Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Làm giàu từ cây rau cần Hoàng Lương

Với ưu điểm đầu tư thấp, lợi nhuận cao, đầu ra ổn định, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã xây dựng thành công thương hiệu “Rau cần Hoàng Lương”,  là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã thành lập và phát triển mô hình sản xuất rau cần theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàng Lương để tạo nên những vựa rau sạch, cho năng suất cao.

Rau cần là loại rau có vị ngọt, giòn, được trồng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau và phổ biến tại một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do thói quen canh tác theo phương thức tự phát, dựa theo kinh nghiệm trồng trọt truyền thống nên năng suất của loại rau này tại các vùng còn thấp. Để cải thiện tình trạng này, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã thành lập và phát triển mô hình sản xuất rau cần theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại xã Hoàng Lương.

Rau cần Hoàng Lương

Vài năm trở lại đây, nhờ người dân thay đổi thói quen và phương thức canh tác, rau cần đã trở thành loại rau thương phẩm chủ lực của địa phương. Để có được những vựa rau cần sạch cho đến khi được đóng gói thành phẩm và đưa đi tiêu thụ, toàn bộ đều phải tuân theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Ở khâu chọn giống, người dân tiết kiệm được chi phí khi tự duy trì và sản xuất ra nguồn giống an toàn. Sau mỗi đợt thu hoạch, người dân tự nghiên cứu, tách chiết phần thân cây rau cũ để tái tạo cây rau mới. Cây giống được lai trong môi trường đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh bằng cách trước ngày gieo trồng, ruộng phải được làm sạch, rắc vôi bột khử trùng nhằm tạo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây con. Khi cây đủ độ dài sẽ đem ra ruộng cấy với mật độ phù hợp. Rau cần vốn ưa môi trường ẩm nên cây cao tới đâu, người dân chủ động đưa nước vào ruộng tới đó.

Trước đây, người dân bón phân và dùng thuốc bảo vệ thực vật tùy ý khiến rau bị non lâu, dai, không giòn, ít ngọt. Tuy nhiên, khi ứng dụng mô hình trồng rau theo VietGAP, từ khi cấy đến lúc thu hoạch, mỗi sào rau chỉ được bón rải rác một lượng phân nhất định. Cụ thể, mỗi sào rau không bón quá 12kg phân đạm, 20kg phân NPK và 10kg phân kali.

Ngoài việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho rau thì công tác phòng trừ và xử lý sâu bệnh cũng được chú trọng. Thời kỳ rau bắt đầu phân chia đẻ nhánh thường dễ xảy ra bệnh bạc lá. Ở giai đoạn này, người dân sẽ dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp phòng bệnh. Trước khi thu hoạch khoảng 12-15 ngày, người dân dừng toàn bộ các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm giúp tiêu hao toàn bộ dư lượng thuốc và kim loại nặng trong rau.

Người dân có thể thu hoạch rau sau khoảng 1,5 tháng đến 2 tháng, và được sơ chế 2 lần trước khi đem đi tiêu thụ. Cụ thể người dân thu hái, lọc rửa rau ngay tại đồng ruộng, sau đó vận chuyển đến hợp tác xã sẽ được cắt tỉa thêm một lần nữa rồi mới đóng gói trước khi xuất đi. Rau thương phẩm đóng gói phải đảm bảo độ dài 50-60 cm, thân trắng nõn, mập, lá xanh mướt, không bị bệnh.

Theo thống kê của UBND xã Hoàng Lương, trong mùa sản xuất, tiêu thụ rau cần, mỗi ngày toàn xã thu hút bình quân 1.000 lao động đến rửa, bó, vận chuyển ra với mức thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày. Vào mùa tiêu thụ, mỗi ngày toàn xã tiêu thụ gần 150 tấn rau. Giá bán rau cần liên tục tăng trong các năm trở lại đây cũng là tin vui đối với người nông dân.

Rau cần đang cho thu nhập cao và trở thành “cây đổi đời” của người dân Hoàng Lương. Với sản lượng bình quân 1,5 tấn/sào/vụ, giá bán bình quân 10.000 - 12.000 đồng/kg, rau cần cho thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/sào/năm.

Phát triển thị trường

Đầu năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận "Chỉ dẫn địa lý" cho thương hiệu "Rau cần Hoàng Lương". Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên và TP. Hà Nội… là những địa bàn tiêu thụ rau cần nhiều nhất. Thời gian trồng và thu hoạch rau cần trong vòng 8 tháng.

Xã Hoàng Lương hiện có khảng 180 ha rau cần, trong đó có 80 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại 5 thôn gồm: Thanh Lâm, Thanh Lương, Đại Thắng, Đồng Hoàng và Ninh Giang, 100% diện tích canh tác đều thâm canh rau cần.

Mỗi năm, người dân xã Hoàng Lương thu nhập bình quân 400-600 triệu đồng/ha nhờ trồng rau cần theo mô hình sản xuất an toàn VietGAP. Nhiều năm trước, tại xã Hoàng Lương, rau cần được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, người dân nơi đây chủ yếu canh tác theo phương thức tự phát, dựa theo kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng rau không nhiều, chất lượng chưa cao. Từ khi UBND huyện tổ chức các lớp kỹ thuật trồng rau cần theo mô hình VietGAP, hỗ trợ người dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, chất lượng rau tăng đáng kể. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại giảm khoảng một phần tư so với lối canh tác cũ.

Để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm, nông dân xã Hoàng Lương đã và đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu giống, quy trình sản xuất đến khâu thu hoạch, tiêu thụ.

Với mục đích cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, Hội quán rau cần Hoàng Lương đã trồng thử nghiệm hơn 1.000 m2 rau cần hữu cơ và bước đầu cho tín hiệu tích cực về năng suất, chất lượng. Với tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cao, rau cần Hoàng Lương không chỉ tiêu thụ trong tỉnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang một số thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga… với khối lượng tương đối lớn.

Những thay đổi trong phương thức sản xuất từ truyền thống thành sản xuất theo chuỗi, an toàn, quy mô lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Sản xuất rau cần ở Hoàng Lương với nguồn thu nhập cao, ổn định đã khẳng định hướng đi đúng đắn khi sản xuất rau cần theo chuỗi khép kín, an toàn VietGap.

Đây là minh chứng cho việc nếu người nông dân được tổ chức sản xuất khoa học, ý thức sản xuất tốt, cùng với sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương, thì các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển mạnh, đem lại hiệu quả cao.

Theo UBND xã Hoàng Lương, tổng thu nhập từ mô hình cá - cần (nuôi cá xen canh với trồng rau cần) những năm qua trung bình đạt 500 triệu đồng/ha/năm, giúp người dân cải thiện đời sống và có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Hoàng Lương nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mô hình cá - cần,  là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website