Nhiều năm qua, tỉnh An Giang đã hình thành được các điểm gắn kết du lịch với phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn. Phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề truyền thống mang lại nhiều lợi ích, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang được hình thành và phát triển từ năm 1990. Làng nghề cũng được công nhận nhãn hiệu tập thể “Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh”góp phần tạo nên một thương hiệu chung cho làng nghề, giúp mặt hàng chổi cọng dừa được nhiều nơi biết đến và dành được nhiều đơn đặt hàng hơn.
Để sản phẩm chổi mang nét đặc trưng riêng của vùng thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu chính là cọng dừa phải đảm bảo đẹp, sáng, dai, bền; được thu mua tại các huyện vùng biển của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Sau khi mua, người làm chổi sẽ sơ chế lại cho sạch, đẹp và đem cân trước khi gia công (600 gram để làm loại chổi hạng 1; 550 gram làm loại chổi hạng 2).
Công việc làm chổi mất khá nhiều thời gian. Để hoàn thành được một cây chổi đẹp, bền chắc, người thợ phải trải qua khoảng 4-5 công đoạn khác nhau. Đầu tiên là làm mái chổi. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt kết cọng dừa vào, mỗi lần kết người thợ lại lấy dây găng buộc chặt để cọn chổi không dễ rơi, rớt khi quét.
Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào lõi của cán chổi (tăng độ bền), cuối cùng là danh chổi. Công đoạn này, người thợ dùng dao chặt cọng chổi cho đều và đẹp. Tất cả đều làm bằng thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức thời gian mới hoàn thành 1 cây chổi bền, đẹp.
Với nghề làm chổi cọng dừa, mùa nắng làm chổi đẹp hơn mùa mưa.Vì nguyên liệu phơi được nắng, không bị mốc nên chiếc chổi nhìn chắc và sử dụng bền hơn. Nghề bó chổi cọng dừa là công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ để làm ra sản phẩm mới sắc sảo và đẹp.
Trung bình một ngày, mỗi lao động có tay nghề cao sẽ làm được khoảng 20 đến 22 cây; nếu ít hơn cũng từ 10 đến 12 cây. Hiện tại, chổi cọng dừa tại làng nghề có 2 dạng là chất lượng cao và chất lượng thông thường. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…
Cần chính sách hỗ trợ làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển
Hiện nay, một số sản phẩm của làng nghề truyền thống của tỉnh An Giang có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn làng nghề truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về vốn, thị trường tiêu thụ và công nghệ, quy mô sản xuất nhỏ, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, khiến hoạt động đi vào tình trạng khó khăn, trong đó có làng nghề bó chổi Vĩnh Chánh huyện Thoại Sơn.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh có tác động tích cực đến hoạt động ngành nghề nông thôn theo diện rộng, thông qua việc cho vay vốn ngắn hạn đối với tổ hợp tác theo mức bình quân, tuy nhiên chưa đủ để thúc đẩy đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm; công tác thông tin quảng cáo chưa thật sự mang lại hiệu quả cao; chưa đào tạo được thợ chuyên sâu về nghề.
Làng nghề là tiềm năng của du lịch An Giang, trong đó có làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh, nhưng đến nay khai thác còn hạn chế. Phần đông người làng nghề làm du lịch theo kiểu tự phát, du khách thường tự tìm đến làng nghề chứ ít đi theo tuyến du lịch. Nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh huyện Thoại Sơn vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, như: vấn đề vốn vay, xây dựng thương hiệu, giá nguyên liệu còn cao, nguồn lao động tại làng nghề đa phần là phụ nữ cao tuổi nên sản lượng khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh phát triển tốt hơn, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các điều kiện, tổ chức cho người dân trên địa bàn xã được học nghề để phát triển làng nghề ngày càng tốt hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp cho làng nghề tiểu thủ công nghiệp bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh sẽ ngày càng phát triển và mở rộng quy mô; góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn.
An Giang cũng xác định cần khai thác tốt lợi thế kinh tế biên giới của tỉnh; tổ chức các điểm trưng bày và giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh tại các trung tâm thương mại, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; thông qua việc đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, các chợ nông thôn, các chợ đầu mối tạo điều kiện cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, trong đó có chổi cọng dừa Vĩnh Chánh và nhiều sản phẩm của làng nghề khác như nghề rèn Phú Mỹ (Phú Tân), nghề dệt gấm Mỹ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu), làng nghề mộc Chợ Thủ (Chợ Mới), làng nghề nấu đường thốt nốt… thâm nhập thị trường; gắn kết với chương trình phát triển du lịch của tỉnh, hình thành tuyến du lịch làng nghề để tạo điều kiện cho các sản phẩm tại các làng nghề được tiếp cận với khách du lịch.
Nguồn: VITIC tổng hợp