Khẩu sli truyền thống thường có hình dáng to bằng viên gạch, lớp trên là lạc màu nâu đỏ bóng mượt, lớp dưới là bỏng gạo mịn màng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, dẻo lại có vị ngọt của đường phên, vị thơm của bỏng gạo và vị bùi của lạc.
Nguyên liệu chính tạo nên bánh khẩu sli là gạo nếp thơm, dẻo, hạt to, mẩy, lạc, vừng và đường phên, tất cả đều là những nguyên liệu sẵn có của địa phương. Để làm bánh, khâu đầu tiên là chọn gạo nếp ngon, đãi sạch, ngâm gạo khoảng 8 giờ rồi đồ chín thành xôi. Để xôi nguội, trộn với bột sắn, bột gạo hay bột ngô để hạt xôi tơi ra, không dính vào nhau. Công đoạn này nếu vò xôi không kỹ thì hạt xôi sẽ dính vào nhau, bánh không đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ.
Tiếp đó, đem xôi vò xong đi phơi nắng cho se lại rồi giã cho hạt xôi dẹt lại. Do giã thủ công nên mỗi hộ mỗi ngày chỉ giã trung bình được 5 - 10 kg gạo. Đem xôi đã giã rang trên chảo lửa, đảo đều tay cho những hạt xôi nở đều, giòn bung màu hơi vàng là có thể xúc ra. Tiếp đó đến khâu thắng đường. Đường làm bánh phải là đường phên Phục Hòa. Đem đường vào chảo đun lên cho đường tan ra, khi đường sánh đặc màu vàng mật thì nhanh tay đổ bỏng gạo vào rồi đảo đều tay để đường và bỏng quyện đều nhau. Hạt bỏng được thứ mật đường bám vào có một màu vàng óng đẹp mắt. Nhanh tay đổ hỗn hợp bỏng trộn đường ra khuôn gỗ vuông, dàn đều, dùng chai thủy tinh cán qua cán lại, nén cho thật chặt để tạo độ kết dính. Đổ lên trên lớp bánh một lớp lạc đã rang, những hạt lạc sẽ được mật đường dính chặt lại, tạo một tầng màu nâu đỏ phủ lên trên trông rất đẹp mắt. Dùng dao cắt bánh theo kích cỡ ở khuôn bánh, mỗi phong to bằng viên gạch nhưng khi ăn có thể bẻ thành từng miếng nhỏ để ăn. Ngoài bánh rải lạc rang để vỏ còn có thêm loại bánh rải lạc bóc vỏ trộn với vừng (ngà hoóc).
Để bánh nguội thì gói bánh bằng túi nilon để bảo quản, bánh có thể sử dụng được trong vài tháng nếu để nơi thoáng mát. Khi thưởng thức, miếng bánh giòn tan trong miệng hòa quyện cùng với vị bùi của lạc, vừng cùng vị ngọt của đường phên tạo nên một hương vị khó quên.
Khẩu Sli bảo quản tốt, có thể để được lâu. Bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm, ngon và bổ dưỡng. Thứ bánh này trước kia được người dân làm trong dịp lễ, Tết hay nhà có việc trọng đại. Nhưng hiện nay Khẩu Sli đã trở thành đặc sản nổi tiếng, một món quà của mỗi du khách khi đến tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, do Hợp tác xã Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng sản xuất.
Trước đây, do sản phẩm được sản xuất rải rác ở các hộ dân trong những dịp lễ tết và chỉ được đóng trong túi nilông thông thường không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất cũng như các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng nên sản phẩm chưa có thị phần rộng ngay tại thị trường trong tỉnh. Người mua Khẩu sli ít, đa số là người dân huyện Hà Quảng và một số địa phương lân cận. Họ chỉ mua Khẩu sli để dùng vào việc sắp lễ trong các dịp tết cổ truyền của dân tộc chứ chưa có thói quen sử dụng như một loại thực phẩm thông dụng như các loại bánh kẹo khác. Chính vì vậy sản xuất Khẩu sli chưa trở thành một nghề và chưa đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, huyện Hà Quảng đã xúc tiến việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Khẩu sli Nà Giàng từ năm 2007 và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2009. Đồng thời, huyện thành lập HTX Dịch vụ thương mại Nà Giàng nhằm thống nhất quản lý trong sản xuất, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm Khẩu sli Nà Giàng được đóng gói cẩn thận và có nhãn mác, bao bì ghi các thông tin cần thiết như các loại bánh kẹo của các thương hiệu uy tín trên thị trường. Người tiêu dùng yên tâm về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng Khẩu sli Nà Giàng. Nhờ vậy, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, lựa chọn và tin dùng với thế mạnh là một sản phẩm đặc sản nổi bật của Cao Bằng. Điều này tác động mãnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
Trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm Khẩu sli chỉ giới hạn trong các huyện trên địa bàn tỉnh; hiện nay, sản phẩm đã được một số nhà buôn tại Thái Nguyên, Hà Nội, Đăk Lăk nhập về bán. Uy tín của Khẩu sli Nà Giàng ngày càng được nâng cao trên thị trường, chính vì vậy quy mô sản xuất sản phẩm Khẩu sli của HTX Dịch vụ thương mại Nà Giàng được mở rộng hơn, đưa Khẩu sli trở thành một thương hiệu có uy tín và sản xuất Khẩu sli đã thực sự trở thành một nghề đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Đầu tháng 6/2018, sản phẩm Khẩu Sli Nà Giàng là một trong 12 gian hàng đặc thù của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia giới thiệu tiềm năng, kết nối cung cầu 7 tỉnh phía Bắc. Việc tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm nằm trong khuôn khổ Hội nghị liên kết Liên minh HTX của 7 tỉnh, thành phố khu vực 2 hành lang một vành đai kinh tế phía Bắc, là cơ hội giới thiệu các mặt hàng đặc thù của địa phương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, trong đó khẩu sli Nà Giàng được kỳ vọng là sản phẩm vươn xa đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khẩu Sli Nà Giàng bước đầu đã có thương hiệu, nhiều người biết đến, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. HTX Khẩu sli thương mại và dịch vụ Nà Giàng khi đã có tư cách pháp nhân sẽ đứng ra để hỗ trợ xã viên vay vốn, tạo sự đồng thuận cao trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước mắt, khai thác có hiệu quả một số máy móc, thiết bị, kết hợp với chế biến thủ công, tránh việc lạm dụng đưa toàn bộ công nghệ vào chế biến, nguy cơ mất hương vị đặc trưng truyền thống. Để hướng tới sản xuất, chế biến trở thành hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên, kỳ vọng HTX Khẩu sli thương mại và dịch vụ Nà Giàng sẽ phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Nguồn: VITIC