Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hướng tới xuất khẩu bền vững nông sản Yên Châu tỉnh Sơn La

Kết quả chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ở Sơn La đang mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tỉnh Sơn La đã tạo được môi trường giúp doanh nghiệp đồng hành cùng người nông dân định hình trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở huyện Yên Châu. Các sản phẩm nông sản của huyện như xoài, nhãn, chuối, thanh long ruột đỏ… đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn và đây cũng là mục tiêu được hướng tới trong năm 2019. Trong đó, huyện Yên Châu là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Các sản phẩm đặc sản của huyện Yên Châu Sơn La

Sản xuất nông nghiệp ở Yên Châu Sơn La hiện nay so với trước đây đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với các loại cây trồng chủ lực: Xoài, mận hậu, nhãn, chuối, mía, tỏi..., nâng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác lên 38 triệu đồng/ha. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân trong huyện trên bước đường hội nhập kinh tế.

Theo kế hoạch “Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đến năm 2020, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu trồng 3.000 ha cây ăn quả các loại theo hướng xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Huyện Yên Châu có 35.143 ha đất sản xuất nông nghiệp. Một trong các hình thức kết hợp là trang trại hợp tác xã, khu nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức sản xuất có sự gắn kết từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ; nâng quy mô và đa dạng hóa các phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng đối với các sản phẩm có thế mạnh như: Xoài, nhãn, mận hậu, chuối... Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nhân dân các xã; nhân rộng một số mô hình cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình ghép nhãn chín muộn tại xã Lóng Phiêng; xoài ở xã Chiềng Hặc, Tú Nang...; mận hậu xã Phiêng Khoài, Yên Sơn...

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng giống mới (cây ghép) có năng suất, chất lượng cao, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Trong đó, các cây xoài, nhãn, chuối tập trung phát triển tại các xã vùng thấp, dọc quốc lộ 6; mận hậu phát triển tại các xã vùng cao, biên giới. Đặc biệt đã thành lập 28 hợp tác xã trồng cây ăn quả, 3 hợp tác xã trồng rau xanh các loại.

Trong sản xuất, quan tâm đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, với 10 ha được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; 125,6 ha sản xuất theo quy trình VieGAP (117,5 ha cây ăn quả và 8,1 ha rau xanh)... Cùng với đó, huyện tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, bước đầu hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quả tại một số siêu thị ở Hà Nội, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm xoài Yên Châu với thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm xoài VietGap tại huyện Yên Châu

Năm 2017, huyện Yên Châu có 4.638 ha cây ăn quả các loại (2.025 ha đã cho thu hoạch), sản lượng đạt 15,750 tấn quả. Trong đó, 1.162 ha xoài, gồm 7 giống xoài địa phương: Xoài tròn, xoài hôi, xoài mút, mắc trai, xoài trứng, xoài dài, xoài tiền và xoài lai như: xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài Úc. Riêng xoài tròn Yên Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chỉ dẫn địa lý từ ngày 30/11/2012.

Yên Châu là một trong những huyện có sản lượng xoài lớn của tỉnh Sơn La. Vụ xoài năm 2017, Yên Châu có hơn 6 tấn xoài được xuất khẩu sang Australia. Sản phẩm xoài của huyện còn đi vào được các siêu thị ở thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... Vụ xoài năm 2018 có 650 ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 3.200 tấn quả, trong đó 950 tấn thuộc chuỗi sản xuất quả an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xoài tròn Yên Châu nổi tiếng với hương vị đặc trưng thơm ngọt đậm đà, vỏ xanh vàng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu. 

Là cây ăn quả gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử phát triển nghề làm vườn lâu đời của nhân dân các dân tộc ở Yên Châu, quả của cây xoài tròn có vị ngọt đậm đà, hương thơm đặc trưng, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa hai giống xoài tròn và xoài hôi của huyện Yên Châu vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn, phát triển.

Mặc dù xoài tròn được đánh giá là ngon, nhưng xoài đa số được trồng tự nhiên từ những năm 1976-1982, trồng rải rác, không được chăm sóc, chủ yếu là những cây cổ thụ, một số cây đã thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm, quả nhiều xơ, sâu bệnh, nhất là bệnh thối quả, sâu đục thân; cây có tán cao khó khăn trong việc chăm sóc và thu hái.

Năm 2017, huyện Yên Châu đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, các viện nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở Trung ương triển khai công tác “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”, trong phạm vi 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán và Sặp Vạt.

Huyện đã triển khai các bước như điều tra kỹ thuật trồng xoài của người dân, xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, thời vụ trồng; kỹ thuật bón phân, tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giống trồng. Đồng thời, đánh giá chất lượng quả, tình hình sâu bệnh hại, sự sinh trưởng, phát triển cây xoài tròn, diện tích, các thông tin về thị trường tiêu thụ, thương hiệu xoài tròn Yên Châu...

Huyện đã tuyển chọn được 19 cây xoài tròn đầu dòng trong vùng chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, tiến hành ghép 350 cây xoài có tuổi thọ từ 5-15 năm, hiện các cành ghép đang phát triển tốt. Đến nay, đã triển khai mô hình trồng mới giống xoài tròn; ươm 5.000 cây giống xoài tròn đã ghép cành từ giống đầu dòng qua tuyển chọn. Theo đó, tiến hành trồng mới 800 cây (tương ứng khoảng 2 ha).

Với việc triển khai thực hiện công tác “bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”, sẽ góp phần giữ gìn giống xoài tròn Yên Châu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu xoài tròn Yên Châu trên thị trường. Đồng thời, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Về áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm chế biến, công ty cổ phần Rượu Việt - Pháp, Tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu, đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu chuối và chuối sấy dẻo quy mô lớn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn từ chuối. Đây là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện chế biến chuối thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty cổ phần Rượu Việt - Pháp đã liên kết với các hộ nông dân ở hai xã Chiềng Hặc và Sặp Vạt, cung ứng 20.000 cây giống trồng trên 10 ha đất để thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Cây chuối giống được Viện Nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ giống chuối bản địa, có ưu điểm sạch bệnh và cho năng suất cao hơn so với cây giống chia tách theo phương pháp truyền thống.

Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chuối cho người dân, góp phần ổn định giá cả, tránh để bà con bị tư thương ép giá. Chuối được thu mua theo buồng, chín tự nhiên trong nhà kho. Để có được vị chuối sấy thơm ngon, phải chọn quả chuối đủ già, quả to, tròn cạnh, rụng hết râu. Công nhân sơ chế bằng cách lột vỏ, cắt bỏ đầu ruồi trước khi sấy. Chuối được xếp vào khay (khoảng 4 kg), rồi đem sấy hơi hoặc sấy điện ngay sau khi sơ chế. Khi chuối sấy lên mật, dẻo dính, thơm và ngọt, đóng gói chân không để tăng thời gian bảo quản lên 6 tháng.

Công ty đã đầu tư 3 lò sấy chuối bằng điện thay thế lò sấy bằng hơi trước đây, cũng nhờ đó đã rút ngắn thời gian mỗi mẻ sấy từ 20 giờ đồng hồ xuống còn 15 giờ đồng hồ. Trung bình một ngày chế biến 1,5 tấn chuối tươi, tương đương với 3 tạ chuối sấy dẻo. Sản phẩm chuối sấy dẻo của Công ty được đóng bao bì, đảm bảo chất lượng, xuất ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, mang thương hiệu “Chuối sấy dẻo Yên Châu”, trọng lượng 250g/gói, bán với giá 19.000 đồng/gói. Bình quân một năm, công ty xuất ra thị trường trên 100 tấn chuối sấy dẻo. Đối với 368 ha chuối đã cho sản phẩm được trồng ở các xã: Viêng Lán, Sặp Vạt, Chiềng Hặc, Tú Nang và Lóng Phiêng. Sản lượng bình quân đạt 4.054 tấn chuối quả/năm, trong đó khoảng 10% sản lượng quả thu mua để chế biến chuối khô, chuối ép dẻo, rượu chuối...

Ngoài xoài và chuối, Yên Châu có 1.162 ha nhãn  (trên 1.000 ha nhãn ghép), trong đó 437 ha đã được thu hoạch. Trong năm 2017, huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I khảo sát đánh giá cấp mã số vùng trồng cho 13 ha nhãn. Năm 2018 huyện đề nghị khảo sát cấp mã số vùng trồng 72 ha cho 2 hợp tác xã (HTX nông nghiệp Phương Nam 51 ha, HTX Thanh Sơn 21 ha), đủ điều kiện để xuất khẩu.

Riêng vùng trồng mận hậu của Yên Châu gồm 1.428 ha (596 ha đã thu sản phẩm), tập trung ở các xã: Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Phiêng Khoài, Chiềng On, Yên Sơn, sản lượng mận đạt 6.123 tấn, thu nhập bình quân trên 1 ha đất trồng mận đạt 124 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm mận quả đã nằm trong chuỗi quả an toàn để xuất khẩu, tạo cơ hội cho các hộ trồng mận vươn lên làm giàu.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng sản xuất mía nguyên liệu với 1.635 ha, tại Yên Sơn, Phiêng Khoài, Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Hặc... Đây là cây trồng duy nhất của huyện sản xuất theo hình thức liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm trực tiếp với các hộ nông dân.

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện  Yên Châu đã mang lại đa lợi ích cho người dân. Trong đó, được tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2018, huyện Yên Châu phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh cấp thêm 3 mã số vùng trồng với diện tích 33 ha cho 3 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện, nâng tổng số diện tích mã số vùng trồng lên 40 ha, địa điểm tại xã Chiềng Hặc và xã Tú Nang, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường khó tính và các thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp khác nhau đã phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Yên Châu chuẩn bị vùng nguyên liệu, xuất khẩu 20 tấn xoài sang thị trường Úc; 400 tấn sang thị trường Trung Quốc và bán chào hàng 1 tấn xoài tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Kỳ vọng trong năm 2019, con số xuất khẩu này sẽ còn được đẩy tăng hơn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Nguồn: VITIC

Liên kết website