Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sản lượng nông sản còn ít và chưa thật sự khẳng định được thương hiệu. Việc nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay là nhiệm vụ cấp bách được Cao Bằng quan tâm và tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển.
Để nâng cao tính cạnh tranh, những năm gần đây, Cao Bằng đã xác định và phát triển các cây trồng chủ lực. Từ đó, từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm có lợi thế. Cao Bằng đã xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh bằng việc thiết lập chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: khẩu sli Nà Giàng (Hà Quảng), thịt bò Mông Cao Bằng, quýt Trà Lĩnh, miến dong Nguyên Bình, hạt dẻ Trùng Khánh... Song song với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đang sản xuất nông sản tạo ra quy trình sản xuất - kinh doanh khép kí từ cung cấp cây giống, phân bón đến việc bao tiêu sản phẩm. Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản là thế mạnh của tỉnh vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng; quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hoá đã được công nhận.
Cao Bằng nổi tiếng với các đặc sản địa phương đa dạng
Lê Đông Khê Cao Bằng:
Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Đến nay, sản phẩm lê Cao Bằng đã trở thành một trong những đặc sản địa phương, có thế mạnh và tiềm năng cạnh tranh trong nền nông nghiệp của tỉnh.
Giá trị của sản phẩm quả lê Cao Bằng được nâng cao nhờ kết quả nghiên cứu khoa học, giúp cây lê trở thành một trong những cây chủ lực của địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng.... Theo thống kê, tổng diện tích lê lại Cao Bằng hiện nay là 131,81 ha, trong đó có 82,24 ha cho thu hoạch với năng suất 3,18 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 260 tấn. Lê ở khu vực Đông Khê - Thạch An, Nguyên Bình và Bảo Lạc được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng cao hơn ở các vùng trồng khác.
Để bảo tồn, gìn giữ và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm lê Cao Bằng, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, dự án, như dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê huyện Trà Lĩnh”.
Năm 2012, Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn. Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một giống cây có chất lượng, năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng nghiên cứu thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn gene lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình” với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viên Nghiên cứu Rau quả Trung ương.
Tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao cây lê giống bản địa hoa trắng cho UBND Thành phố và các huyện: Trùng Khánh, Thông Nông, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Hà Quảng.
Miến dong Nguyên Bình:
Huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vốn nổi tiếng là vùng đất miến - quê hương của nghề trồng và sản xuất miến dong. Nơi đây có khí hậu ôn đới gió mùa mát mẻ, đặc trưng của vùng núi Bắc bộ, thích hợp cho các cây ôn đới phát triển, nhất là cây dong riềng, nguyên liệu để sản xuất miến và bột dong. Toàn huyện hiện có 115 ha dong riềng, tập trung nhiều ở 3 xã: Thành Công, Phan Thanh, Yên Lạc và thị trấn Tĩnh Túc, với 658 hộ trồng, trong đó trên 60 hộ sản xuất miến dong. Dẫn đầu số hộ trồng và sản xuất bột dong lớn nhất huyện là xã Thành Công. Toàn xã có tới 460/675 hộ trồng và sản xuất bột dong. Doanh thu đạt từ 60-70 triệu đồng/năm.
Tháng 2/2013, dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Miến dong Nguyên Bình dùng cho sản phẩm miến dong của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt. Đây là điều kiện quan trọng và là hướng đi đúng để sản phẩm miến dong của Hợ tác xã Sơn Đông nói riêng và toàn huyện Nguyên Bình nói chung mở rộng phạm vi quảng bá, giới thiệu sản phẩm và từng bước tạo dựng thương hiệu nhằm chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tháng 2/2017, huyện Nguyên Bình tổ chức công bố và đón nhận Văn bằng bảo hộ Thương hiệu tập thể cho miến dong Nguyên Bình và tổ chức Ngày hội miến Cao Bằng. Cây dong riềng được Đảng bộ huyện Nguyên Bình đưa vào Nghị quyết và chương trình trọng tâm của huyện giai đoạn 2015 - 2020. Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện và sự đồng thuận cao của hộ sản xuất, kinh doanh, miến dong Nguyên Bình ngày càng giữ được uy tín và mở rộng thị trường, phát huy thế mạnh phát triển nền kinh tế xanh bền vững, thân thiện với môi trường.
Lạp sườn Tâm Hòa:
Sản phẩm lạp sườn Cao Bằng của HTX Tâm Hòa tại 124 Vườn Cam, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng được UBND tỉnh bình chọn là 1 trong 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu năm 2012. Lạp sườn của HTX cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012.
Lạp sườn là món ăn truyền thống lâu đời của người Cao Bằng được nhiều người ưu thích. Cách chế biến món lạp sườn trải qua nhiều công đoạn, trước tiên đem lòng lợn (lòng non) rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, cuối cùng là rửa bằng rượu. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, lòng lợn được phơi khô rồi thổi hơi vào trở thành bong bóng, để làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn. Để lạp sườn ngon, khâu chọn thịt vô cùng quan trọng. Thịt lợn phải có màu đỏ thẫm, mỡ trắng trong, bóng, bì mỏng và một màu. Thịt được chọn từ lúc còn nóng (lợn vừa mổ). Tất cả được rửa bằng nước muối loãng, thái miếng nhỏ và tẩm ướp gia vị, cùng chút rượu để làm chất lên men, rồi nhồi vào lòng non để trở thành lạp sườn. Công đoạn tiếp theo là phơi khô khoảng ba nắng rồi treo lên nóc bếp, khói và hơi nóng của bếp lửa làm cho miếng thịt săn hơn và ngon hơn.
Hương vị lạp sườn Cao Bằng có những điểm khác biệt không nơi nào có được. Đó là lạp sườn tươi, có vị ngon đậm đà của thịt nạc vai ướp các loại gia vị, vị chua chua, thơm ngậy của thịt hun khói và lá, quả mác mật, thêm một chút vị thơm của củ gừng núi, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng và đặc biệt là không dùng chất bảo quản.
Hiện nay, sản phẩm lạp sườn Cao Bằng của HTX Tâm Hòa không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, mà còn được nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến. Không chỉ là món ngon đại diện cho ẩm thực Cao Bằng, lạp sườn và thịt hun khói còn là đại diện ẩm thực Việt Nam tham gia Hội chợ Thương mại với Trung Quốc, Hội chợ ASEAN - Ấn Độ...
Cao Bằng tăng cường xây dựng thương hiệu nông sản địa phương
Cao Bằng tập trung khai thác thế mạnh của các loại cây ăn quả, giống lúa quý, đặc sản của địa phương và các loại cây dược liệu. Thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo mô hình hữu cơ sạch gắn với chế biến sâu; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng thương hiệu nông sản truyền thống nổi tiếng, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trồng rừng và phát triển các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tầm cỡ về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp, giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cao Bằng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch các ngành theo hướng chiến lược ổn định, có tầm nhìn xa, không mâu thuẫn cản trở nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai và hoàn thành tuyến cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2019-2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường; tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của người dân sang phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy lùi tư duy tiểu nông, nhằm nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo. Tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Động viên ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong mọi người dân, mọi cộng đồng dân tộc thiểu số, xem đây là lực lượng phát triển không phải chỉ là đối tượng chính sách.
Trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, nhiều loại nông sản hàng hóa đã được cung cấp cho thị trường với số lượng lớn, ổn định. Thế nhưng, tình hình sản xuất một số loại nông sản lại gần như đang thu hẹp lại bởi đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Do vậy, thời gian qua, Sở Công Thương đã liên kết với các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng; quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hoá đã được công nhận.
Để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng nông sản đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với ngành công thương. Các sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn hướng tới các địa phương khác trên cả nước và có thể là xuất khẩu ra nước ngoài, do đó cần phải thực hiện sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra các thị trường lớn và làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nhiều loại đặc sản của tỉnh Cao Bằng được người tiêu dùng biết đến rộng rãi như các loại gạo nếp do chất lượng, danh tiếng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết gạo nếp đặc sản của Cao Bằng đều chưa được đăng ký nhãn hiệu, không có bao bì, tem, nhãn mác nên người tiêu dùng khó phân biệt gạo nếp đặc sản địa phương với các loại gạo nếp khác. Cao Bằng có nhiều loại gạo nếp đặc biệt thơm ngon như: nếp hương huyện Bảo Lạc, nếp pì pất xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng), gạo nếp ong (tên địa phương là “Khẩu Phẩng”) huyện Trùng Khánh.
Nhằm nâng cao giá trị cho nhóm sản phẩm gạo nếp đặc sản, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng nhiều mô hình trồng loại lúa nếp. Điển hình như các xã: Xuân Trường (huyện Bảo Lạc), xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp hương và nếp pì pất đặc sản lên hơn 25ha. Xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh cũng đã quy hoạch trên 300 ha để trồng lúa nếp ong.
Chính sách mở rộng diện tích trồng lúa nếp đặc sản, tạo nên vùng lúa nếp đặc sản hàng hóa, tiến tới xúc tiến đăng ký nhãn hiệu. Những vùng lúa nếp hàng hóa đã hình thành quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Từ đó, các loại gạo nếp đặc sản đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước về chất lượng, hương vị, màu sắc… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.
Nguồn: VITIC tổng hợp