Tại vùng đất Kon Tum, ngoài cà phê, cao su và cây dược liệu, măng là một nông sản đặc trưng không thể thiếu của vùng đất Tây Nguyên, được người tiêu dùng ở nhiều nơi tin tưởng lựa chọn. Nhiều món ăn từ măng đã ra đời và trở thành đặc sản như măng khô, xôi măng, măng le trộn gỏi. Trồng măng tại Kon Tum còn là một nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tỉnh Kon Tum có địa hình đồi núi, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại măng, vậy nên cây trồng này có thể sinh trưởng và phát triển ở rất nhiều nơi giúp người dân dễ dàng khai thác. Để bảo quản măng tốt và tránh trường hợp măng bị ẩm mốc, người dân đã sáng tạo ra cách chế biến măng tươi thành măng khô, với hương vị thơm ngon và độc đáo. Năm 2020, sản phẩm măng khô của tỉnh đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Một số loại măng nổi tiếng của tỉnh Kon Tum như:
* Măng khô: Chất lượng của măng khô không kém măng tươi, có độ dai, vị hơi ngọt, màu vàng đẹp. Để có được 1 kg măng khô cần khoảng 15 kg măng tươi. Các công đoạn làm ra măng khô khá cầu kỳ: Măng tươi được mang từ rừng về sẽ loại bỏ phần xơ, sau đó gọt, tỉa, ngâm với nước muối và mang đi luộc chín; sau khi măng chín thì cắt theo chiều dọc một cách khéo léo. Cuối cùng, cho măng vào thùng gỗ, ép từ 2-3 ngày cho ráo rồi mới mang đi sấy. Việc sấy măng vô cùng quan trọng, đòi hỏi người thợ phải khéo và có nhiều kinh nghiệm, dùng lò đất để sấy măng, đảo măng liên tục trong 7 tiếng để măng không cháy, chú ý không sấy quá kỹ để măng bị mất đi độ giòn.
* Măng le: Cây le và cây tre có cùng họ. Loại măng này xuất hiện ở rất nhiều nơi tại tỉnh Kon Tum, đặc biệt là huyện Kon Rẩy, Đăk Tô, Đăk Hà hay thượng nguồn sống Đăk Bla. Chủ yếu măng le sinh trưởng tốt vào mùa mưa hàng năm. Đây được xem là loại măng ngon nhất, nổi tiếng với độ mềm, thơm và xốp, mát như thạch; măng đặc ruột, có vị ngọt chứ không chát và đắng như loại măng khác. Măng le là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon như xôi măng, giò heo hầm măng …
Măng khô và măng le không chỉ là món ăn đặc sản của vùng đất Tây Nguyên mà còn mang lại một nghề với thu nhập ổn định cho người dân. Mùa măng về trong khoảng 3 tháng, người dân lại đi làm măng khô, màu măng càng đẹp thì giá thành càng cao, đã có những địa phương doanh thu lên tới 200 triệu đồng. Nghề làm măng khô mang lại giá trị cao, giúp bà con có thu nhập mà không phải đầu tư vốn quá nhiều. Kể từ khi nghề làm măng phát triển, hàng loạt lò sấy đã ra đời, phục vụ cho công việc của người dân.
Hình ảnh măng khô Kon Tum
Hướng phát triển thị trường cho sản phẩm Măng Kon Tum
Trong thời gian tới, để mở rộng thị trường cho măng Kon Tum, tỉnh cần tập trung vào việc phát huy hơn nữa thế mạnh của ngành du lịch trong phát triển các sản phẩm đặc trưng. Theo đó, tỉnh cần có kế hoạch liên kết ngành du lịch với nông nghiệp để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, với một số lưu ý như sau:
- Đầu tư xây dựng các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí ở vùng trồng măng chính để tạo sức lan tỏa, thuận lợi cho khách du lịch vừa thăm quan trải nghiệm vừa thưởng thức trực tiếp đặc sản của địa phương;
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để giới thiệu măng khô, măng le và các món ăn truyền thống, thông qua các hội thảo, triển lãm, các sự kiện giải trí như hội chợ du lịch, lễ hội đường phố, liên hoan ẩm thực truyền thống các dân tộc… Khi được truyền thông mạnh qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành sẽ biết đến sản phẩm nhiều hơn.
Thị Định