Cây vú sữa Hoàng kim đang được xem là giống cây trồng mới đem lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Hậu Giang, phù hợp để phát triển và có tiềm năng trở thành nguồn nông sản xuất khẩu, góp phần đưa kim ngạch rau quả Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
Hậu Giang có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu… nên thích hợp cho việc phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới. Vú sữa Hoàng Kim của huyện Phụng Hiệp là loại cây ăn trái có giá trị, cây cho quả ngon và có tính đặc trưng, vị của quả ngọt thanh. Quả vú sữa có màu vàng óng, vỏ mỏng, thịt quả rất dày.
Quả vú sữa Hoàng Kim chứa rất nhiều vi chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin C, vitamin A, vitamin B1, B2, phốt pho, chất sắt, carbonhydrate, magiê protein và năng lượng (calo); vú sữa Hoàng Kim còn giàu chất xơ, có công dụng giảm cân, tốt cho xương, chứa ít calo.
Vú sữa Hoàng Kim huyện Phụng Hiệp
Vú sữa Hoàng Kim được nhiều nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp chọn trồng
Vú sữa Hoàng Kim rất dễ trồng, đặc biệt dễ xử lý ra hoa, đậu trái. Thời điểm lấy hột từ trái ra ươm tới khi hạt nảy mầm từ 5-7 ngày. Sau đó cho cây non vào bầu đất khoảng một tháng rưỡi cây phát triển tốt. Đến khi bán được cây vú sữa Hoàng Kim giống cho người dân khoảng 5 tháng đến 6 tháng.
Để sản xuất với số lượng cây giống vú sữa Hoàng Kim lớn và đảm bảo chất lượng, các nhà vườn của huyện Phụng Hiệp đã xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận vào đầu năm 2021. Cây sau khi trồng có thể cho thu hoạch quả từ năm thứ 3 trở đi, 1 năm ra quả 3 vụ, 1 vụ có thể thu hoạch từ 30 – 50 kg quả. Đặc biệt, ở năm thứ 7, mỗi cây trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 500 - 800 quả/năm. Cây càng lớn sẽ cho năng suất càng cao, trung bình đối với cây 3 năm tuổi mỗi đợt cho hơn 80 quả/cây, mỗi quả có trọng lượng từ 300 - 400 gam, có quả nặng gần 1kg. Vú sữa Hoàng Kim ra trái quanh thân và cành, mùa thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12, sau mỗi vụ thu hoạch, vú sữa sẽ tiếp tục ra trái vào khoảng 4 - 5 tháng sau. Ưu điểm loại cây này, ngoài năng suất, giá bán cao, cây cho trái tự nhiên quanh năm mà không cần kích hoa. Hiện nay diện tích trồng thêm giống vú sữa Hoàng Kim trên toàn xã Tân Long huyện Phụng Hiệp tổng cộng là 5 ha..
Vú sữa được đánh giá cao về chất lượng, màu sắc đẹp, mùi vị ngon, cây dễ chăm sóc, lợi nhuận thu về cũng cao, cây trồng này có thể giúp người dân cải thiện kinh tế. Vú sữa Hoàng Kim cung cấp trên thị trường còn rất ít nên giá bán khá cao. Về lâu dài khi diện tích tăng nhiều thì giá có thể thấp hơn. Vú sữa thường được thu hoạch vào cuối mùa Thu đầu mùa Đông, nếu bảo quản tốt vẫn có thể làm trái cây phục vụ Tết nguyên đán. Phần lớn người dân trồng vú sữa Hoàng Kim theo mô hình hữu cơ, cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ vào trồng nên cho năng suất cao hơn.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang giống cây mới cho giá trị kinh tế cao
Thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã phát triển đa dạng các loại cây trồng trong việc triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Trong năm 2021, toàn xã Tân Long huyện Phụng Hiệp đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu này, trong đó vú sữa Hoàng Kim được đánh giá là loại cây trồng cho thu nhập cao và đã đạt chuẩn VietGAP.
Sản phẩm vú sữa Hoàng Kim đang đăng ký sản phẩm OCOP với mong muốn được xếp hạng đạt sao OCOP sẽ tăng đơn đặt hàng cung cấp cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP. Xác định mục tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, cây vú sữa Hoàng Kim của xã Tân Long sẽ được mở rộng lên 10 ha để tạo thành vùng trồng, đảm bảo diện tích trong việc xin cấp mã vùng.
Năm 2022, huyện Phụng Hiệp tiếp tục thực hiện từ 4.000-5.000 ha lúa an toàn được bao tiêu; tiếp tục vận động người dân chuyển đổi 1.000 ha đất mía chưa được bao tiêu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, trong đó cây vú sữa Hoàng Kim là một trong những cây trồng chủ lực; phấn đấu mỗi năm thực hiện từ 5-7 sản phẩm OCOP.
Phát huy lợi thế với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP để góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Trong đó mục tiêu phấn đấu của huyện Phụng Hiệp năm 2022 sẽ có từ 2-3 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp Quốc gia. Hiện nay trong 21 sản phẩm OCOP của huyện Phụng Hiệp có đến 17 sản phẩm đạt 4 sao. Để nâng cấp sản phẩm, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp sẽ hỗ trợ cho các chủ thể tiếp tục đổi mới, từng bước thăng hạng cho sản phẩm.
Các địa phương của tỉnh Hậu Giang sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt 3 sao hoặc 4 sao, sẽ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho HTX tham gia nhiều sản phẩm về OCOP. Hỗ trợ các HTX về vận hành trang thiết bị máy móc theo các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, theo mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đỗ Tuyến