Thứ Tư, 14/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nho Hạ Đen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương trên cả nước

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã nhận chuyển giao thành công, công nghệ trồng và chăm sóc giống nho Hạ Đen từ Viện khoa học Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây. Qua quá trình trồng thử nghiệm, giống nho Hạ Đen thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu miền Bắc. Đến nay, mô hình này đã trồng thành công ở các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Nội, Lai Châu… Giống nho Hạ Đen có tốc độ sinh trưởng, năng suất đạt chất lượng tốt tại các tỉnh miền Bắc, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp 4.0 của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố tại miền Bắc có cùng điều kiện thổ nhưỡng.

Hiện nho Hạ Đen được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Giống nho Hạ Đen trồng sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chu kỳ sinh trưởng của cây từ 10-15 năm, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ quả. Vụ đầu tiên từ tháng 6 đến tháng 7, vụ sau từ tháng 10 đến tháng 11. Ưu điểm của nho Hạ Đen là cho năng suất tăng dần qua từng năm. Trái nho Hạ Đen có vỏ ngoài tím sẫm, căng bóng, vị ngọt sắc, giòn và thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, tiềm năng cho cây nho Hạ Đen rất lớn. Ngoài việc cho thu hoạch trái, người trồng có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Mô hình trồng nho Hạ Đen tại huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang là mô hình tiềm năng, cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới

Từ năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (HTX) đã đưa giống nho Hạ Đen vào trồng thử nghiệm trên diện tích 2.000 m2 nhà lưới. Đến nay, mô hình đã khá thành công, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nho Hạ Đen của HTX Đồng Tâm 3 được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Trái nho Hạ Đen được tiêu thụ trực tiếp qua các chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị, qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Đầu ra ổn định đã mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên trong HTX. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái cũng được các thành viên trong HTX Đồng Tâm 3 nghiên cứu áp dụng.

Trong thời gian tới, HTX Đồng Tâm 3 sẽ mở rộng thêm quy mô và chuyên cung cấp nho Hạ Đen cho các cửa hàng nông sản sạch. Ngoài ra, HTX Đồng Tâm 3 sẽ trồng nho hạ đen kết hợp với các mô hình trồng hoa nhằm phục vụ mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Mô hình trồng nho Hạ Đen

Trải qua quá trình trồng thử nghiệm, đến nay có thể khẳng định mô hình trồng nho Hạ Đen tại huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang là mô hình tiềm năng, cần tiếp tục triển khai và nhân rộng. Mô hình trên rất phù hợp với định hướng phát triển của địa phương là tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ và những cây trồng thế mạnh, cây trồng mới cho năng suất cao. Để mô hình trồng nho Hạ Đen được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ chính quyền địa phương, các cấp, ngành.

Diện tích trồng nho Hạ Đen trên địa bàn huyện Đan Phượng chủ yếu được sản xuất theo hướng VietGap

Sau 3 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây nho Hạ Đen cho thấy tiềm năng phát triển lớn, được nhiều hộ nông dân tại huyện Đan Phượng quan tâm.

Ban đầu, mô hình trồng giống nho Hạ Đen do Trung tâm khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện tại 02 hộ gia đình huyện Đan Phượng, quy mô 9.000 m2. Giống nho Hạ Đen được bàn giao cho các hộ trồng từ cuối tháng 3/2021, đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian trồng thử nghiệm, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, vật tư, làm giàn, phân bón.

Sau thời gian triển khai, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức đánh giá nghiệm thu mô hình trồng giống mới năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu đối với nho Hạ Đen tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Qua quá trình triển khai, cơ bản mô hình đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Đến nay, mô hình trồng nho Hạ Đen được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình trên địa bàn, diện tích khoảng 1,5 ha. Đồng thời, mô hình sản xuất nho Hạ Đen được chuyển giao công nghệ cho một số hộ gia đình ở tỉnh Hòa Bình.

Hiện nho Hạ Đen trồng tại huyện Đan Phượng được tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh thành như Hà Nam, Vĩnh Phúc…Giá bán nho Hạ Đen tại vườn là 150 nghìn đồng/kg; giá bán sỉ là 120 – 130 nghìn đồng/kg. Ước tính khoảng 5 tấn/vụ, thu nhập trung bình khoảng 600 – 700 triệu đồng/vụ (chưa trừ chi phí). Như vậy có thể thấy, hiệu quả kinh tế mà trái nho Hạ Đen mang lại cho người dân huyện Đan Phượng khá cao.

Để đầu ra ổn định và có giá trị kinh tế cao, hầu hết diện tích trồng nho Hạ Đen trên địa bàn huyện Đan Phượng được sản xuất theo hướng VietGap. Trong đó, sản phẩm nho Hạ Đen của gia đình ông Nguyễn Văn Nội đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Nhận thấy trồng nho Hạ Đen có tiềm năng phát triển lớn, thời gian tới huyện Đan Phượng sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để từng bước nhân rộng mô hình trồng nho Hạ Đen sang các địa phương khác. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng nguồn thu cho hộ nông dân, huyện cũng sẽ phát triển sản phẩm gắn với du lịch sinh thái.

Mô hình trồng nho Hạ Đen tại huyện Sông Mã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương

Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sông Mã phù hợp với cây nho Hạ Đen, từ tháng 5/2020, những cây nho giống được Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích nhà lưới rộng 5.000 m² tại xã Nà Nghịu.

Để việc trồng nho đem lại hiệu quả, Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đã đầu tư xây dựng nhà lưới, xử lý đất, làm đất theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến tháng 10/2020, nho bắt đầu ra hoa, đậu quả; tháng 12/2020 cho thu những chùm nho đầu tiên. Cây nho Hạ Đen trồng tại huyện Sông Mã cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 12.

Với diện tích trồng thử nghiệm trên 5.000 m2, năm 2021 Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đã thu được 1,4 tấn nho, với giá bán trung bình 150.000 - 180.000 đồng/kg.

Đầu ra cho trái nho Hạ Đen không hạt của huyện Sông Mã khá ổn định. Toàn bộ sản lượng nho được bán cho khách đến tham quan, trải nghiệm, hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các cửa hàng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đã tiếp tục mở rộng trồng thêm 1.000 m2, nâng tổng quy mô vườn nho lên 6.000 m2.

Như vậy, qua thời gian trồng thử nghiệm, có thể khẳng định cây nho Hạ Đen hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng của huyện Sông Mã. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2022, Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đã áp dụng kỹ thuật tỉa quả, đầu tư lắp đặt camera tại gốc nho để giám sát chất lượng nước tưới tiêu và phân bón. Nhờ vậy, chùm nho năm nay cho quả to gấp đôi so với năm trước.

Ngoài việc duy trì diện tích trồng nho thương phẩm, Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã đã ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất và cung ứng cây giống. Hiện nay, trong vườn ươm của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã có khoảng 1.000 cây nho giống, giá 30.000 đồng/cây.

Hiện nho Hạ Đen của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã là một trong những sản phẩm được huyện Sông Mã lựa chọn và đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tổ chức tại tỉnh Sơn La.

Mô hình trồng thử nghiệm nho Hạ Đen không hạt đã thu được kết quả thành công bước đầu tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Tuy nhiên, để trồng thành công giống nho Hạ Đen đòi hỏi tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Do đó, việc mở rộng diện tích cần có lộ trình và sự hướng dẫn của cơ quan quản lý. Đồng thời, khi muốn trồng loại cây này, người dân nên liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tránh tình trạng mua phải giống kém chất lượng, hoặc gieo trồng không đúng kỹ thuật dẫn đến cây không đơm hoa, kết trái hoặc cho ra sản phẩm kém chất lượng.

Với giống nho Hạ Đen, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp người dân có thể chủ động trong việc quyết định mùa vụ và quyết định được thời điểm thu hoạch, qua đó giúp sản phẩm nâng cao giá trị và đầu ra ổn định.

Đình Thuận

Liên kết website