Bình Đức đã lưu giữ lại một nét đẹp văn hóa của làng nghề se nhang. Các sản phẩm nhang có hương dịu nhẹ, tạo nên nét độc đáo của làng nghề truyền thống tại An Giang. Làng nghề se nhang Bình Đức thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, mang lại nguồn thu nhập và mở ra hướng phát triển mới cho người dân.
Làng nghề nhang Bình Đức bắt đầu hình thành khoảng cuối năm 1940. Là địa phương có nhiều đền chùa với chuỗi lễ hội liên tiếp trong năm của vùng hành hương Thất Sơn - Bảy Núi, do đó nhang ở Bình Đức được tiêu thụ quanh năm. Do nhu cầu cao nên có nhiều cơ sở sản xuất nhang đã được mở ra.
Ở Bình Đức vẫn có không ít người còn rất tâm huyết với nghề truyền thống mà các thế hệ cha ông gây dựng. Với nhiều gia đình thì nghề truyền thống vẫn là nguồn thu nhập chính và có khoảng 50% hộ dân tại Bình Đức chuyển sang nghề làm nhang chuyên nghiệp.
Mỗi người dân sản xuất trung bình khoảng 5,5 nghìn cây nhang nếu làm phương pháp thủ công, mức thu nhập thu nhập khoảng 80.000 đồng/ngày.
Không chỉ mang lại nguồn thu nhập, làm nhang còn mang một nét đẹp văn hoá riêng. Chính vì vậy, mặc dù tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, kinh tế ngày càng phát triển, nhưng làng nghề se nhang vẫn hoạt động tốt tại An Giang.
Nhiều hộ sản xuất đã có hơn 50 năm duy trì và phát triển nghề làm nhang tại Bình Đức. Vào dịp Tết và lễ hội đầu năm mới, nhu cầu người mua tăng mạnh nên đây là thời điểm người làm nghề bận rộn hơn các dịp khác trong năm.
Bình Đức đã lưu giữ lại một nét đẹp văn hóa của làng nghề se nhang với những nghệ nhân trong làng nghề vẫn lặng lẽ, cần mẫn gìn giữ nét đẹp bình dị vốn có. Các màu sắc đỏ, vàng, đen xen lẫn nhau, những bó nhang được trải khắp sân nhà hòa quyện với hương thơm của nhang vào gió đã tạo nên một khung cảnh đẹp mắt. Với phương pháp sản xuất gia truyền nên sản phẩm làm ra được đánh giá cao về chất lượng và rất được người dùng ưu chuộng.
Hình ảnh người dân Bình Đức, An Giang đang phơi nhang
Hiện nay, đã có nhiều hộ dân làm nhang chuyển sang trộn bột và se nhang bằng máy. Nhờ vậy không những tiết kiệm được chi phí nhân công mà năng suất tăng, nhang làm ra cũng có chất lượng đồng đều hơn so với nhang làm bằng tay. Nhang sản xuất bằng máy với sự đa dạng sản phẩm như nhang thơm, nhang không thơm, nhang ba cây… đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu cũng ngày một nhiều hơn.
Việc áp dụng máy móc vào hỗ trợ sản xuất nhang với một số công đoạn đã được giản lược. Nếu dùng máy đạp bằng chân, người thợ đưa nguyên liệu vào ống, tiếp đến dùng tay đưa thanh tre chuốt mỏng vào rồi dùng chân đạp. Sản phẩm hình thành từ quá trình này chỉ trong thời gian ngắn. Nếu sử dụng máy chạy bằng điện thì người thợ đặt bó tre chuốt sẵn vào rồi kết nối với máy làm nhang (có để bột sẵn), sau đó guồng máy sẽ tự vận hành và tạo ra cây nhang và đưa đi phơi khoảng 1 – 2 ngày. Sản phẩm làm ra từ phương pháp thủ công hay sản xuất bằng máy móc thì đều được đảm bảo thành phẩm tốt nhất, sản phẩm được thị trường chấp nhận và đảm bảo đầu ra.
Việc sử dụng máy móc để sản xuất nhang ở Bình Đức đã trở nên phổ biến nhưng phương pháp truyền thống vẫn được một số hộ lưu giữ. Nhang được sản xuất của mỗi loại sản phẩm là không giống nhau bởi mỗi loại đều có chất liệu sản xuất riêng, nhưng điểm chung toát ra ở nhang trầm, nhang thơm, nhang se, nhang sóc, nhang nêu… là hương dịu nhẹ, thanh tao và ẩn chứa trong đó là ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh đã tạo nên sắc màu độc đáo của làng nghề nhang truyền thống Bình Đức. Các địa phương của đồng bằng sông Cửu Long như: Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… và cả thị trường ngoại quốc như Campuchia đang tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của làng nghề nhang Bình Đức.
Làng nghề là tiềm năng của du lịch An Giang, trong đó có làng nghề se nhang Bình Đức, nhưng đến nay khai thác còn hạn chế, phần đông người làng nghề làm du lịch theo kiểu tự phát, du khách thường tự tìm đến làng nghề chứ ít đi theo tour.
Với những công việc mang bản sắc dân tộc mà đến nay vẫn được lưu truyền như xóm làm lò đất Phú Thọ, đan đát Mỹ An, nghề rèn Phú Mỹ hay làng nghề nhang Bình Đức…, thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại tỉnh An Giang trong thời đại hội nhập ngày nay được đặt ra càng cấp thiết.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế An Giang khi làng nghề truyền thống đã đem lại nguồn thu nhập cao, đặc biệt là khi kết hợp cả sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động sản xuất của làng nghề.
Các sản phẩm làng nghề của An Giang được làm thủ công vô cùng tỉ mỉ và có giá trị thẩm mỹ cao, chuyên cung ứng phân phối trong nước và nước ngoài. Việc tìm hiểu các giá trị văn hóa và mua sắm các sản phẩm đặc trưng truyền thống tại An Giang đã thu hút nhiều khách du lịch đến với các làng nghề truyền thống.
Kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025 đã được tỉnh An Giang ban hành. Tỉnh khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh công nhận ít nhất một làng nghề, thực hiện ít nhất 3 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường, trong đó làng nghề se nhang Bình Đức sẽ tiếp tục được gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh.
Thu Thủy
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”