Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Lụa tơ sen - sản phẩm độc đáo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nổi danh với nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt vải. Sản phẩm lụa tinh xảo, độc đáo được dệt từ những sợi tơ trong cuống của mỗi bông hoa sen, không chỉ là một sản phẩm thương mại đắt giá, mà còn giúp thu hút rất đông khách du lịch tới đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ lụa là một trong những nghề truyền thống lâu đời và phát triển bậc nhất của Việt Nam. Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nổi danh với nghề và được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc.

Nhận thức rõ việc phát triển kinh tế làng nghề và bảo lưu giá trị văn hoá thì cần làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã hướng các doanh nghiệp ở địa phương tích cực tham gia vào Chương trình OCOP. Các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen”, “Chăn bông tơ tằm tự dệt”; các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm làm từ sợi nở, sợi tre, sợi cotton…

Các sản phẩm từ sợi tơ tằm trải qua rất nhiều công đoạn, cần nhiều công sức, thời gian cũng như tâm huyết của người thợ như kéo sợi, xe tơ, guồng tơ. Các sợi tơ sau nhiều công đoạn xử lý sẽ cho ra những thước vải quý mầu sắc tự nhiên, sang trọng, mềm mại…

Một sản phẩm lụa tinh xảo và có giá trị cao được biết đến tại Phùng Xá là lụa tơ sen. Tất cả các cọng sen phải được xử lý sớm, nếu không cọng bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn.

Để có một sản phẩm lụa từ tơ sen hoàn chỉnh mất khá nhiều thời gian và công phu. Như chiếc khăn quàng cổ tơ sen được dệt từ 4.800 cuống sen và phải mất hơn 1 tháng để hoàn thiện.

Từng sợi tơ sen đều mỏng mảnh và rất dễ đứt đoạn, đòi hỏi người thợ một sự chuyên tâm cao độ. Quá trình tạo tơ sen hoàn toàn thủ công, được thao tác một cách cầu kỳ và tỉ mẩn, nên những sản phẩm lụa tơ sen thường có giá thành rất cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm. Hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các khách hàng cao cấp, khách nước ngoài do được làm hoàn toàn thủ công nên giá bán cao.

Sợi từ tơ sen

Ngoài lấy tơ, các hộ trồng sen kết hợp thu hoạch hoa sen và hạt sen, tạo nguồn thu đáng kể; nếu nghề dệt tơ sen phát triển sẽ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Sản phẩm lụa tơ sen có chất lượng cao, được thị trường đón nhận, nhưng để phát triển hơn vẫn phải đối mặt với khó khăn như mùa sen bắt đầu từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 9 hàng năm nên chỉ lấy được tơ theo thời vụ, các công đoạn sản xuất vẫn chủ yếu làm thủ công nên để dệt được lụa sen mất nhiều thời gian. Vì vậy các cơ quan chức năng cần định hướng cụ thể hơn cho việc phát triển tơ sen, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu tơ sen của huyện Mỹ Đức để nghề dệt lụa sen phát triển…

Khăn lụa làm từ tơ sen

Tạo ra sản phẩm độc đáo để nghề dệt trụ vững

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, người dân Phùng Xá muốn giữ nghề, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, độc đáo để nghề dệt trụ vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Vì vậy sản phẩm sản xuất từ sợi tơ xen cần được phát triển mở rộng, khi trên địa bàn huyện Mỹ Đức có khoảng 300 ha đất trũng trồng sen, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất sợi tơ sen.

Những năm gần đây, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường đã khiến sản phẩm tơ lụa công nghiệp áp đảo hàng thủ công. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề vay vốn, đầu tư máy móc hiện đại cho sản xuất. Việc làm này giúp nâng cao năng suất lao động và giúp sản phẩm đồng đều hơn, chất lượng hơn, đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu và đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn.

Đặc biệt làng lụa tơ sen được phát triển mạnh sẽ góp phần thu hút ngày càng đông khách du lịch từ khắp nơi đến với huyện Mỹ Đức để thăm quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Khánh Huyền

Liên kết website