Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hà Giang: Hướng cây cam làm kinh tế chủ lực

Cam sành là một trong 6 sản phẩm đặc thù trong ’Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020’ và là sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của 3 huyện trồng cam; do đó, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh chỉ đạo từ khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản và tiêu thụ cam sành trong niên vụ 2017 – 2018. Những năm gần đây, Hà Giang đã quan tâm khôi phục và phát triển cây cam, nâng cao chất lượng và không ngừng quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cam sành Hà Giang là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Giang. Được thừa hưởng khí hậu thuận lợi, những cây cam ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt cho ra những trái ngon đặc trưng của vùng núi. Cam sành Hà Giang được xác định là cây mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, làm giàu cho nhiều hộ gia đình, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Các xã Tiên Kiều, Việt Hồng, Vĩnh Hảo vốn là những xã được trồng nhiều cam sành nhất. Từ những hộ trồng đơn lẻ, ngày nay nhiều nhà đã trồng loại cam đặc sản này, và cam sành Bắc Quang trở thành một loại cây đem lại nguồn kinh tế cao cho người dân vùng cao nguyên này.

Cam sành Bắc Quang thường cho nhiều quả to, tròn, tuy nhìn vỏ bề ngoài sần sùi nhưng bên trong lại mọng nước và vị ngọt thanh tự nhiên. Loại cam này có cùi rất dày, có thể để đến hơn nửa tháng mà không bị hư hại. Cam sành cũng vì thế mà trở thành đặc sản nức tiếng, hương vị độc đáo, thơm lừng không lẫn được với bất kỳ giống cam sành nào khác.

Cây cam sành có đặc tính ưa đất vùng núi với khí hậu mát mẻ, chúng dễ sinh trưởng ở những vùng này. Vì vậy, cùng với Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang trở thành vùng trồng cam sành chủ chốt.

Nhờ khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng không giống bất kỳ vùng nào khác trên cả nước, lượng mưa ở Bắc Quang rất đều đặn và lớn, do vậy cây cam sành dễ dàng thích ứng, sinh trưởng và phát triển mạnh.

Cây cam Sành đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của các hộ gia đình nói riêng và sản suất nông nghiệp của huyện Bắc Quang nói chung. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm (từ 2005 – 2011), diện tích cam Sành của huyện Bắc Quang đã bị suy giảm nhanh chóng do dịch bệnh (giảm 2.468,3 ha), tính đến cuối năm 2011 chỉ còn 1.078,7 ha.

Năm 2012, thực hiện Đề án Phục hồi và Phát triển cam quýt của tỉnh, UBND huyện Bắc Quang đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phục hồi và phát triển cây cam Sành.

Từ năm 2012 đến cuối năm 2017 (sau hơn 6 năm phục hồi và phát triển cam Sành theo tiêu chuẩn VietGap) diện tích cam Sành của huyện Bắc Quang đã đạt gần 4.200 ha (tăng gần 3.122 ha so với năm 2011), trong đó diện tích cho thu hoạch đạt trên 3.000 ha.

Theo thống kê, diện tích cam niên vụ 2017 - 2018 tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên thuộc vùng chỉ dẫn địa lý của Hà Giang là 8.963,1 ha. Trong đó, diện tích cam sành cho thu hoạch 4.327 ha, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 2.776 ha.

Sản lượng ước đạt 44.000 tấn, trong đó sản lượng cam sành VietGAP đạt 34.000 tấn. Qua khảo sát, năng suất các vườn cam VietGAP đạt trung bình 12 - 15 tấn/ha. Một số vườn được đầu tư chăm sóc tốt, đang trong thời kỳ thu hoạch ổn định (8-10 năm tuổi), năng suất đạt tới 25 - 30 tấn/ha.

Cùng với sự phát triển về diện tích, năng suất cam Sành của huyện Bắc Quang cũng tăng đáng kể, từ 68 tạ/ha vào năm 2011 lên 100 tạ/ha vào vụ thu hoạch niên vụ 2017 - 2018; cá biệt, có vườn cam của hộ gia đình ở xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang cho năng suất đạt trên 120 tạ/ha.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác thì năng suất và chất lượng của cam Sành của huyện Bắc Quang còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Trong niên vụ 2017 - 2018, tổng diện tích cam sành của Hà Giang ước đạt khoảng 8.850 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt trên 4.500 ha và sản lượng ước đạt 48.000 tấn (tăng từ 40 đến 50% sản lượng so với niên vụ 2016 -2017).

Diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP là 2.768,6 ha, trong đó có 38 cơ sở trồng cam với 1.540,7 ha diện tích cam đã được cấp Giấy chứng nhận; diện tích cam sành đang được triển khai áp dụng quy trình sản xuất để đánh giá, cấp chứng nhận trong tháng 11/2017 là 1.236 ha của 22 cơ sở trồng cam.

Bắc Quang là huyện có diện tích và sản lượng cam Sành lớn nhất của tỉnh. Vì vậy, UBND huyện Bắc Quang sẽ tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện trong quá trình phục hồi và phát triển cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng chính là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế nhằm khẳng định vị thế của cây cam Sành trên địa bàn của huyện Bắc Quang.

Với định hướng trong phát triển cây trồng mũi nhọn của tỉnh theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, cam Sành của Hà Giang nói chung và cam Sành của huyện Bắc Quang nói riêng đã lấy lại vị thế trên thị trường nhờ vào phục hồi và phát triển cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thực trạng

Trước đây, khi chưa có chỉ dẫn địa lý, sản xuất không theo tiêu chuẩn VietGAP, cam tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, cam có chất lượng tốt hơn, hình thức, mẫu mã đẹp hơn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn, giá bán cũng cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Năm 2015, khi chưa có chỉ dẫn địa lý, giá cam chỉ đạt 15.000-16.000 đồng/kg; năm 2016, khi có chỉ dẫn địa lý, có thời điểm giá lên tới 28.000 - 30.000 đồng/kg. Giờ đây, cam đã vào các siêu thị của các thành phố lớn, kéo theo thu nhập của người trồng cũng tăng, cam được xem là cây làm giàu, có hộ doanh thu lên tới 5 tỷ đồng/năm.

Do giá trị kinh tế của cây cam rất cao, trong vòng 3 năm trở lại đây, người dân đua nhau trồng cam dẫn đến sự phát triển ồ ạt. Bà con một số địa phương nhanh chóng mở rộng diện tích mà chưa tính đến điều kiện đất đai, nên dẫn đến tình trạng cam Vinh đưa xuống ruộng chết do ngập úng hoặc thời gian cho quả rất ngắn; việc tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Cam Bắc Quang có mặt tại các tỉnh như: Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; nhưng chủ yếu bán trực tiếp cho khách hàng và thương lái nên giá cả không ổn định và phụ thuộc vào từng thời điểm thu mua.

Địa bàn có diện tích cam lớn thứ 2 của huyện Bắc Quang là xã Vĩnh Phúc, với 964 ha, chủ yếu là cam Sành và cam Vinh. Những hộ trồng cam có quy mô từ 0,5 ha trở lên đều có thu nhập ổn định.

Chủ trương của xã không khuyến khích người dân đưa cây cam Vinh xuống ruộng, trừ những hộ có ruộng nhưng thiếu nước và nằm trong vùng quy hoạch; tuy nhiên, bà con vẫn trồng tự phát, dẫn đến bị úng nước.

Theo kế hoạch năm 2018, xã chỉ trồng mới 28 ha cam, nhưng diện tích này đã tăng lên 50 ha và vượt chỉ tiêu. Với 580 ha cam đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.500 tấn; khoảng 4 năm nữa, sản lượng sẽ cao gấp đôi; nếu thị trường tiêu thụ không ổn định, chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên và dựa theo những nội dung cụ thể trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của UBND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Bắc Quang đã xác định quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây chủ lực có thế mạnh; qua đó, rà soát lại diện tích cây có múi phát triển nóng, không theo quy hoạch, phát triển trên diện tích đất không phù hợp; tiến hành chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp có hiệu quả cao hơn.

 Vùng sản xuất cam tại 8 xã có nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả có múi gồm: Tân Thành, Đông Thành, Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng, Đồng Tâm. Thực hiện quy hoạch, sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân trong vùng.

Đến năm 2025, dự kiến giá trị sản xuất cây có múi của huyện đạt trên 796 tỷ đồng; tổng diện tích khoảng 6,1 nghìn ha, với cơ cấu cam Sành chiếm 54,47%, cây có múi theo hướng VietGAP đạt 83%; sản lượng đạt trên 72,6 nghìn tấn; và đến năm 2030, sản lượng đạt khoảng 75,1 nghìn tấn.

Các giải pháp để hướng cây cam làm kinh tế chủ lực

Các giải pháp cần tập trung thực hiện quy hoạch vùng cây có múi liên quan đến đất đai, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông và cơ chế, chính sách,… Huyện chủ trương trồng dặm, thay thế, bổ sung những diện tích cam; đặc biệt diện tích cam Sành già cỗi để phát triển ổn định vùng cam.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và nông thôn; liên doanh liên kết, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là những tiền đề quan trọng để tạo bước đột phá cho việc phát triển cây cam.

Nhằm giữ vững thương hiệu cam Sành, huyện thực hiện hỗ trợ 100% cho các tổ chức, cá nhân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap; tiếp tục khuyến khích thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Hiệp hội cam Sành, Chi hội Nghề nghiệp trồng cam để tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa người trồng cam với các chuyên gia; tháo gỡ những khó khăn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.

Lựa chọn 01 tổ công tác có kinh nghiệm nhằm tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cam từ khi giai đoạn đầu đến khi vào vụ thu hoạch, kỹ thuật thu hoạch cam, kỹ thuật bảo quản cam sau thu hoạch cho toàn bộ các hộ trồng cam bằng kinh nghiệm trực tiếp ngay tại vườn; triển khai đưa 100% số hộ trồng cam vào tổ chức hội của mình như các nhóm sở thích, các HTX… để từ đó có thể định ngày thu hoạch và định hướng giá cả khi xuất bán cam ra thị trường.

Tỉnh đã chỉ đạo các huyện trồng cam lắp đặt các biển hiệu, quảng cáo tại các địa điểm bán cam sành trên tuyến Quốc lộ 2 (đường Hà Giang – Hà Nội); khuyến cáo các nông hộ và cơ sở sản xuất trong quá trình quản lý, sử dụng tem nhãn, bao bì phải có lô-gô của cam sành Hà Giang theo Chỉ dẫn địa lý.

Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hà Giang qua các hội thi cam; tăng cường công tác quản lý tem, nhãn mác, cải tiến hình thức tem nhãn và bao bì, tiến tới sản xuất cam sành theo đúng quy trình VietGAP.

Với vai trò là cơ quan xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và phát triển thương hiệu, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương Hà Giang (Sở Công Thương) - gọi tắt là Trung tâm -  đã hỗ trợ, khuyến khích nhiều HTX sản xuất cam sành làm bao bì, tem cam sành VietGAP.

Trung tâm đã tham mưu, trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm và tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, giới thiệu sản phẩm như: Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành và Hội thi cam quy mô cấp tỉnh; Tuần lễ Cam sành Hà Giang trong khuôn khổ Hội chợ xúc tiến tiêu thụ 2016 - 2017 tại TP.HCM và Tuần lễ cam sành Hà Giang tại TP. Hà Nội…

Năm 2017, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ và vận động người sản xuất áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trung tâm cũng đã tiến hành in ấn bao bì, tem nhãn cung cấp cho các huyện, hỗ trợ cho các HTX, tổ, đội, hộ sản xuất thực hiện các sự kiện xúc tiến quảng bá.

Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ 9 điểm bán hàng Việt - nông sản tỉnh Hà Giang chạy dọc quốc lộ 2 để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Đến nay, cam sành Hà Giang đã được tiêu thụ tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và thị trường phía Nam. Một số doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Nguồn: VITIC
Liên kết website