Dứa Đồng Giao mang lại giá trị kinh tế cho nhiều hộ dân tại xã Đồng Giao, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Mô hình liên kết giữa hộ gia đình và doanh nghiệp chế biến dứa đạt hiệu quả cao, hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững.
Vùng đất Ninh Bình không chỉ nổi tiếng với cá rô Tổng Trường, thịt dê, cơm cháy mà còn có một thứ quả nổi tiếng là dứa Đồng Giao. Dứa Đồng Giao được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2015 và được đưa vào danh sách 50 loại quả đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Dứa Đồng Giao với hai giống dứa chính là dứa Cayenne và dứa Queen đã góp phần khẳng định vị thế cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Các sản phẩm Dứa Đồng Giao không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, EU.
Dứa là một nguồn thực phẩm giàu vitamin C, là một loại trái cây ngon ngọt và tươi mát, giúp cung cấp nước và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhờ vitamin và khoáng chất có trong dứa, ăn dứa có thể giúp cải thiện sức khỏe đồng thời kích thích vị giác. Dứa có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khoa học đã chứng minh, dứa giúp chống lão hóa, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe xương khớp, bảo vệ sức khỏe lão bộ,…
Thu hoạch dứa ở Đồng Giao - Tam Điệp - Ninh Bình
Dứa không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu. Cây dứa trồng được trên nhiều loại đất, là cây có thể chịu hạn, đất trũng phèn, chi phí đầu tư ban đầu thấp, ít tốn công chăm sóc. Dứa trồng tại thành phố Tam Điệp hay các địa phương tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Ninh Bình cho vị ngọt đậm, không xơ, có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau. Từ việc trồng dứa, nhiều hộ dân xã Đồng Giao, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, góp phần phát triển kinh tế và làm thay đổi diện mạo của thành phố Tam Điệp.
Liên kết chặt chẽ giữa hộ gia đình và doanh nghiệp chế biến dứa.
Mô hình liên kết giữa hộ gia đình và doanh nghiệp chế biến dứa là điểm sáng của nông nghiệp Ninh Bình. Mô hình này giúp ổn định thị trường, tránh tình trạng canh tác ồ ạt, dư thừa dứa nguyên liệu làm dứa mất giá hay thiếu hụt dứa nguyên liệu để sản xuất khi chưa tới vụ mùa. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ lên được kế hoạch sản xuất và tiêu thụ tốt hơn, người dân cũng yên tâm canh tác hơn bởi sản phẩm đã được các doanh nghiệp bao tiêu. Các doanh nghiệp chế biến dứa sẽ cung cấp giống dứa tốt và hỗ trợ kĩ thuật canh tác cho các hộ gia đình. Trong 16 - 18 tháng từ khi gieo trồng tới lúc thu hoạch, các doanh nghiệp chế biến dứa sẽ đến thăm, kiểm tra tình trạng cây trồng. Cùng với đó, họ cũng chuyển giao kỹ thuật canh tác mới cho các hộ gia đình như phương pháp trồng xen, che phủ nilon… Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến dứa còn nghiên cứu chất đất, đưa ra công thức và lịch trình bón phân phù hợp. Sau mỗi lần thu hoạch, các doanh nghiệp sản xuất đều kiểm tra lại mẫu đất nhằm đảm bảo, duy trì chất lượng của đất cho vụ tiếp theo. Vì vậy mà chất lượng dứa Đồng Giao luôn ổn định, đạt năng suất cao.
Để phục vụ cho nhu cầu chế biến quanh năm của nhà máy, dứa được lên kế hoạch trồng theo phân khu, khi thu hoạch ở phân khu này thì phân khu khác đang trong kì trưởng thành và chuẩn bị cho quả. Dứa được thu mua ngay tại bờ rồi mang về nhà máy. Tại nhà máy, dứa trải qua các công đoạn chế biến sau: Rửa, đục lõi, cắt vỏ, nhổ mắt, tạo hình, chế biến, đóng hộp, cấp đông. Vì vậy, sản phẩm dứa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Những cánh đồng dứa ở Đồng Giao không chỉ cho quả mà còn là một trong những địa điểm được những bạn trẻ tìm đến để lưu lại những bức hình đẹp. Dứa Đồng Giao là sản phẩm tiềm năng hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Ninh Bình.
Đỗ Tuyến
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”