Thứ Sáu, 25/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đưa chè Phú Thọ ra thế giới

Ngày đăng: 20/09/2018
Lượt xem: 961
Với lợi thế và điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển các mặt hàng nông sản phong phú, đa dạng, những năm gần đây, nông sản của Phú Thọ, đặc biệt là mặt hàng chè đã được tỉnh đầu tư quan tâm về mặt kỹ thuật, nguồn giống, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường. Tuy nhiên xuất khẩu chè khô các loại của Phú Thọ mới chiếm khoảng 1/7 tổng sản lượng chế biến chè khô của tỉnh, điều này cho thấy xuất khẩu chè của Phú Thọ vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Phú Thọ là tỉnh có nhiều vùng địa hình khác nhau, khí hậu đa dạng nên hình thành nhiều tiểu vùng sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.

  Nhiều địa phương đã hình thành các sản phẩm có tính hàng hóa cao được cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, RAT, GMP, HACCP, ISO... như bưởi đặc sản Đoan Hùng, chè sản xuất theo quy trình an toàn tại Thanh Sơn, các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá lồng, rau an toàn tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba, Hạ Hòa, các huyện Tam Nông, Thanh Thủy...

Phú Thọ được coi là một trong những “cái nôi” của ngành chè Việt Nam

Cây chè Phú Thọ được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và là cây trồng chủ lực giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

  Nhằm phát huy lợi thế, hiện nay tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp đưa ngành chè Phú Thọ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường.

  Trước đây, Phú Thọ chỉ chú trọng sản xuất chè nguyên liệu phục vụ sản xuất chè đen, nhiều khi bỏ ngỏ thị trường nội tiêu, ở vùng chè nhưng nhiều người vẫn uống chè Thái Nguyên, Hà Giang..., nhưng đến nay, chè xanh Phú Thọ đang được nhiều người tin dùng.

 Trên địa bàn tỉnh có 17 làng nghề chế biến chè giải quyết việc làm cho 2 nghìn lao động. Tổng doanh thu của các làng nghề chè đạt trên 92 tỷ đồng. Tại một số làng nghề đã hình thành các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp sản xuất chè xanh. Một số làng nghề đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Chè xanh của Làng nghề Chè Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh và Chè an toàn thuộc làng nghề chế biến chè Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn. Sản phẩm chè xanh Phú Thọ đang dần chiếm lĩnh thị trường.

 Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 16.181ha chè. Năm 2017, năng suất chè đạt 109,4 tạ/ha, sản lượng 170,15 ngàn tấn; năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 103,68 tạ/ha (năng suất của các doanh nghiệp là 137,11 tạ/ha, năng suất của các hộ dân là 90,9 tạ/ha). Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao chiếm khoảng 71,5% tổng diện tích, cơ cấu giống khá đa dạng. Tổng diện tích chè được chứng nhận an toàn đạt 4.000 ha gồm các chứng nhận VietGAP, Rainforest Alliance, UTZ…

Mở rộng xuất khẩu chè Phú Thọ

 Tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vươn lên đứng thứ 4 cả nước về diện tích và đứng thứ 3 về sản lượng chè.Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020 có diện tích áp dụng các quy trình sản xuất chè bền vững đạt khoảng 50%; đảm bảo tỷ lệ sản xuất chè xanh từ 15% lên trên 30%…Đây là cơ hội lớn và tiềm năng cho việc đưa chè Phú Thọ ra thế giới khi nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen, chè ô long, chè thảo dược, chè Hà Trang… của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh.

 Đặc biệt, nhu cầu chè tại một số nước tăng mạnh là cơ sở cho việc xuất khẩu chè Phú Thọ ra thế giới. Như tại Pakistan, với mức tiêu thụ chè bình quân đầu người là 1kg/năm, Pakistan là một trong những nước tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, sau Úc (2,7kg chè/người/năm), Iran (2,4kg chè/người/năm), Thổ Nhĩ Kỳ (2,15kg chè/người/năm) và Xri Lan-ca (1,45 kg chè/người/năm). Để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, Pakistan phải nhập khẩu chè từ bên ngoài. Năm 2017, Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới.

  Năm 2017, Việt Nam là nguồn cung chè lớn thứ 5 vào Pakistan, chỉ sau Kenya, Rwanda, Ấn Độ và Burundi. Đây là một trong những lợi thế của Việt Nam với các đối thủ khác là Trung Quốc (đứng vị trí thứ 9 khi cung cấp chè vào Pakistan), Indonesia (đứng thứ 7) khi cung cấp chè vào Pakistan. Đây cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu chè của tỉnh Phú Thọ.

Hàng năm, sản lượng chế biến chè khô các loại của tỉnh Phú Thọ đạt khoảng 54.000-55.000 tấn, trong đó có khoảng 8.000 tấn chè khô xuất bán trực tiếp ra nước ngoài, còn lại bán qua các doanh nghiệp trong nước. Có thể thấy Phú Thọ hoàn toàn có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chè ra thế giới, sản lượng xuất khẩu có thể tăng trên 10.000 tấn/năm, khi nhu cầu tiêu thụ chè từ các thị trường nhập khẩu đều tăng qua hàng năm như Anh, Mỹ, Pakistan,…

  Mở rộng xuất khẩu giúp giá trị các sản phẩm ngành chè được tăng lên, tuy nhiên ngành chè của tỉnh Phú Thọ vẫn đang gặp phải không ít khó khăn như các doanh nghiệp chế biến chè còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, vì phần lớn các cơ sở chế biến hiện nay không có vùng nguyên liệu trồng theo quy hoạch chè an toàn. Hiện tại, vùng nguyên liệu trong tỉnh cũng mới chỉ đáp ứng 52% nhu cầu nguyên liệu; số nguyên liệu còn lại, phải thu mua tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang…

  Ngoài ra, do không đủ nguyên liệu để sản xuất nên không đáp ứng được công suất dẫn tới tình trạng thu mua nguyên liệu ở ngoài vùng quy hoạch; sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ; chưa xây dựng thương hiệu, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm; việc mở rộng diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn còn chậm, đặc biệt đối với diện tích do hộ nông dân quản lý…

  Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tỉnh cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị.

  Do đó, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn thì tỉnh Phú Thọ cần triển khai xây dựng các mô hình sản xuất chè nhằm nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và nên tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Cần đặc biệt chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, sản phẩm chè xuất khẩu ngày càng đòi hỏi yêu cầu gắt gao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc triển khai mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là đòi hỏi tất yếu. Ở Phú Thọ các mô hình sản xuất chè an toàn thuộc Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) đạt hiệu quả cao đang xuất hiện ngày càng nhiều tại khắp các vùng trọng điểm sản xuất chè của tỉnh như Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn... 

  Áp dụng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phương hướng cụ thể phát triển thị trường chè

 Để có cái nhìn chính xác và tổng quát nhất về thị trường cung- cầu của sản phẩm chè cả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp cũng nên đầu tư vào mảng nghiên cứu thị trường. Từ đó có phương hướng, kế hoạch cụ thể để phát triển thị trường chè. Trong đó, duy trì và củng cố thị trường tiêu thụ trong nước để giảm áp lực về chỉ tiêu xuất khẩu; đồng thời cần đẩy mạnh xuất khẩu chè tinh, giảm xuất khẩu chè thô để tăng giá trị xuất khẩu.

 Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm, tính chất và nhu cầu của từng thị trường để hạn chế rủi ro và phải đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm của mình trước khi đưa ra nước ngoài, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với các thị trường truyền thống.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ hiện nay là tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất toàn diện; củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh phát động chiến dịch phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai hoang phục hóa, trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, đã được coi là cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất của tỉnh, hàng loạt các giống lúa, ngô mới năng suất cao được mở rộng diện tích; các giống lúa mới ngắn ngày năng suất cao (nông nghiệp 8, nông nghiệp 5, dòng IR...) được gieo trồng vụ mùa, thu hoạch sớm mở ra khả năng hình thành vụ Đông là vụ thứ 3 trong năm. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW, Nghị quyết 10-NQ/TW của Trung ương vào thực tiễn sản xuất đã hình thành nên một số vùng chuyên canh như vùng lương thực trọng điểm, vùng chè, nguyên liệu giấy, các tiểu vùng cây ăn quả và hàng ngàn ha đất trống đồi núi trọc được phủ xanh.

  Quy hoạch diện tích trồng chè an toàn để có sản phẩm chè an toàn cung cấp ra thị trường, căn cứ nhu cầu thị trường để phát triển nghề chè. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp về mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về phát triển làng nghề.

  Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, chất lượng hàng hóa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, nâng cao giá bán sản phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo lên vị thế riêng của thương hiệu chè.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website