Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hiệu quả kinh tế cao từ sản xuất nhãn Ido ở Bến Tre

Sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGAP từ nhiều năm nay, sản phẩm nhãn Ido của tỉnh Bến Tre đạt tiêu chuẩn chất lượng, năng suất cao, an toàn thực phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Nhãn là một trong bốn loại trái cây có diện tích lớn của tỉnh Bến Tre. Hiện nay, giống nhãn Ido là giống nhãn chính được trồng tại đây, là giống được chuyển đổi từ giống nhãn tiêu da bò. Việc thực hiện chuyển đổi giống nhãn tiêu da bò sang giống nhãn Ido là để tăng hiệu quả trong sản xuất.

Nhãn Long Hòa Bến Tre

Ido là giống nhãn có tính chống chịu cao với việc nhiễm sâu bệnh như nhện lông nhung và sâu đục trái, ít bị rụng trái trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và phân phối nên luôn được thị trường ưa chuộng. 

Nhãn Ido có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; cho năng suất và chất lượng cao, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Điều này cho thấy việc trồng nhãn Ido thay thế giống nhãn tiêu da bò là hướng chuyển đổi đúng. Do đó, việc phát triển mở rộng diện tích nhãn Ido là cần thiết để duy trì và phát triển vùng nhãn hàng hóa. Nhiều hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi diện tích còn lại sang trồng nhãn Ido và đem lại hiệu quả tích cực. Cây nhãn ra hoa vào tháng 12 và thu hoạch vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Với trái lớn, thịt trái dai, cơm dày, hạt nhỏ.

Với mô hình trồng nhãn mới, hiện nay năng suất bình quân nhãn Ido là 15-18 tấn/ha, tăng so với 9 tấn/ha trước đây. Nhãn Ido là cây có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài khoảng trên 30 - 40 năm. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ phát triển rất tốt, cho năng suất trung bình khoảng 250kg/cây.

Nhãn Ido mang lại giá trị cao, nhiều cơ hội cho xuất khẩu

Nhãn là một trong 8 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre được xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025. 

Trong đó, sản phẩm Nhãn Ido mang lại giá trị kinh tế cao được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Người dân ngay từ khâu chọn giống phải đạt chuẩn; đảm bảo yếu tố canh tác, thu hoạch, bảo quản; xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng máy móc thiết bị, thông tin về nhu cầu thị trường... Thực hiện quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất nhãn giúp giảm 3-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, đỡ ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Để áp dụng canh tác công nghệ cao vào sản xuất nhãn, người dân áp dụng hệ thống tưới kết hợp bón phân thông qua bộ điều khiển từ xa; từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cần sử dụng phân chuyên dùng phù hợp; sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói mù,… để từ đó mở rộng được diện tích nhãn Ido, tăng hiệu quả sản xuất.

Sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng. Đối với cây nhãn, tỉnh đã thành lập 2 hợp tác xã ở xã Long Hòa và Tam Hiệp, huyện Bình Đại, với quy mô 65 ha, thu hút trên 150 hộ tham gia.

Tỉnh Bến Tre đang tiến hành nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả đối với các sản phẩm khác, tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp giấy chứng nhận áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực.

Tỉnh cũng tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất rải vụ để phát triển sản xuất cây ăn trái đặc sản của tỉnh theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xã Long Hòa (Bình Đại) đã đề ra các giải pháp cụ thể, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhà vườn trồng cây ăn trái liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với những sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện, trong đó có quả nhãn cần hình thành liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thông qua các hình thức như tổ chức các ngày hội, các cuộc thi về sản phẩm nông sản để đưa sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã đến với người tiêu dùng, các cửa hàng đại lý, các nhà phân phối bán lẻ sản phẩm từ đó có định hướng tốt trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xã Long Hòa đã đẩy mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại địa bàn, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, đồng thời với sản phẩm có triển vọng phát triển như quả nhãn thì xã tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của quả nhãn, nhất là đối với nhãn Ido, nâng cấp chuỗi giá trị cây trái đặc sản chủ lực của tỉnh, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng trong hoạt động xuất khẩu.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website