Thứ Tư, 16/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Lai Châu đẩy mạnh phát triển sâm trở thành sản phẩm chủ lực

Ngày đăng: 12/08/2024
Lượt xem: 401

Sâm Lai Châu có tiềm năng lớn trong nghiên cứu, sản xuất thuốc dược liệu và ngành mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm ngừa lão hóa bởi khả năng chống oxy hóa cao. Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ đầu tư cơ sở sản xuất giống, xây dựng thêm nhà máy chế biến chuyên sâu, mở rộng vùng trồng sâm để nâng cao giá trị kinh tế từ cây dược liệu.

Lai Châu là tỉnh miền núi, theo thống kê tổng diện tích rừng khoảng 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,44%, có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái, Lai Châu có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế gắn với phát triển dược liệu. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm như thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Đây chính là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế cao.

Sâm Lai Châu còn có tên gọi khác là tam thất Mường Tè, tam thất đen, tam thất đỏ, là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa Đông. Sâm được phân bố trên núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp và có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh.

Hình ảnh sâm Lai Châu

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, sâm Lai Châu có giá trị cao với hàm lượng saponin cao so với các loại sâm khác (52 saponin), đồng thời có chứa hoạt chất mang tên Majonosid R2 - MR2 lên tới 50% hàm lượng saponin toàn phần. Sâm Lai Châu không chỉ có tiềm năng trong nghiên cứu thuốc mà còn có tiềm năng lớn trong ngành mỹ phẩm nói chung và mỹ phẩm ngừa lão hóa nói riêng bởi khả năng chống oxy hóa cao.

Sâm Lai Châu được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, gây trồng tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Đây là cơ hội giúp các hộ dân vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới Lai Châu từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới

Theo thống kê, tỉnh Lai Châu có khoảng 38.000 ha có khả năng phát triển tốt cho cây sâm. Hiện tỉnh cũng đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100 ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân… đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Lai Châu định hướng phát triển một số cây dược liệu hàng hóa diện tích trên 250 ha, ưu tiên phát triển cây hà thủ ô đỏ, đảng sâm, đương quy, xuyên khung, actiso…, trồng tập trung tại một số xã vùng cao như Giang Ma, Khun Há, Hồ Thầu huyện Tam Đường; Sà Dề Phìn, Làng Mô, Thị trấn… huyện Sìn Hồ; Mường Khoa, Hố Mít, Trung Đồng huyện Tân Uyên; xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Dào San,… huyện Phong Thổ. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Lai Châu định hướng phát triển trên 600 ha với vùng trồng sâm Lai Châu, thất diệp Nhất chi hoa, lan kim tuyến 20 ha, còn lại là ưu tiên các loài cây như hà thủ ô đỏ, đảng sâm, đương quy, xuyên khung, actiso…

Tỉnh Lai Châu xác định cây sâm là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Do đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và xây dựng bản đồ vùng thích hợp trồng sâm Lai Châu của tỉnh, đồng thời đề xuất các nội dung tham gia vào Chương trình phát triển sâm Việt Nam và xây dựng kế hoạch phát triển sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000 ha (2.700 ha dưới tán rừng phòng hộ, 287 ha dưới tán rừng sản xuất, 13 ha trên đất nông nghiệp khác) và hướng đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000 ha, đưa tổng diện tích sâm Lai Châu của tỉnh lên 10.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3.000 ha, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu… Đến năm 2045, xây dựng thêm nhà máy chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm.

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu, UBND tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích việc tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung. Đồng thời, thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, phù hợp với từng giai đoạn, với những mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.

Thúy Hà

Tin liên quan
Liên kết website