Thứ Năm, 29/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cói Nga Sơn - Thanh Hóa khẳng định vị thế trên thị trường

Ngày đăng: 28/06/2022
Lượt xem: 826

Huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với nghề làm cói, những sản phẩm từ cói không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu đến một số thị trường Hoa Kỳ, Australia, Canada… Chính quyền địa phương luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa cói Nga Sơn từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Huyện Nga Sơn nằm ở phía đông bắc của tỉnh Thanh Hóa, có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động. Trong những năm gần đây, huyện luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, từ đó mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Những chính sách và sự quan tâm của địa phương đã góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Nga Sơn được xem là vựa cói lớn nhất xứ Thanh, với hơn 150 năm xây dựng và phát triển. Cói được trồng tại 8 xã của huyện Nga Sơn, với diện tích khoảng 1500 ha, chủ yếu được trồng ở Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy và Nga Tân. Cói Nga Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm nổi bật nhất là chiếu cói, với sợi nhỏ, dai và mượt. Ngoài ra, còn có những món đồ thủ công mỹ nghệ với nhiều họa tiết được thêu khéo léo, tinh xảo như làn, dép, thảm lót sàn… Hiện nay, sản lượng cói của Nga Sơn đã lên tới 20.000 tấn/năm, với doanh thu mang lại khoảng 180 - 200 tỷ đồng. Đặc biệt, các sản phẩm làm từ cói của huyện đã xuất hiện tại hơn 30 thị trường trên thế giới, đưa hình ảnh cói Nga Sơn ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Huyện có 22 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có một số sản phẩm làm từ cói như Bộ rổ cói 3 chiếc và Bình hoa bằng cói (Công ty CP sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh xã Nga An) hay Giỏ trái đất (Công ty TNHH XK Việt Trang) đạt 4 sao.

Huyện Nga Sơn đã khuyến khích các hộ kinh doanh đầu tư để mua trang thiết bị mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, cải tạo máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động. Nhờ có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực tham gia nhiều triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Nguyên liệu dệt chiếu Nga Sơn

Định hướng phát triển cói Nga Sơn trong thời gian tới

Tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Nga Sơn nói riêng luôn coi nghề làm cói là ngành mũi nhọn, nằm trong kế hoạch mở rộng diện tích tới tất cả các xã trên địa bàn. Huyện xác định rõ nông nghiệp luôn là ngành giữ vai trò trọng tâm; các xã cần có sự liên kết và hợp tác để xây dựng một kế hoạch thống nhất về phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, đi sâu vào trọng điểm là phát triển các cụm công nghiệp gắn với đô thị, ưu tiên các ngành sản xuất có tiềm năng như thủy sản, may mặc và đặc biệt là cói xuất khẩu.

Mỗi doanh nghiệp cần tiếp tục cải tiến để sản xuất ra những sản phẩm với đa dạng mẫu mã, có tính ứng dụng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, nhất là phân khúc khách quốc tế. Đồng thời, việc thu hút nguồn nhân công chất lượng cao về làng nghề và nâng cao năng lực cho các nghệ nhân cũng là điều rất quan trọng. Trình độ chuyên môn phải song hành cùng kỹ năng quản trị tốt mới có thể giúp doanh nghiệp từng bước ổn định hoạt động kinh doanh và tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại dưới hình thức hội chợ, triển lãm, du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn được giao lưu, gặp gỡ và mở rộng mạng lưới hợp tác, từ đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong làm nghề. Thông qua những sự kiện như vậy, làng nghề cói có dịp được quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách du lịch, từng bước khẳng định vị thế trên trường.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website