người dân

Nhờ được đăng ký bảo hộ thương hiệu và chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên những năm gần đây, giá trị của quả bưởi Đoan Hùng tăng lên nhanh chóng, cây bưởi đã trở cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho người dân trong huyện, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây bưởi. Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 4.000 ha bưởi, sản lượng ước đạt 25 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã phát triển thành vùng bưởi hàng hóa, cho thu nhập từ 300 đến 600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Cây bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp và 5 lần so với trồng chè.

Phú Thọ là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh. Tuy nhiên hiện nay một số địa phương của tỉnh đã có sản phẩm đạt thương hiệu hàng hóa lại không tiếp tục duy trì mà quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, cho nên đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Sơn đỏ, huyện Tam Nông; nhãn hiệu tập thể cho mì gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì), tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao), nếp gà gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập), chè xanh Chùa Tà (huyện Phù Ninh), cá lồng sông Đà (huyện Thanh Thủy), gà nhiều cựa (huyện Tân Sơn), hồng không hạt Gia Thanh (huyện Phù Ninh), cá chép đỏ Thủy Trầm (huyện Cẩm Khê)… và gần 360 nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế của tỉnh. 

Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển cho ít nhất từ 8 đến 10 sáng chế, giải pháp hữu ích; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản như: Chè xanh, chè đen, hồng không hạt, chuối tiêu hồng, chuối phấn vàng, gạo nếp gà gáy, gà cựa, gà ri lai; giống thủy sản đặc hữu (cá lăng, cá nheo...); hàng thủ công mỹ nghệ (mành, mây tre đan...).

Tỉnh phấn đấu xây dựng từ 11 đến 15 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; 300 đến 400 nhãn hiệu hàng hóa, qua đó tăng số lượng văn bằng bảo hộ được cấp vào năm 2020 gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2010-2015.

Trồng bưởi mang lại thu nhập cao

Đoan Hùng là một huyện của tỉnh Phú Thọ, thuộc trung du Bắc Bộ, trên ngã ba của hai con sông sông Lô và sông Chảy. Bưởi Đoan Hùng từ lâu đã được biết đến là một giống bưởi đặc sản Phú Thọ, nổi tiếng ở khắp miền Bắc, cũng như Bố Hạ với cam, Hưng Yên với nhãn, Xuân Đỉnh với hồng xiêm, Láng với rau húng…

Đây là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi đặc sản của Phú Thọ còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon.

Bưởi Đoan Hùng có 2 giống bưởi ngon nhất, đó là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu Chí Đám.

Bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, trồng nhiều nhất là ở xã Bằng Luân và Quế Lâm có chất lượng ngon đồng đều. Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, quả nhỏ có hình cầu dẹt hoặc dạng hình lá to, quả to, tròn đều. Khi chín có màu vàng rơm, màu thịt quả trắng, trục quả đặc, dễ tách múi, tép mềm mọng nước có màu trắng xanh, ngọt đậm, vị thơm.

Bưởi Sửu Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy. Giống bưởi này được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm. Từ đó tên ông được đặt cho giống bưởi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100 – 150 quả, bảo quản sau 5 – 6 tháng quả giữ được chất lượng tốt.

Bưởi quả được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng mang những đặc điểm cảm quan như sau:

Bưởi Bằng Luân

Bưởi Sửu

Hình dáng:

Hình cầu

Hình cầu hơi lồi phía cuống quả

Kích thước:

Quả nhỏ

Quả to, hình thức đẹp

Vỏ quả:

Mỏng, màu vàng xám, hơi nâu, túi dầu nhỏ, mịn

Mỏng, khi chín có màu vàng xanh, túi dầu nhỏ, mịn

Thịt quả:

Trắng, mỏng

Trắng, mỏng

Múi:

Trục quả nửa rỗng, múi dễ tách

Trục quả rỗng, múi dễ tách

Tép múi:

Trắng xanh, mọng nước

Hồng, mềm, mọng nước

Mùi:

Mùi thơm đặc trưng

Mùi thơm mạnh đặc trưng

Vị:

Ngọt đậm, không he đắng

Ngọt thanh, không he đắng

Từ năm 2006, bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn; qua đó đã giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi. Cũng trong năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đã đăng ký tem nhãn với Cục Sở hữu trí tuệ để được sử dụng độc quyền trên thị trường cho sản phẩm "bưởi Đoan Hùng".

Sau khi được cấp văn bằng tên gọi xuất xứ hàng hóa chỉ dẫn địa lý, hai giống bưởi này đã trở thành tài sản quốc gia được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc. Từ đó đến nay, bưởi Đoan Hùng là nông sản đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý).

Nhờ được đăng ký bảo hộ thương hiệu và chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên những năm gần đây, giá trị của quả bưởi tăng lên nhanh chóng, cây bưởi đã trở cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho người dân trong huyện, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây bưởi.

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 4.000 ha bưởi, sản lượng ước đạt 25 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã phát triển thành vùng bưởi hàng hóa, cho thu nhập từ 300 đến 600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Cây bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp và 5 lần so với trồng chè.

Riêng tại Đoan Hùng, địa phương có diện tích bưởi lớn nhất tỉnh Phú Thọ có diện tích bưởi khoảng hơn 2.000ha, trong đó bưởi đặc sản là 1.300ha, còn lại là bưởi Diễn và các giống bưởi khác. Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám, huyện Đoan Hùng hiện có 18 hộ tham gia trồng bưởi với 7ha bưởi Sửu, trong đó có 3ha đã thu hoạch ổn định mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Thời điểm tiêu thụ bưởi chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, trong đó tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán với 50% sản lượng với giá thành cao.

Đặc biệt, đến nay sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã được dán tem, nhãn mác mang chỉ dẫn địa lý đưa ra tiêu thụ trên thị trường đã tạo ra tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng và được đánh giá cao về cả chất lượng lẫn mẫu mã quả.

Định hướng phát triển

Mặc dù sản lượng đã tăng lên đáng kể trong những năm qua, nhưng do nhu cầu tiêu thụ cao nên nhiều thương lái đã trà trộn bưởi thường với bưởi Đoan Hùng, hoặc bày bán bưởi mang thương hiệu “bưởi Đoan Hùng” hoặc “bưởi đặc sản Đoan Hùng” khiến người tiêu dùng không khó có thể nhận biết được bưởi thật bưởi giả. Khi ăn quả thì ngọt, quả chua, quả đắng, quả he, múi bưởi khô.  

Trước tình trạng lộn xộn của thị trường bưởi Đoan Hùng, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đã phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả của tỉnh Phú Thọ”.

Huyện Đoan Hùng cũng đã ban hành “Kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng” và tăng cường tuyên truyền để nhân dân, nhất là người trồng bưởi, người kinh doanh bưởi thấy được giá trị và uy tín của sản phẩm bưởi Đoan Hùng là sự sống còn và là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống cho những người trồng bưởi.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức ký cam kết bán hàng đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng với tất cả các hộ trồng, kinh doanh bưởi, xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm...Với nhiều biện pháp tích cực, sự đồng tình của người dân, thị trường bưởi Đoan Hùng đã dần đi vào ổn định, đảm bảo được uy tín trên thị trường.

Cùng với giống bưởi đặc sản Đoan Hùng, trên địa bàn huyện Đoan Hùng và nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh một số giống bưởi như: bưởi Xuân Vân, Diễn, Da xanh... cho năng suất chất lượng cao, đã tạo cho Phú Thọ trở thành vùng bưởi hàng hoá đa dạng có hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới.

Cây bưởi đặc sản là cây mũi nhọn của huyện Đoan Hùng, có đóng góp to lớn trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện, của tỉnh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Do vậy, các sở, ngành cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm đến phát triển sản xuất, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các hộ trồng bưởi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện quy trình tiên tiến để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, các cấp, các ngành, huyện Đoan Hùng cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện khí hậu, đất đai, quan tâm đầu tư phát triển cây bưởi xứng với tiềm năng, triển vọng; mở rộng diện tích sản xuất theo hướng thâm canh trên cơ sở diện tích đất sau tích tụ và diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi. Bên cạnh đó, huyện cần rà soát, đánh giá cụ thể hiệu quả của từng giống bưởi đặc sản làm cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương; đưa một số loại bưởi khác có khả thích ứng tốt, hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bưởi đỏ… vào sản xuất; tăng cường công tác quản lý thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất quy chuẩn giúp huyện Đoan Hùng cũng như các hộ trồng bưởi dễ tiếp thu, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, trong đó đề cao trồng bưởi theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học. Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý thương mại, hạn chế thấp nhất tình trạng bán bưởi non làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng. 

Đối với người trồng bưởi, để nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường bưởi Đoan Hùng, các hộ dân trồng bưởi cần phải liên kết với nhau bởi hiện nay vẫn chủ yếu sản xuất theo mô hình hộ nhỏ lẻ. Theo đó, địa phương cần áp dụng chế biến theo chuỗi, cùng với đó là khâu bảo quản, đóng gói sản phẩm, từ đó sẽ tăng thêm từ 10 - 15% giá trị.

Đáng chú ý, vào ngày 15/11/2018, tại tỉnh Phú Thọ, lần đầu tiên Lễ hội bưởi Đoan Hùng và Hội chợ nông sản tỉnh năm 2018 đã được tổ chức.

Tham gia Lễ hội có 80 gian hàng, trong đó huyện Đoan Hùng có 32 gian của các xã, thị trấn; 26 gian của 12 huyện, thành, thị và Liên minh HTX, 22 gian của các đơn vị, doanh nghiệp, chủ yếu là các loại quả như: Bưởi Sửu, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh; cam, chanh, quýt..., các loại nông sản có thế mạnh, sản phẩm của các làng nghề, nông sản đặc sản của các địa phương trong tỉnh.  

Lễ hội là dịp quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu bưởi Đoan Hùng nói riêng và các nông sản chủ lực của tỉnh nói chung; qua đó góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy đặc sản của tỉnh, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền.

Đây là dịp để các nhà khoa học, quản lý gặp gỡ các hộ nông dân, trao đổi, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, tổ chức sản xuất theo chuỗi, phương thức bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Theo kế hoạch phát triển cây bưởi của tỉnh Phú Thọ, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 5.000ha, cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, trong đó đã tính đến các yếu tố phân tích thị trường, cân đối cung cầu và tính trên tổng thể phát triển của các địa phương.

Nguồn: VITIC

Liên kết website