Thứ Tư, 09/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tiềm năng sản xuất, cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cao Bằng

Ngày đăng: 08/12/2023
Lượt xem: 95

Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi.

Về phát triển sản phẩm quốc gia trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thực hiện theo quyết định số 964/QĐ-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia tại các huyện Bảo Lâm, Quảng Yên, Phục Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thông Nông, Thạch An, Trùng Khánh, Trà Lĩnh đang được tỉnh Cao Bằng triển khai và thực hiện tốt.

Gian trưng bày sản phẩm đặc trưng, OCOP tại hội chợ

Các sản phẩm nổi bật của tỉnh như: gạo nếp Hương Bảo Lạc (Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm); thịt xông khói, lạp sườn (HTX Tâm Hòa); miến dong Tân Việt Á (HTX Nông sản Tân Việt Á); thạch đen Hằng Hoàng (hộ kinh doanh Trần Thị Hằng); đường phên Bó Tờ (HTX Sản xuất đường phên, chế biến rượu mía Bó Tờ, Quảng Hòa); dao Minh Tuấn (HTX Minh Tuấn, Phúc Sen, Quảng Hòa)… Tỉnh Cao Bằng đánh giá kỹ chất lượng, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng chậm nhưng chắc để tiến tới gia tăng giá trị sản phẩm nâng hạng các sản phẩm được công nhận.

Với nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung khai thác tiềm năng từ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đã đưa Cao Bằng ngày càng phát triển. Triển khai hiệu quả việc thực hiện chương trình OCOP đã khơi dậy “làn gió mới” từ phát triển sản phẩm OCOP vùng miền núi.

Tỉnh Cao Bằng từng bước nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, với kế hoạch nhằm phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của cộng đồng xóm, xã theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP.

Tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Những tiềm năng và cơ hội phát triển sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương đang thể hiện rõ khi Cao Bằng là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu theo hướng hàng hóa với trên 500 cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó chiếm trên 42,6% (tương đương 213 cơ sở) các cơ sở là chế biến nông sản, thực phẩm; chiếm 35,4% (tương đương 177 cơ sở) cơ sở chế biến lâm sản; 118 hợp tác xã tham gia sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

Mới đây các sản vật nổi bật, tiêu biểu, độc đáo, đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao, kết tinh nhiều giá trị văn hóa dân tộc của người Cao Bằng, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh như Thạch đen, cây thạch tươi, Miến, các sản phẩm trà cao sâm, giảo cổ lam gạo nếp hương, bánh chưng, xôi ngũ sắc, bộ gia vị hồi, quế, gừng, ớt… đã được giới thiệu đến các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng với chủ đề “Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển” ở Hà Nội. Triển khai hoạt động này góp phần đưa hình ảnh Cao Bằng ngày càng thân thiện đến với bạn bè quốc tế; phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; cam kết thực hiện tốt các thỏa thuận ký kết, các nội dung ghi nhớ trong biên bản hợp tác; nâng cao năng lực phối hợp, tích cực hợp tác, kịp thời giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.

Để sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP có bước đột phá mới, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động như tổ chức, tham gia các sự kiện lễ hội, hội chợ, chợ phiên; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm, góp phần phát triển Chương trình OCOP theo hướng ổn định, chất lượng và bền vững.

Cao Bằng hiện có 97 sản phẩm OCOP,  trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 04 - 05 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; nấm hương Việt Trúc Mai (xã Hưng Đạo, Thành phố); rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng; miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á...

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng cũng đã được xuất khẩu tới các thị trường lớn như: sản phẩm hồng trà, lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Australia; sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Kim Sa

Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”

Tin liên quan
Liên kết website