Thứ Ba, 13/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Thái Nguyên bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Thái Nguyên là một tỉnh trung tâm của trung du và miền núi Bắc Bộ với nhiều làng nghề truyền thống. Bên cạnh việc bảo tồn, các làng nghề đã luôn tìm hướng đi mới để sản phẩm ngày càng vươn xa hơn trên thị trường, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 – 2030. Các sở, ban ngành của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai các văn bản hướng dẫn, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và hộ dân sống trong làng nghề.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 277 làng nghề được công nhận (184 làng nghề truyền thống và 93 làng nghề). Làng nghề chè chiếm chủ yếu, có tới 256 làng nghề, 07 làng nghề chế biến nông sản, 11 làng nghề đồ gỗ - mỹ nghệ và 03 làng nghề sinh vật cảnh. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, việc phát triển các làng nghề còn đóng góp giá trị to lớn trong giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch tỉnh Thái Nguyên, thông qua việc thu hút khách tham quan tới thăm các làng nghề truyền thống. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ làng nghề; phấn đấu công nhận mới 12 làng nghề; có trên 70% làng nghề hoạt động hiệu quả; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được phân hạng OCOP...

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng nghề chè Tân Cương:

Vùng chè Tân Cương nay nổi tiếng với thương hiệu "Chè Tân Cương", có tổng diện tích hơn 1.500 ha, sản lượng hơn 20 nghìn tấn/năm, trồng tập trung chủ yếu ở ba xã gồm: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân.

Thành phố Thái Nguyên đã chính thức công bố Quyết định đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” vào tháng 4/2023. Trước đó, tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về việc công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” cho các xã thuộc vùng chè Tân Cương.  

Chè Tân Cương là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh nghề truyền thống trên những đồi chè xanh bạt ngàn, hiện nay nhiều cơ sở mở thêm các dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú tạo thành những khu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà. Một số mô hình tiêu biểu là Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt…

Giá trị thương hiệu của chè Tân Cương nói riêng và chè Thái Nguyên góp phần quan trọng để thu hút khách du lịch. Vùng chè Tân Cương nổi tiếng lại gần trung tâm thành phố nên hầu như du khách đến Thái Nguyên đều muốn trải nghiệm nơi đây. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây phát triển tốt, tạo thành sản phẩm hấp dẫn nhiều du khách. Nhằm bảo vệ thương hiệu "chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương", thời gian qua thành phố Thái Nguyên đã có đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021- 2025”. Theo nội dung đề án, đến năm 2025 diện tích vùng chè đạt 1.700 ha, năng suất chè búp tươi 155 tạ/ha, giá trị thu nhập đối với mỗi ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó là trồng thay thế và trồng mới ít nhất 300 ha chè trung du, phấn đấu diện tích chè trung du đạt trên 30% tổng diện tích.

Hình ảnh đồi chè Tân Cương

Thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên chính là các sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP. Từ khi chè Thái Nguyên được áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu từ các giống chè có năng suất cao, quy trình chăm sóc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP giá bán đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân làm nghề chè.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu:

Bánh chưng Bờ Đậu là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Làng nghề làm bánh chưng Bờ Đậu, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách trung tâm thành phố 8 km. Điểm làm bánh tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, nơi đây là điểm tiếp giáp nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với tuyến Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái.

Thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cũng đã được biết đến rộng rãi, dịp cận Tết là thời gian người dân ở đây bận rộn nhất. Tất cả bánh chưng tại làng nghề đều được gói bằng tay, vào dịp gần Tết cả làng nghề có thể đạt doanh số 1 vạn bánh mỗi ngày. Vì nằm gần đường quốc lộ nên rất nhiều du khách, xe du lịch đi qua dừng lại để mua bánh chưng Bờ Đậu về ăn và làm quà.

Làng nghề làm bánh chưng Bờ Đậu với gần 100 hộ dân, trải qua gần 60 năm sản xuất bánh làng nghề đã luôn chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất, có mã QR và đang phấn đấu đạt sản phẩm OCOP.

Để tiếp tục mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch, làng nghề sẽ tổ chức các cuộc thi ngày hội làm bánh kết nối với các Công ty, doanh nghiệp du lịch để quảng bá mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Kim Lĩnh

Liên kết website