Cốm Tú Lệ, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái từ lâu đã được biết đến là một thứ đặc sản của núi rừng Tây Bắc Việt Nam. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ định hướng nâng tầm thương hiệu cốm Tú Lệ để phát triển lâu dài nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Nguyên liệu mà người dân Tú Lệ dùng làm cốm là giống gạo nếp Tan Lả, hạt to tròn, trắng trong. Hạt cốm Tú Lệ thơm, dẻo, màu xanh đậm đặc trưng mà không thể lẫn với loại cốm nào khác. Mùa cốm thường vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, đây là thời điểm những bông lúa nếp trên vùng đất Tú Lệ đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.
Khi cốm vào mùa, hầu hết người dân của các thôn bản trong xã Tú Lệ đều sản xuất cốm. Theo thống kê trung bình một ngày, mỗi hộ ở bản Nà Lóng làm được khoảng 20 kg cốm, với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg mang lại nguồn thu giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện. Cốm Tú Lệ đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Yên Bái, cốm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, trên các sàn thương mại điện tử. Cốm Tú Lệ đã trở thành một mặt hàng thương phẩm được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà để mọi người gửi tặng bạn bè, người thân.
Những năm trước đây, cốm nếp Tú Lệ, huyện Văn Chấn được người dân làm để thờ cúng ông bà tổ tiên, hoặc là để sử dụng trong gia đình, làm quà biếu tặng. Nhưng hiện nay, với hương vị dẻo thơm mà cốm nếp Tú Lệ đã vươn xa hơn các tỉnh khác và được du khách gần xa yêu thích. Cốm Tú Lệ cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa của huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, để mỗi độ khi thu sang hương vị của nếp rừng Tan Lả lại lan tỏa khắp mọi miền, làm nên thương hiệu của mảnh đất vùng cao Yên Bái này.
Định hướng nâng tầm thương hiệu cốm Tú Lệ
Với cố gắng của những hộ dân trồng cốm tại xã Tú Lệ cũng như của tỉnh Yên Bái, những sản phẩm được chế biến từ cốm Tú Lệ đã được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Vừa qua, lễ hội cốm Tú Lệ đã diễn ra nằm trong khuôn khổ Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tại thôn Pom Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Lễ hội cốm Tú Lệ trong năm 2022 đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương tham gia.
Sản phẩm cốm Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Theo Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn, lễ hội Cốm Tú Lệ được tổ chức nhằm bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Thái. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc và các sản vật quý giá của huyện Văn Chấn với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước…
Trong thời gian tới, huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung sẽ định hướng nâng tầm thương hiệu để cốm Tú Lệ ngày càng vươn xa và phát triển lâu dài nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Minh Thu