Với rất nhiều loại gỗ quý như: sao, gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, dầu…, nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ đã xuất hiện với các hình thức đóng thuyền, đẽo cột, làm hòm xiểng, bàn ghế, vật dụng… và dần hình thành nên các làng nghề điêu khắc nổi tiếng, trong đó có làng nghề điêu khắc gỗ Bình Dương tỉnh Phú Thọ. Điêu khắc gỗ cũng là một trong những ngành mũi nhọn của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường Thế giới. Các tác phẩm điêu khắc gỗ của Việt Nam không những đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế mà còn giúp đưa những nét đẹp văn hóa Việt ra thế giới.
Điêu khắc gỗ có mặt rộng rãi ở nhiều nước trên toàn thế giới với nhiều phong cách và biến thể khác nhau. Ở Việt Nam, nghề điêu khắc gỗ là một nghề mang tính chất cổ truyền lâu đời.
Hiện nay, nghề điêu khắc gỗ mỹ thuật ở Bình Dương cung cấp các sản phẩm chạm gỗ là những tượng tròn và kích thước nhỏ, một số được làm bằng gỗ quý như mun, cẩm lai, gõ, trắc… mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ khá đa dạng và phong phú do các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu các phong cách cổ như các tượng Phật, tượng Di Lặc, mục đồng, tiều phu, ngư phủ, chim ưng, sư tử hí cầu… Một số mẫu mã bắt chước theo các tượng cổ châu Âu và cả những mẫu mã do người đặt hàng từ nước ngoài yêu cầu. Đồ gỗ gia dụng của vùng đất này từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến là do kiểu dáng đẹp, nhưng quan trọng hơn là chất lượng cao nhờ có nguồn gỗ tốt và được làm nguyên khối, không ghép, pha gỗ tạp, tháo lắp thuận tiện. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc nơi đây đã làm rạng danh cho nghề điêu khắc thủ công truyền thống của Bình Dương. Đây chính là vùng đất hứa cho nghề thợ mộc, là nơi tập trung các lớp thợ có tay nghề cao từ miền Bắc, miền Trung và chính họ đã mang theo kỹ thuật khảm xà cừ trên tủ thờ, ghế tựa, tràng kỷ, hương án, hoành phi, câu đối… trở thành những sản phẩm tiêu biểu của vùng đất này.
Sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ thuật Bình Dương cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là các hàng mỹ nghệ do du khách mua làm kỷ niệm, bày bán trong các khách sạn, tụ điểm văn hóa, du lịch. Một số xuất khẩu sang các nước. Đây là những sản phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế cao, được các thị trường ưa chuộng nhưng phần lớn do các cơ sở tư nhân sản xuất, nhiều gia đình có hai đời hoặc hơn làm nghề chạm khắc gỗ với quy mô nhỏ bé, có một đến hai nghệ nhân và vài thợ học việc... nên còn nhiều hạn chế trong đáp ứng các đơn hàng của thị trường.
Ngoài những sản phẩm chạm khắc gỗ thuần tuý bằng đục, chạm nhiều loại sản phẩm mộc chạm khắc được kết hợp với khảm, xà cừ hay công nghệ trang sức bằng sơn mài rất đặc sắc. Điều đặc biệt là các tác phẩm này hoàn toàn được làm thủ công bằng bàn tay tài hoa của chính các nghệ nhân.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện nay, việc điêu khắc gỗ nghệ thuật, điêu khắc tranh gỗ, điêu khắc tượng gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc gỗ bằng tay nữa mà còn có sự hỗ trợ của máy móc. Ưu điểm của máy điêu khắc gỗ là tốc độ điêu khắc cao nên có thể làm ra sản phẩm hàng loạt với kích cỡ, kiểu dáng tương đồng. Độ chính xác khi điêu khắc rất cao và thời gian gia công được rút ngắn. Ngoài ra còn có máy điêu khắc gỗ cầm tay hay máy đục gỗ cầm tay là công cụ chuyên dùng để đục, điêu khắc trên gỗ. Đây là dụng cụ điêu khắc gỗ cần thiết để người thợ làm ra đồ gỗ điêu khắc. Ngày nay, nhu cầu tượng gỗ mỹ nghệ loại nhỏ phổ biến hơn nên máy điêu khắc gỗ cầm tay và máy điêu khắc gỗ mini cũng được nhiều người sử dụng hơn. Những chiếc máy điêu khắc nhỏ này có khả năng tạo nên những chi tiết và hoa văn cực kì sắc nét. Ưu điểm của các dòng máy này là thiết kế nhỏ gọn do đó dễ dàng tạo nên những mẫu điêu khắc gỗ nhỏ với hoa văn sắc nét và dễ dàng sử dụng. Với thiết kế nhỏ gọn đó, người điêu khắc cũng có thể dễ dàng sử dụng, bảo quản và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Ngày nay, máy móc hiện đại được đưa vào điêu khắc tượng gỗ nghệ thuật khá nhiều, tuy nhiên, những mẫu tượng điêu khắc gỗ bằng tay sẽ có giá trị cao hơn. Bởi qua đôi tay tinh tế của người nghệ nhân, pho tượng điêu khắc bằng gỗ sẽ tinh xảo, sắc nét và trở nên có hồn hơn.
Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ
Điêu khắc tượng gỗ nghệ thuật là một lĩnh vực trong điêu khắc gỗ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Những tác phẩm tượng điêu khắc bằng gỗ mang giá trị nhân văn, giá trị tinh thần và phong thuỷ sâu sắc. Các mẫu tượng điêu khắc gỗ được ưa chuộng nhiều nhất hiện nay là: Điêu khắc tượng Phật nói chung và điêu khắc tượng gỗ Di Lặc nói riêng.
Nghề điêu khắc gỗ phát triển rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nghề điêu khắc gỗ phát triển một cách mạnh mẽ trên toàn quốc, không chỉ tại Bình Dương của Phú Thọ mà còn phổ biến tại các làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng ở Miền Bắc như: làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Vạn Điểm (Hà Tây) …
Phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và lao động của người dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, phát triển làng nghề đã đóng góp vào mức tăng trưởng của kinh tế địa phương, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông thôn. Nhiều làng nghề đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên quá trình phát triển làng nghề vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như: chất lượng lao động chưa cao, thiếu đồng đều, vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, thiếu mặt bằng, vấn đề môi trường,… Vì vậy, để phát triển bền vững làng nghề, cần khắc phục khó khăn, phát huy hết tiềm năng vốn có của làng nghề.
Để một tác phẩm điêu khắc ra đời, người thợ phải chau chuốt trên từng công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến đánh bóng sản phẩm đưa ra thị trường. Trước kia, sản phẩm điêu khắc chủ yếu được sản xuất từ các loại gỗ quý hiếm. Nay do nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng đa dạng, nên người thợ đã linh hoạt trong khâu lựa chọn gỗ, các loại gỗ quý đã dần được thay thế bởi các loại gỗ tự nhiên như: gỗ hương, gỗ trắc, gỗ cẩm, gỗ ngọc yến, gỗ mít, gỗ xà cừ...
Theo Hiệp hội gỗ và nông sản Việt Nam, hiện ngành gỗ nước ta đã xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với 70% vào các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc gỗ Á Đông khá mạnh nên mặt hàng gỗ đến với thị trường các nước còn khá chậm, chủ yếu là tiêu thụ trong nước và một số nước Châu Á có nền văn hóa tương đồng.
Thống kê cho thấy trong quý I/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang đa số thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, tăng mạnh trên 100% về kim ngạch ở một số thị trường như: Áo tăng 267%, đạt 0,65 triệu USD; Bồ Đào Nha tăng 100,7%, đạt 1,71 triệu USD; Đông Nam Á tăng 135,4%, đạt 46,62 triệu USD.
Theo đánh giá, chính nhờ nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, Nhật Bản) cùng với sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm xóa bỏ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của ngành gỗ đã khiến cho tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2019.
Dự báo, xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2019 sẽ tăng 16 - 18% so với cùng kỳ năm 2018 với những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khả quan gồm thị trường sản phẩm gỗ và đồ nội thất trên toàn thế giới còn nhiều dư địa, nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đã có đơn hàng đến hết năm 2019 và đều đạt tốc độ tăng trưởng mạnh so với năm 2018.
Mặc dù gặp không ít khó khăn tại các thị trường quốc tế nhưng lượng gỗ xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng hàng năm cho thấy đây là một ngành có khả năng phát triển mạnh. Dù có sự vươn xa về khoảng cách địa lí và số mặt hàng xuất ra. Tuy vậy, hiện này ngành gỗ Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% so với thể giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam muốn vực dậy và phát triển các làng nghề truyền thống phải luôn không ngừng đổi mới mẫu mã, áp dụng các phương pháp tiên tiến để đưa ngành gỗ Việt Nam ngày càng có tầm ảnh hưởng hơn. Đặc biệt cần nhất đó là sự tư duy đổi mới trong lãnh đạo của các doanh nhân, các làng nghề phải có những bước chuyển mình phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ điêu khắc gỗ và các lâm sản ngoài gỗ mà Việt Nam có lợi thế trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên một khó khăn của các cơ sở sản xuất điêu khắc gỗ là về vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay việc vay vốn để mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn, cụ thể như một số cơ sở nhỏ không có tài sản thế chấp để vay nên khó tiếp cận được nguồn vay. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ việc duy trì làng nghề truyền thống đã có, nhưng chủ cơ sở không nắm rõ nên chưa tận dụng hiệu quả của các chính sách ưu đãi đó.
Ngoài ra, khó khăn của nghề điêu khắc gỗ còn do các cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ rất khó khăn trong tuyển thợ có tay nghề cao và tìm đầu ra cho sản phẩm nên chưa mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là gốc, rễ của các loại cây được tận thu từ vườn rẫy của người dân nên các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển. Ngoài ra, để mở rộng nghề phát triển hơn, thì các ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện phát triển thị trường đồ gỗ mỹ nghệ, nhất là giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đồng thời liên kết các cơ sở trong các tỉnh để cùng trao đổi, hợp tác và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm, giúp các cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ phát triển ổn định và bền vững.
Nguồn: VITIC tổng hợp