Chủ Nhật, 20/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu tập thể tại các làng nghề của Hà Nam

Ngày đăng: 13/07/2020
Lượt xem: 337

Trong những năm qua, Hà Nam luôn xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề trên địa bàn nông thôn là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đã công nhận 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề TTCN, 111 làng có nghề TTCN. Trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề nuôi gà Móng, thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi, mây giang đan Ngọc Động, dệt Nha Xá, dệt Hòa Hậu, sừng Đô Hai, dũa Đại Phu, trống Đọi Tam, gốm Quyết Thành....

Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ở làng nghề và các đơn vị phân phối sản phẩm làng nghề truyền thống tại Hà Nam.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và đề xuất nhiều giải pháp khuyến khích các địa phương chủ động tiến hành các biện pháp xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể.

Một số nhãn hiệu tiêu biểu.

Gà Móng: Gà Móng là sản vật quý lâu đời của người dân làng Móng xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam và mang lại thu nhập cao. Đây là giống gà cổ thuần chủng, chân to, có thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên).

Vào năm 2003, đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam về thôn An Mông, xã Tiên Phong khảo sát giống gà Móng này, thấy giống gà rất khác lạ, không giống với các giống gà ta bình thường, nên đoàn cán bộ đem gà lên Viện Chăn nuôi giám định. Kết quả cho thấy gà Móng thuộc loại gà quý hiếm. Đây là giống gà nuôi duy nhất được ghi danh vào Sách đỏ Việt Nam. Tháng 4/2016, gà Móng Tiên Phong được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm tập thể.

Gà Móng Tiên Phong được cấp nhãn hiệu là lợi thế để người dân Tiên Phong đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống gà quý hiếm cũng như khẳng định được thương hiệu gà Móng trên thị trường.

Thương hiệu Gà Móng Tiên Phong (huyện Duy Tiên) đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016

Làng nghề làm trống Đọi Tam

Thị xã Duy Tiên có một làng nghề cổ truyền, sản phẩm và uy tín của người thợ tài hoa đã nổi tiếng khắp mọi miền của đất nước. Đó là làng Đọi Tam chuyên sản xuất các loại trống.

Làng trống Đọi Tam đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống Tiểu thủ công nghiệp Hà Nam tháng 10/2004. Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng trống Đọi Tam đã đóng góp gần 2.000 trống lớn, nhỏ, trong đó có chiếc trống to nhất Việt Nam và khu vực với chiều cao 3,1m, đường kính 2,35m, nặng khoảng 1.300 kg. Đây là sự cố gắng nỗ lực của chính quyền cơ sở và người dân làng nghề, là động lực để các nghệ nhân ở Đọi Tam bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trống Đọi Tam.

Trong suốt hàng trăm năm qua, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau như: Trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, nghề làm trống và sản phẩm trống mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sản phẩm trống của Đọi Tam được tiêu thụ rộng khắp. Hiện thôn có 62 cơ sản xuất kinh doanh trống các loại. Nếu tính cả các hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh thì lên tới hàng trăm hộ. Ng­ười thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Các sản phẩm trống gồm nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Nghề làm trống phát triển góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động trong thôn. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm gần đây đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Sản phẩm trống Đọi Tam tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên

Bánh đa quạt Phúc Hạ:

Làng Phúc Hạ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân từ lâu nổi tiếng với nghề bánh đa quạt truyền thống. Bánh đa quạt nơi đây thơm ngon, có vị bùi ngậy riêng biệt, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích.

Làm bánh đa quạt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là công đoạn chọn gạo để ngâm làm bánh. Bánh đa quạt ở Phúc Hạ được người dân làm từ gạo Khang Dân, sau khi ngâm vài giờ, gạo được vớt ra cho vào cối đá để xay. Đây là công đoạn khó, tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm bởi độ đặc, loãng của bột rất quan trọng. Nếu bột đặc quá sẽ khó tráng bánh, bột loãng bánh sẽ mỏng. Sau công đoạn xay bột là công đoạn tráng bánh. Tráng bánh đa quạt giống như tráng bánh cuốn, bánh đa quạt phải tráng dày hơn, độ chín kỹ hơn. Khi bánh chín, rắc vừng rồi khéo léo lấy bánh ra đặt lên những chiếc phên để bánh không bị rách hoặc méo. 

Công đoạn phơi bánh phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ lâu, người dân Phúc Hạ phải lựa chọn những ngày nắng để tráng bánh. Bánh phơi se mặt thì gỡ bánh, lật bánh phơi tiếp cho đến khi bánh khô. Cuối cùng là công đoạn nướng bánh.

Trải qua hàng trăm năm, nghề làm bánh đa thôn Phúc Hạ được nhiều thế hệ trong làng gìn giữ. Nghề làm bánh vất vả, khó nhọc, nhưng với nhiều gia đình, làm bánh đa quạt vẫn là nghề chính, đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nguồn: VITIC tổng hợp 

Tin liên quan
Liên kết website