Quế là một trong 8 sản phẩm được tỉnh Lào Cai đưa vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực khuyến khích liên kết đầu tư sản xuất và chế biến giai đoạn năm 2019-2020. Với những định hướng phát triển cho cây quế Lào Cai, cùng với những thuận lợi về giá cả cũng như đầu ra tiêu thụ, dự báo cây quế sẽ trở thành cây trồng phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lào Cai thời gian tới.
Thực trạng trồng quế tại Lào Cai và kết quả đạt được
Quế là cây lâm nghiệp lâu năm, có chu kỳ kinh doanh dài, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tại Lào Cai, quế được trồng thành rừng cách đây khoảng 40 năm tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà và Văn Bàn. Vỏ quế là sản phẩm chính, chiếm 73% doanh thu từ quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm 20%, gỗ quế chiếm 7%. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô; 8 - 10 tấn lá, cành dùng để chưng cất tinh dầu; 80 - 100 m3 gỗ....
Những năm gần đây, nông dân Lào Cai đẩy mạnh trồng thâm canh cây quế nên diện tích trồng quế tăng mạnh. Năm 2015, diện tích trồng quế toàn tỉnh là 11.198,5 ha, đến nay (tính đến tháng 5/2019), theo rà soát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, diện tích trồng quế của tỉnh là 26.651 ha (vượt 1.651 ha so với quy hoạch), tăng số xã trồng (vượt 66 xã so với quy hoạch). Người trồng cây quế không chỉ có người Dao, Tày như trước đây mà đã mở rộng sang người Kinh, Mông, Nùng… Trên địa bàn tỉnh đã có 2 nhà máy sản xuất tinh dầu quế, 4 cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế.
Hiện tại, giá thu mua vỏ quế khô của thương lái tại các huyện trong tỉnh Lào Cai ở mức 52.000 đồng/kg; so với năm 2018, giá tăng hơn 12.000 đồng/kg. Những năm trước, giá thu mua vỏ quế khô trung bình chỉ dao động khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg. Theo hạch toán kinh tế của ngành lâm nghiệp, 1 ha quế cho thu khoảng 8 tấn vỏ quế khô (khai thác năm cuối), trung bình giá bán 50.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng. Cùng với nguồn thu từ thân, cành lá quế và các khoản phụ thu khác từ đầu chu kỳ, 1 ha quế cho thu hơn 600 triệu đồng.
Có thể thấy, trong cùng một giai đoạn chăm sóc từ 13 - 15 năm, nếu trồng cây mỡ, cây keo, hay bồ đề, nông dân cũng chỉ đạt thu nhập tối đa lên đến 200 triệu đồng, nhưng nếu trồng quế có thể đạt đến 600 triệu đồng. Như vậy, việc trồng quế mang lại giá trị cao gấp từ 4 - 5 lần so với các loại cây lâm nghiệp khác trong cùng một công chăm sóc.
Quế là một trong 8 sản phẩm được tỉnh Lào Cai đưa vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực khuyến khích liên kết đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ giai đoạn năm 2019-2020
Định hướng phát triển cho cây quế Lào Cai thời gian tới
Một là, điều chỉnh quy hoạch vùng trồng quế phù hợp, gắn với cơ sở chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây quế Lào Cai
Mặc dù quế là cây bản địa, được trồng từ lâu tại Việt Nam nhưng ngành sản xuất quế Lào Cai hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Đối với trồng, khai thác quế, lao động chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc ít người, chưa có đầu tư lớn vì vậy năng suất và chất lượng chưa cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Chưa có nhiều các doanh nghiệp chế biến quế thành các sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu mà chủ yếu là sơ chế và bán quế thô.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở chiết xuất tinh dầu sử dụng công nghệ lò hơi khá thô sơ, sản phẩm là dầu thô hàm lượng thấp, giá bán phụ thuộc vào tư thương từ Trung Quốc. Có 2 cơ sở chế biến vỏ quế là HTX Chiến Thắng (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) và HTX Quế hữu cơ Nậm Đét (xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà) sơ chế quế ống điếu, quế sáo, bột quế và một số rất ít hộ nông dân biết sơ chế vỏ quế. Tỉ lệ qua sơ chế chiếm khoảng 3 - 5% sản lượng khai thác hàng năm. Như vậy, 95 - 97% sản lượng quế bán dạng nguyên liệu thô qua các tư thương, điểm thu mua nhỏ lẻ và vận chuyển về các nhà máy tại Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh để chế biến. Quế từ Lào Cai được sơ chế, chế biến tại các nhà máy ở nơi khác đều mang nhãn hiệu của các đơn vị chế biến xuất khẩu và ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào từ Yên Bái. Có thể thấy, quế Lào Cai chưa xây dựng được thương hiệu.
Do đó, thời gian tới, để nâng cao giá trị kinh tế cho cây quế Lào Cai, tỉnh Lào Cai cần điều chỉnh quy hoạch vùng trồng quế phù hợp, gắn với cơ sở chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây quế Lào Cai.
Việc Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Sơn Hải vừa khánh thành nhà máy chiết xuất tinh dầu sả, tinh dầu quế tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên sẽ tạo thêm niềm tin và cơ hội cho người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.
Hai là, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đưa quế Lào Cai vươn ra thị trường thế giới
Quế là một trong 8 sản phẩm được tỉnh Lào Cai đưa vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực khuyến khích liên kết đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ giai đoạn năm 2019-2020. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho quế Lào Cai. Hiện nay một số công ty lớn kinh doanh xuất khẩu trong lĩnh vực gia vị đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại Lào Cai. Một số công ty nước ngoài đang khảo sát vùng trồng quế Lào Cai. Đã có 02 HTX tổ chức sơ chế các sản phẩm quế xuất khẩu. Chất lượng giống quế trồng tại Lào Cai được đánh giá tốt, thuần loài, đã có 615 ha quế của 415 hộ trồng tại thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét có chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế (chứng chỉ EU) và khoảng 1.000 ha tại Bắc Hà và Văn Bàn đang trong quá trình đánh giá.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ quế lớn nên đầu ra cho cây quế rất thuận lợi.
Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế (sau Indonesia, Sri Lanka). Các sản phẩm từ quế của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu, thị trường tiêu thụ chính gồm Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Tuy là nước có sản lượng lớn nhưng quế mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu mới chỉ chiếm khoảng 7% thị phần do chế biến chưa sâu, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam lại mang nhãn hiệu của quốc gia khác trước khi xuất khẩu sang nước thứ 3.
Để đưa sản phẩm quế Lào Cai vươn ra thế giới, một số giải pháp được đưa ra là:
Thứ nhất, quản lý vùng trồng để có nguyên liệu tốt cho chế biến. Thị trường châu Âu có tính ổn định cao, giá tốt nhưng yêu cầu chất lượng cũng rất cao và có sự kiểm duyệt gắt gao. Để tham gia thị trường khó tính này ngoài việc chế biến sâu, khâu bao gói, bảo quản, xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào.
Hiện nay việc quản lý vùng trồng tại tỉnh Lào Cai chưa tốt. Do cái lợi trước mắt từ việc bán cành, lá nên nông dân trồng mật độ quá dày, có nơi trồng 10.000 cây/ha để khai thác lá. Trong khi đó, giá trị từ cành lá chỉ chiếm dưới 10% giá trị thu được từ cây quế. Ngoài ra, nông dân chỉ trồng thuần loài, mật độ dày, sử dụng phân vô cơ nên dễ phát sinh sâu bệnh hại, dẫn đến phải sử dụng thuốc hóa học. Sau chu kì khai thác lá thời gian chuyển đổi để đủ điều kiện chứng nhận quế sinh thái, hữu cơ rất khó khăn. Người dân nên tuân thủ những hướng dẫn, khuyến cáo về mật độ trồng, về giống, kỹ thuật trồng rất cụ thể mà cơ quan chuyên môn đã ban hành.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại
Các HTX, cơ sở chế biến quế trong tỉnh nên khẩn trương đăng kí nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn, đồng thời lập hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP để được hỗ trợ xúc tiến thương mại. Các địa phương trồng quế cần chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của các cơ quan quản lý các cấp, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự đồng hành của người dân, chắc chắn quế Lào Cai sẽ trở thành sản phẩm chủ lực và có thương hiệu mạnh trong tương lai gần.
Với những định hướng phát triển cho cây quế Lào Cai, cùng với những thuận lợi về giá cả cũng như đầu ra tiêu thụ, dự báo cây quế sẽ trở thành cây trồng phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lào Cai thời gian tới.
Nguồn: VITIC tổng hợp