Những năm gần đây, cây mía đã trở thành cây chủ lực trong ngành trồng trọt của tỉnh Hòa Bình, đóng góp 17-18% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Sản xuất mía đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân, giúp người nông dân thực hiện khai hoang phục hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cây mía tím được trồng nhiều tại tỉnh Hòa Bình từ 40 - 50 năm trước đây. Ngoài tên gọi là cây mía tím, người dân còn đặt tên là cây mía thuốc bởi chất lượng ngon, bổ, thậm chí dùng để giải cảm. Cây có màu tím đẹp, dóng dài, giòn. Tuy nhiên, hiện nay do trồng lâu năm, các dòng mía tím trong tỉnh đang có dấu hiệu thoái hóa, chất lượng tuy vẫn đảm bảo nhưng không thể so với giống ban đầu, hiệu quả kinh tế do vậy cũng bị ảnh hưởng.
Cây mía Hòa Bình có màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài, trong đó, nổi tiếng nhất là mía Phong Phú (Tân Lạc). Cây to, cao tới gần 2m, ít mắt. Mía mềm, ngọt mà không gắt, mùi thơm đặc trưng. Cây mía tím được trồng nhiều tại Hòa Bình bởi cây mía không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, ít đòi hỏi công chăm bón mà còn đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Vậy nên cây mía tím được trồng nhiều không những xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Mía tím được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Trong giai đoạn 2011 - 2016, diện tích trồng mía toàn tỉnh Hòa Bình có xu hướng giảm tại hầu hết các huyện trong tỉnh so với năm 2011. Nguyên nhân chính do thu nhập của người trồng mía không ổn định, cây mía chưa thể hiện được ưu thế so với các cây trồng khác (nhất là cây ăn quả có múi) trên địa bàn. Song năng suất mía bình quân của các địa phương nhìn chung đều có xu hướng tăng. Năm 2016, năng suất mía toàn tỉnh đạt 71,1 tấn/ha, sản lượng mía toàn tỉnh đạt gần 550 tấn; sản lượng mía giảm mạnh tại các huyện Đà Bắc, Lạc Thủy, Mai Châu; sản lượng mía tăng ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn.
Năm 2018, năng suất mía toàn tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 71 tấn/ha, sản lượng mía toàn tỉnh đạt 549.487 tấn; giá trị sản xuất mía đạt khoảng trên 1.300 tỷ đồng. Tốc độ phát triển sản xuất mía bình quân giai đoạn 2011-2018 là 99,23%/năm. Thu nhập bình quân của người trồng mía khoảng 200-250 triệu đồng/ha; trừ chi phí còn lại cho lợi nhuận khoảng 100 - 140 triệu đồng/ha. Diện tích trồng mía ăn tươi (mía tím và mía trắng) luôn chiếm tỷ trọng rất cao trong diện tích trồng mía của tỉnh (từ 80 - 85%). Chất lượng mía ăn tươi, nhất là mía tím có xu hướng giảm sút, nguyên nhân do giống bị thoái hóa và đầu tư kém, đồng thời do tác động của giá cả phân bón, chi phí vận chuyển, công chăm sóc đều tăng cao nên người dân ít có sự đầu tư, dẫn tới cây mía tím có chất lượng thấp. Ngoài ra, thời gian qua, do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, nên chất lượng mía cũng bị giảm, tỷ lệ mía loại I đạt thấp (chỉ khoảng 40%). Tuy nhiên so sánh lợi nhuận sản xuất mía ăn tươi vẫn cao hơn so với nhiều cây trồng khác, đầu tư ban đầu thấp - phù hợp với đa số điều kiện canh tác của người nông dân, do đó diện tích mía ăn tươi có thể ổn định trong thời gian tới nếu đảm bảo được thị trường tiêu thụ.
Để giữ chất lượng mía tím Hòa Bình, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai đề tài tuyển chọn và phục tráng các giống mía tím trên địa bàn tỉnh. Qua chọn lựa, sàng lọc từ 7 dòng mía tím khác nhau đã chọn ra 1 dòng mía tím Cao Phong có độ giòn, lóng dài, màu sắc và kích thước chuẩn giống mía gốc. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh triển khai chương trình bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc sản mía tím địa phương. Đồng thời giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai thực hiện, nghiên cứu thành công, nhân nhanh giống từ nuôi cấy mô. Năng lực sản xuất giống mía nuôi cấy mô đến nay đã sản xuất được 32 vạn cây giống, cung cấp chủ yếu cho 3 địa phương là Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy.
Bên cạnh thị trường tiêu thụ trong tỉnh, hiện nay cây mía tím Hòa Bình được tiêu thụ nhiều tại các các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai. Đặc biệt, hiện nay cây mía tím đã được xuất khẩu sang thị trường khá khó tính là Nhật Bản, đây là tín hiệu tốt để mía tím Hòa Bình hướng mạnh đến tiêu thụ xuất khẩu trong tương lai gần.
Cụ thể, ngày 18/1/2019, chuyến hàng mía tím Hòa Bình đầu tiên của Việt Nam đã có mặt tại kệ của các siêu thị tại Nhật Bản sau khi đáp ứng các thủ tục thông quan khắt khe. Sau đó, đến ngày 24/1/2019, cơ sở sản xuất tại thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi tiếp tục nhận được đơn đặt hàng từ đối tác Nhật Bản với số lượng lớn hơn 1 tấn. Sau kỳ nghỉ Tết, ngày 13/2 lô hàng 1,5 tấn mía tím đã lần thứ 3 đã theo đường hàng không đến với người tiêu dùng Nhật Bản.
Trước khi xuất khẩu, mía tím Hòa Bình đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch thực vật hết sức khắc khe, phải loại bỏ hết mấu, mắt mía, không được dính bùn, đất, bởi chỉ vi phạm một lỗi nhỏ sẽ bị trả lại toàn bộ lô hàng. Trong sơ chế phải đảm bảo điều kiện bao gói kín, hút chân không chặt, bảo quản ở nhiệt độ lạnh sau sơ chế, hình thức, quy cách bao bì đúng như đối tác yêu cầu.
Mía tím xuất khẩu sang Nhật Bản được chọn lựa từ những cây có chất lượng tốt nhất từ vùng nguyên liệu. Mía đạt yêu cầu tập trung ở các huyện Tân Lạc, Cao Phong và một số xã của huyện Kim Bôi. Theo đó, mía có màu tím đặc trưng, mỗi đốt dài tối thiểu 5 cm. Khi loại bỏ những đốt phần ngọn và gốc, mỗi cây mía lấy được 12-14 đốt, tương đương 1 kg thành phẩm. Quá trình vận chuyển từ nhà vườn, khu sơ chế đến khi lấy khỏi kho hải quan Nhật Bản dao động trong 24-26 giờ. Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan, mía tím sẽ có mặt trên kệ của siêu thị, cửa hàng trong một buổi sáng. Yêu cầu khi lên kệ, mía đóng gói còn tươi nguyên, đựng trong túi kín đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất.
Năm 2019, thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ ổn định, nhu cầu tiếp tục tăng dần. Vấn đề quan trọng là phải giữ mía tím xuất khẩu có chất lượng đảm bảo ổn định và có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với cơ sở sơ chế, đóng gói, giúp nâng cao năng lực, tuân thủ tốt quy trình.
Phát triển thương hiệu mía tím hòa bình
Tỉnh Hòa Bình hiện đang triển khai dự án đầu tư phát triển thương hiệu cây mía tím Hòa Bình tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy và Kim Bôi với tổng diện tích khoảng 1.760 ha, trong đó huyện Cao Phong 480 ha, huyện Tân Lạc 350 ha, huyện Lạc Sơn 380 ha, huyện Yên Thủy 350 ha, huyện Kim Bôi 200 ha. Vốn hỗ trợ ước tính khoảng 26.400 triệu đồng để xây dựng các vùng sản xuất mía tập trung. Quy hoạch sản xuất mía tím cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn các huyện trọng điểm Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Đà Bắc và Lạc Thủy. Theo đó, quy hoạch diện tích trồng mía tím đến năm 2020 là 9.500 ha, đến năm 2030 là 10.000 ha. Sản lượng mía khoảng 225.000 tấn.
Theo đó, định hướng đề ra là tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, về tín dụng, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...; Chú trọng đầu tư xây dựng và mở rộng các cơ sở nhân giống mía của Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản và Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình; Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% giống mía được nhân giống bằng phương pháp cấy mô tế bào; Quán triệt các hộ nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác mía theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; Ưu tiên các hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi đất cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng mía đặc biệt là diện tích đất lúa một vụ; Khuyến khích nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn; Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất mía với quy mô lớn; Thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía, đẩy mạnh hoạt động của hiệp hội mía tím tỉnh Hòa Bình, đảm bảo gắn kết người trồng mía trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ mía; Tích cực phát triển thương hiệu mía tím Hòa Bình.
Song song với đó, tỉnh đã triển khai xây dựng thương hiệu cho mía tím Hòa Bình, phối hợp với trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, sản xuất mía tím đóng hộp chất lượng cao. Nghiên cứu này sử dụng công nghệ, thiết bị cho ra đời sản phẩm nước mía đảm bảo độ tươi ngon và là thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tỉnh cũng lên kế hoạch thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các khu chế biến hoa quả, mía tím với nhiều ưu đãi.
Trong năm 2018, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một tỉnh của Hàn Quốc cam kết thu hút đầu tư vào tỉnh, trong đó có đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề tiếp theo là định hướng tổ chức sản xuất hướng mạnh thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ lớn.
Nguồn: VITIC tổng hợp