Thứ Sáu, 02/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cam hữu cơ Măng Đen - loại quả tiềm năng của tỉnh Kon Tum

Cam Măng Đen là một đặc sản của thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum, đạt tiêu chuẩn VietGap, chứng nhận Organic hữu cơ và được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Loại cam này đang được tỉnh Kon Tum chú trọng đầu tư và định hướng xuất khẩu trong những năm tới.

Thị trấn Măng Đen, thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum là nơi trồng nên trái cam đặc sản của tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây. Măng Đen được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên, với khí hậu ôn đới mát mẻ, có rất nhiều hồ, thác nước và các hệ thống rừng nguyên sinh bao bọc. Những sản phẩm trồng tại nơi đây được tận hưởng bầu không khí tươi mát, nguồn ánh sáng và nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển. Măng Đen là vùng đất không chỉ phù hợp để phát triển các loại rau củ xứ lạnh mà còn là nơi các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi phát triển tốt.

Trái cam Măng Đen được trồng trên những ngọn đồi cao cách mặt nước biển khoảng 1200m. Các trang trại cam tại đây đều được thiết kế trên nền hữu cơ để cho ra những sản phẩm mang đặc trưng sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Cam sành Măng Đen có mật vàng ươm, quả chắc, có thể bóc thành từng múi để ăn hoặc vắt lấy nước uống. Vị cam ngọt thanh, dễ chịu. Trung bình một quả cam có khối lượng từ 2.5 – 3.5 lạng, có trái nặng đến 5 lạng. Về hình thức, cam không có lớp vỏ láng mịn mà thường hơi rám, sần sùi, có màu vàng đen xen kẽ. Loại cam này sau khi ăn xong còn có thể tân dụng vỏ của nó để làm mứt, phơi khô để pha trà hay thậm chí là đốt lên để xua đuổi côn trùng. Sản lượng cam trung bình trong mỗi mùa vụ là hơn 200 tấn. Mức giá của cam Măng Đen trên thị trường hiện nay dao động từ 50.000 – 75.000 đồng/kg. Thời gian thu hoạch cam thường kéo dài từ tháng 11, tháng 12 năm trước đến tầm tháng 5, tháng 6 năm sau.

Vườn cam Măng Đen

Cam Măng Đen được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ vì độ ngon ngọt mà còn vì đây là sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và đạt chứng nhận Organic – hữu cơ Việt Nam (PGS). Chính nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao mà sản phẩm đã được người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp đón nhận. Hiện nay, đã được siêu thị Nhật Bản ở phía Nam và các cửa hàng trái cây ở Đã Nẵng lựa chọn sản phẩm cam Măng Đen để bày bán trên kệ hàng.

Định hướng phát triển cam Măng Đen trong thời gian tới:

Trong năm 2021, cam Măng Đen đã được tham gia vào chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của huyện Kon Plong. Đến năm 2022, những vườn cam hữu cơ Măng Đen bước vào giai đoạn phát triển và sản xuất ổn định hơn. Do đó, cần tập trung hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc diện tích cây cam đã được trồng. Đồng thời, nghiên cứu thêm về các biện pháp bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đầu tư hơn vào khâu quảng bá những đặc trưng của sản phẩm để trái cam Măng Đen được người tiêu dùng trên cả nước biết đến nhiều hơn. Sau khi khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen được Chính phủ đưa vào quy hoạch du lịch Việt Nam, huyện Kon Plong nói chung và thị trấn Măng Đen nói riêng đã xác định được hướng phát triển trong tương lai là kết hợp du lịch sinh thái với nông nghiệp. Những trang trại cam có ưu thế là trồng trên vùng đất vừa có khí hậu tốt, vừa là điểm đến du lịch lý tưởng của nhiều du khách. Vì vậy, chú trọng hơn vào khâu tiếp thị và cảnh quan xung quanh trang trại cũng là một giải pháp giúp nâng cao hình ảnh và vị trí của cam Măng Đen.

Huyện Kon Plong đã và đang tổ chức nhiều hội thảo nhằm phổ biến về quy trình và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả để đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng. Với những nỗ lực hiện có, cam hữu cơ Măng đen đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi để khẳng định vị trí, hình ảnh của mình. Đồng thời, sản phẩm cam Măng Đen và nhiều loại trái cây khác cũng được định hướng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đỗ Tuyến

Liên kết website