Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tranh dân gian Đông Hồ lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt

Tranh dân gian Đông Hồ với lịch sử phát triển rất lâu đời, là ­một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam. Tranh được gìn giữ và phát huy theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống văn hóa, giá trị độc đáo và tinh tế của tranh dân gian Đông Hồ, tạo nên nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.

Làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có nghề làm tranh đã hơn 500 năm, được nhắc đến như cái “nôi” của làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ - một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Tranh dân gian Đông Hồ là ­một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam (bên cạnh tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình, tranh Hàng Trống).

Tranh Đông Hồ với nét tinh hoa của văn hóa dân gian, ra đời gắn với tập tục treo tranh vào ngày tết Nguyên đán, tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Tranh thể hiện bản sắc văn hóa và tập quán xã hội của cộng đồng, được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Với tính độc đáo, đặc sắc từ cách làm giấy, đặc trưng ở chất liệu làm tranh và cách in tranh, cách pha chế màu sắc cho tới mảng đề tài rộng lớn thể hiện những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống quý báu đã cho thấy giá trị của dòng tranh Đông Hồ.

Hình ảnh đàn lợn trong tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh

Tranh Đông Hồ là tranh in từ ván khắc gỗ. Người nghệ nhân sẽ vẽ mẫu rồi dùng ván cắt và khắc lên các bản gỗ ván in nét đen và ván in màu. Các bản ván in đi cùng với nhau tạo thành một bộ, bức tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu ván in. Với tranh bộ, mỗi bộ có bốn bức, mỗi bức có ba, bốn màu, nên mỗi bộ tranh có thể có đến 16 ván.

Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ là phần mầu sắc sử dụng trong tranh đều lấy hoàn toàn từ thiên nhiên, những gam màu cơ bản, không pha trộn như màu đỏ từ sỏi son hay gỗ vang, màu xanh từ lá tràm, màu đen từ than lá tre, màu trắng được lấy từ vỏ điệp…

Tranh dân gian Đông Hồ với màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có, sắc thái của tranh toát lên từ những hình ảnh được thể hiện trên tranh như: đám cưới chuột, đàn gà, đàn lợn, thiếu nữ hứng dừa, các bộ tranh tố nữ, tứ quý, tứ bình… Những hình ảnh thể hiện trong tranh vừa chân chất, gần gũi, vừa sâu sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám, văn hóa, con người Việt Nam.

Tranh Đông Hồ với các đề tài và nội dung phong phú, đa dạng qua cách thể hiện chủ yếu được đưa vào tranh như: Lịch sử ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh những chiến công hiển hách trong quá trình dựng nước và giữ nước; tranh thờ vẽ theo lễ giáo, phong tục, câu đối; tranh cảnh vật nói về lòng yêu quê hương, đất nước; tranh sinh hoạt phản ánh công việc đồng áng; chúc tụng thể hiện mơ ước ngàn đời của người lao động…

Phổ biến nhất trong tranh Đông Hồ là tranh tâm linh (bộ Ngũ sự, Vũ Đinh – Thiên Ất, Thổ công – Táo quân…); Tranh lịch sử (Thánh Gióng, Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi…); Truyện tranh (Truyện Kiều, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên…); Tranh chúc tụng; Tranh sinh hoạt (các bức Hứng dừa, Đánh ghen, Mục đồng thổi sáo, Đám cưới chuột…).

Mỗi bức tranh Đông Hồ đều mang những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn. Cùng với việc hoà nhập để bắt kịp những xu thế hiện đại, làng tranh vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi, mang ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ một di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của dân tộc.

Với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, tranh dân gian Đông Hồ có lịch sử phát triển rất lâu đời, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Tranh Đông Hồ đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đi vào văn chương, thi ca, nhạc, họa, tạo nên nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.

Xây dựng, giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc từ làng tranh Đông Hồ là vô cùng cần thiết. Phát triển nghề làm tranh Đông Hồ để những nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được sống trong thời kì hiện đại ngày nay, đồng thời góp phần xây dựng một thương hiệu văn hoá tiêu biểu để quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam ra với thế giới.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, gìn giữ những giá trị nổi bật của làng nghề tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ có sự thu hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài. Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lịch sử gắn với làng nghề, điển hình là du lịch làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện dự án nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch cộng đồng về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ. Tỉnh cũng sẽ đưa khu trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ trở thành điểm du lịch kết nối tinh hoa di sản tới du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cao chất lượng xây dựng tour đến tham quan, tìm hiểu làng tranh Đông Hồ, tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn cho các sản phẩm tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ tranh Đông Hồ; Tăng cường hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới trường học, thị trường quốc tế; nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ đối tượng khách du lịch dựa trên phương pháp tạo hình dân gian truyền thống … Từ đó, tỉnh phát huy và gìn giữ những giá trị nổi bật của làng nghề, đồng thời có những phương hướng để tránh nguy cơ mai một của dòng tranh dân gian này.

Vào năm 2013, nghề tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. UNESCO đang trong quá trình xem xét xếp nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024, điều này sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật của làng nghề, làng tranh Đông Hồ sẽ ngày càng phát triển và điểm tô thêm màu sắc cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam.

Hồng Thanh 

Liên kết website