Thứ Bảy, 03/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tìm lại bản sắc rượu làng Vân Bắc Giang

Với mục tiêu khôi phục các nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển việc khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, một trong số đó là làng nghề nấu rượu truyền thống tại xã Vân Hà. Với thương hiệu nổi tiếng và được khẳng định bằng chất lượng, rượu làng Vân không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài.

Làng Vân thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là nơi có truyền thống nấu rượu từ lâu đời. Người dân làng Vân sống hoàn toàn bằng nghề thủ công, buôn bán, trao đổi hàng hoá với các vùng xung quanh, bên cạnh nghề làm bánh đa, làm gốm, người làng Vân còn có nghề nấu rượu. Rượu làng Vân có vị đậm đà, êm dịu và mùi hương thơm lừng, cay nồng mà chỉ riêng loại rượu này mới có.

Rượu làng Vân – Bắc Giang

Rượu được nấu hoàn toàn thủ công bằng những phương pháp gia truyền và phải trải qua quá trình hạ thổ ít nhất từ 1 năm mới được xuất xưởng bán ra thị trường. Suốt quá trình đó đều phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn gạo, lên men và quy trình trưng cất, hạ thổ rượu… để đảm bảo cho ra những giọt rượu tinh túy nhất, an toàn cho người uống.

Rượu làng Vân trong quá trình tìm lại bản sắc

Trước đây, rượu làng Vân phát triển mạnh, trở thành thương hiệu rượu nổi tiếng khắp cả nước nhưng đến nay rượu làng Vân lại đang đối mặt với những nguy cơ mai một do nạn rượu giả, rượu lậu đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng rượu. Số lượng gia đình sản xuất rượu truyền thống đã giảm mạnh. Đa phần các hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ một quy trình, chất lượng, giá bán khác nhau. Sản phẩm chủ yếu được bán trôi nổi, chưa đóng chai, gắn tem, nhãn hoặc có nhưng đơn điệu, chưa đạt tiêu chuẩn… dẫn đến khó phát triển thành sản phẩm đặc trưng có thế mạnh.

Để phát triển thương hiệu, làng nghề cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết thành một tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động theo luật Doanh nghiệp và Luật hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ đưa ra những quy trình, quy định, kiểm duyệt nghiêm ngặt về chất lượng trước khi đưa rượu ra thị trường.

Đồng thời, tìm ra quy trình nấu rượu đạt chuẩn, tạo sản phẩm chất lượng tốt nhất để phát triển hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, như đầu tư bao bì với đầy đủ thông tin, tem, nhãn cho sản phẩm là rất cần thiết, giúp người tiêu dùng nhận diện, tin dùng sản phẩm chính hãng.

Tuy nhiên khi sự cạnh tranh của thị trường rất lớn, người sản xuất rượu Vân không thể giữ mãi phương thức sản xuất lạc hậu trước đây, mà cần phải hiện đại hóa, mở rộng quy mô, để không chỉ giữ được chất lượng mà còn tăng năng suất. Do đó với sự giúp đỡ của chính quyền, hợp tác xã rượu đang mở rộng diện tích sản xuất, trang bị những thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao tay nghề. Các cơ sở sản xuất rượu làng Vân cần chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng; chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ. 

Chính quyền cần tiếp tục hỗ trợ làng nghề phát triển; đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy của người dân về cách tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu cho rượu làng Vân. UBND tỉnh cần hỗ trợ các cơ sở thiết kế mẫu mã bao bì, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, kết nối với thị trường tiêu thụ.

Ngoài nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, yếu tố về mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nan giải. Nấu rượu thải ra một lượng chất thải rất lớn, đặc biệt đời sống hiện đại hóa khiến nhà cửa mọc lên, thu hẹp hệ thống kênh mương thoát nước khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Vấn đề ô nhiễm môi trường mặc dù đã giảm bớt bởi số hộ nấu rượu giảm, nhưng nếu làng nghề phát triển trở lại thì yêu cầu tất yếu là cần cải thiện hệ thống xử lý thải, thoát nước. Điều này cần được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.

Để trở lại thời kỳ hưng thịnh trước đây, làng nghề Vân Hà sẽ còn rất nhiều điều phải làm. Sự “bắt tay” của người dân và chính quyền, sự ủng hộ kịp thời của các cơ quan chức năng là yếu tố quyết định.

Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống

Các làng nghề Bắc Giang bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống cũng đang từng bước bắt nhịp với xu thế hội nhập. Trong đó, doanh nghiệp liên kết ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác, hỗ trợ các làng nghề phát triển, nhất là trong phân phối sản phẩm. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ qua các hình thức: Hộ sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tại các chợ làng, chợ huyện (chiếm 67,7%); thông qua khâu trung gian là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng… (chiếm 32,3%). 

Sản phẩm làng nghề của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chiếm chưa đến 10% nên giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.

Các làng nghề muốn nâng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần phải có “cầu nối” là các doanh nghiệp, hợp tác xã… phân phối sản phẩm. Muốn thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất, các hộ trong làng nghề cần liên kết với nhau thành lập các hợp tác xã, đổi mới trang thiết bị sản xuất, có tiếng nói chung về chất lượng sản phẩm, giá cả. 

Sản phẩm làng nghề phải chuẩn hóa chất lượng theo thị trường. Mỗi làng nghề nên xác định lợi thế riêng, tập trung vào sản phẩm mũi nhọn để cạnh tranh, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 

Thực tế các làng nghề trong tỉnh cơ bản vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí nêu trên. Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất hẹp, thiết bị sản xuất lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Mặc dù thành lập hợp tác xã nhưng các thành viên vẫn mạnh ai nấy làm, do vậy chưa có doanh nghiệp nào vào liên kết sản xuất hay phân phối sản phẩm. Ngoài những vấn đề nêu trên, việc xây dựng thương hiệu cũng chưa được các làng nghề quan tâm đúng mức.

Trước tiềm năng và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo cầu nối mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề, một số công ty, trong đó có công ty: Rượu Vân Bắc Giang đã liên kết với các hộ sản xuất tại làng nghề: Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên).

Doanh nghiệp này đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất, đóng gói; thiết kế logo, in bao bì nhãn mác bắt mắt; giúp các hộ sản xuất đăng ký bộ Hợp quy tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tự đứng ra kiểm soát quá trình sản xuất và xây dựng mạng lưới phân phối. Với cách làm này, ngoài tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao thì giá trị hàng hóa cũng tăng từ 60% trở lên. Sản phẩm Rượu Vân Bắc Giang đã được chào hàng tại các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và được nhiều khách hàng đánh giá cao.

Tạo điều kiện khai thác tiềm năng các làng nghề, UBND tỉnh đã có quy hoạch phát triển hệ thống các làng nghề Bắc Giang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài bảo tồn và nâng cao hiệu quả hoạt động của làng nghề hiện có, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường ở các làng nghề truyền thống. 

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản cấp tỉnh của Bắc Giang giai đoạn 2019-2021 (bắt đầu triển khai từ năm 2019), trong đó có một số sản phẩm làng nghề, điển hình là Rượu làng Vân. Đây là cơ hội để nhiều làng nghề trong tỉnh xây dựng thương hiệu, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư, nâng giá trị sản xuất, đẩy mạnh phát triển.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website