Toàn tỉnh hiện đã có 9 sản phẩm nông sản chủ lực mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó chỉ dẫn địa lý cấp cho 04 sản phẩm: Chè shan tuyết Mộc Châu cấp năm 2010; Sản phẩm Xoài tròn Yên Châu cấp năm 2012; Sản phẩm Cà phê Sơn La cấp năm 2017; Cam Phù Yên năm 2017; Nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm: Mật ong Sơn La cấp năm 2012; Chè Tà Xùa Bắc Yên cấp năm 2016 cho vùng chè huyện Bắc Yên; Nhãn hiệu Chứng nhận cho 03 sản phẩm: Chè Ô long Mộc Châu cấp năm 2016; Rau an toàn Mộc Châu cấp năm 2015; Nhãn Sông Mã cấp năm 2017; 8 mã vùng trồng Xoài, nhãn để xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ với diện tích là 76 ha của 07 Hợp tác xã tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu.
Nhãn Sông Mã
Từ những năm 1961, cây nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đã được khẳng định là loại cây ăn quả chủ lực; loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân địa phương và đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Trước đây, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong - nơi có người dân Hưng Yên sinh sống và đến nay, đã mở rộng diện tích trên địa bàn toàn huyện.
Hiện nay, toàn huyện Sông Mã có trên 34.000 hộ dân tại 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích 6.098 ha, chiếm trên 83% diện tích cây ăn quả của địa phương. Cây nhãn đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, trong đó, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn. Sơn La đã xây dựng được 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn với sản lượng hơn 4.000 tấn, trong đó, có khoảng 2.000 tấn được sản xuất theo quy trình VietGAP và 500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu.
Theo đánh giá, nhãn ở Sông Mã chín sớm hơn, quả to, đẹp, sáng và thơm ngọt hơn các địa phương khác. Khoảng 60% sản lượng được các thương lái thu mua mang đi tiêu thụ ở thị trường các tỉnh lân cận, còn lại người dân Sông Mã tự xây dựng các lò sấy thủ công để chế biến những quả nhãn loại nhỏ thành long nhãn. Sản phẩm long nhãn Sông Mã được thương lái Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn lên thu mua.
Chè Tà Xùa
Nếu như Thái Nguyên nổi tiếng bởi đặc sản chè Thái Nguyên thì đặc sản Sơn La có chè Tà Xùa. Được trồng ở xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, cách mực nước biển 1.600 mét, thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ, có mây phủ quanh năm đã góp phần làm nên một sản phẩm chè nổi tiếng đang đã và sẽ lan tỏa đưa đến nhiều nơi để nhiều người cùng biết đến thương hiệu này. Đặc biệt, loại cây chè này có nguồn gốc từ lâu đời có những cây cổ thụ đến tận trăm năm, thậm chí vài trăm tuổi. Loại chè này giống như một giống chè quý, mọc tự nhiên, không chịu tác động của hóa chất, chất lượng sạch, an toàn, có nhiều vi chất tốt cho sức khỏe.
Chè Shan tuyết Tà Xùa có búp màu trắng, cánh vàng, lá to và được chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất, việc thu hái, và được truyền từ đời này sang đời khác để khai thác và chế biến nên chè khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu. Màu nước chè từ khi pha tới vài nước sau vẫn giữ được nguyên màu xanh lơ đỏ. Khi uống chè, cảm giác đầu tiên là vị đắng chát, sau đó dần chuyển sang ngọt, hương vị chè thơm đặc biệt khác lạ so với các dòng chè khác. Chè Tà Xùa không chỉ là thuốc chữa bệnh, mà còn là cây đặc sản giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập. Với 3 vụ thu hoạch trong năm, giá chè khô dao động từ 200.000 – 700.000 đồng/kg, với chè sao thủ công bằng tay có giá tới 1 triệu đồng/kg. Chè tươi hoặc cám chè cũng có giá 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Chè Ô long Mộc Châu – Sơn La
Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Nhiều doanh nghiệp chế biến chè đã đầu tư công nghệ cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đặc biệt nhiều diện tích chè đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chè cũng đa dạng về mẫu mã chủng loại, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện nay, Mộc Châu có khoảng 3.000 ha chè các loại, từ những lá chè tươi ngon nhất sẽ được hái về và chế biến thành những sản phẩm chè Ô long tươi mát và bổ dưỡng. Nhờ khí hậu thuận lợi mà chè Ô long ở đây đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và trên thế giới.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, chè Ô long rất tốt cho sức khỏe, do vậy được rất nhiều người tin dùng. Với những ưu điểm vượt trội, chè Ô long ở Mộc Châu đã là một trong những sản phẩm tin cậy của mọi nhà. Chè Ô long Mộc Châu có hương vị thơm ngon, thanh thanh, chát chát mà ngọt ngọt, nhẹ nhàng mà lưu luyến khó tả. Để có được hương vị đặc trưng này, một phần nhờ khí hậu và thời tiết thì phần quan trọng nữa là có bàn tay chăm sóc và chế biến của con người.
Trải qua gần 60 năm được trồng đại trà và phát triển với quy mô lớn, cây chè đã góp phần quan trọng trong đời sống của người dân ở đây. Các sản phẩm từ cây chè mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc đang từng bước khẳng định vị trí trong nước và quốc tế. Nhờ có cây chè, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây ngày càng ổn định, khấm khá hơn.
Mật ong Sơn La
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cộng với những cánh rừng bạt ngàn hoa nên nghề nuôi ong ở Sơn La rất phát triển, mật ong đã trở thành đặc sản nổi tiếng.
Mật ong Sơn La thường được khai thác 4 vụ ở các nguồn hoa khác nhau: Mật ong hoa cỏ Lào khai thác từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau; mật ong hoa dẻ, hoa rừng từ tháng 2 đến tháng 5; mật ong hoa nhãn tháng 3 - 4; mật ong hoa đơn kim từ tháng 8 đến tháng 10. Ngoài ra, tỉnh còn có hàng nghìn hecta cây ăn quả, cây công nghiệp cho phấn hoa như chè, cà phê, ngô, xoài, chuối, dứa, mơ, mận... Vì vậy, mật ong Sơn La luôn được khách hàng đánh giá cao, chất lượng tốt, với 65% đường đơn trở lên, 5% đường đa trở xuống, 18 - 21% thủy phần các enzim trong mật, không bị ô nhiễm bởi những hóa chất độc hại, không có dư lượng kháng sinh. Đặc biệt, sản phẩm phấn hoa rất được ưa chuộng do có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon. Phấn hoa cây đơn kim được khai thác ở độ cao 1.050m trên cao nguyên Mộc Châu, có màu đỏ tươi, thơm ngậy; phấn hoa ngải cứu màu trắng và vàng sáng, mùi thơm ngát; phấn hoa ngải dại màu trắng đục, ngọt đậm; phấn hoa ngô màu vàng thô ráp... chứa các thành phần có ích cho sức khoẻ như đạm tự do, axit amin, vitamin A, B, C, PP...
Hiện nay, Sơn La là tỉnh hàng đầu ở miền Bắc nuôi nhiều ong. Mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn của Sơn La rất nổi tiếng. Người nuôi ong Sơn La đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ ong được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó chất lượng ngày càng được nâng lên, khẳng định được thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt sau khi đưa công nghệ hạ thủy phần mật ong vào hoạt động, những lô hàng sản phẩm không đạt tiêu chí chất lượng thủy phần đều được thực hiện qua máy sấy bơm nhiệt để rút nước hạ thủy phần để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Các loại mật ong có tỷ lệ nước cao như mật keo, mật ong vải, cà phê. Sau khi khai thác tỷ lệ thủy phần từ 26-28%, khi đưa qua máy hạ thủy phần đều đạt 16-18-21% (do mục đích người nuôi ong đưa vào thị trường nào).
Mật ong Sơn La và phấn hoa Sơn La có uy tín với khách hàng. Hai sản phẩm đã đạt danh hiệu Huy chương vàng thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam 1983-1984, Cúp vàng năm 2005, 2006, 2009. Năm 2014, mật ong Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Tương lai có thể được xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện báo chí, mạng xã hội và nhiều đại lý ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác giới thiệu sản phẩm mật ong và phấn hoa của Sơn La. Mật ong Sơn La cũng bước đầu thâm nhập thị trường nước ngoài.
Nguồn: VITIC