Thứ Ba, 20/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cần Thơ phát triển mô hình nông nghiệp địa phương đa dạng

Cần Thơ vốn được mệnh danh là Tây Đô – Thủ phủ của miền Tây Nam bộ từ hơn trăm năm trước, giờ đây Cần Thơ đã trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các doanh nghiệp, nông dân sản xuất và xây dựng thương hiệu các sản phẩm trái cây. Để xây dựng được các thương hiệu trên, công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân, các chủ vườn, các doanh nghiệp sản xuất cây ăn trái theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành nông nghiệp Cần Thơ đẩy mạnh thường xuyên. Đặc biệt, là sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất theo nhu cầu của thị trường, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng ngành nông nghiệp, thủy sản từ 0,45-0,54% và đạt giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn mức 12.769 tỉ đồng.  Đối với cây trồng chủ lực là lúa, phấn đấu đạt diện tích sản xuất lúa cả năm là 216.930 ha, với tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Sản xuất rau màu và đậu các loại  với diện tích 11.200 ha, sản lượng 120.700 tấn. Cây công nghiệp hằng năm là 5.240 ha, với sản lượng 4.659 tấn. Cây ăn quả 17.150 ha với sản lượng 98.500 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 8.500 ha, với sản lượng nuôi đạt 198.000 tấn. Tổng đàn heo đạt 130.000 con và đàn gia cầm 2 triệu con, với sản lượng thịt hơi các loại đạt 37.000 tấn...

Cần Thơ hiện đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, như: xoài cát Hòa Lộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dâu Hạ Châu, huyện Phong Điền; vú sữa huyện Phong Điền và Bình Thủy… Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được 12 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại quận Cái Răng, huyện Phong Điền và Thới Lai…, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ từ 1,5 đến 2 lần so với chuyên trồng cây ăn trái.

Để nâng cao giá trị cho trái cây, phục vụ thị trường không chỉ trong nước mà còn để xuất khẩu, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có trên 9 ha trồng cây ăn trái tại Hợp tác xã Quả an toàn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long, huyện Phong Điền được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các loại cây ăn trái như sầu riêng, vú sữa, nhãn, mít và cam.

Cần Thơ nổi tiếng với các đặc sản đa dạng

Dâu Hạ Châu

Dâu Hạ Châu là loại trái cây đặc trưng của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Theo nghiên cứu khoa học, loại trái cây này có nhiều chất dinh dưỡng, phòng ngừa nhiều loại bệnh.

Dâu Hạ Châu dễ trồng, dễ chăm sóc, trái có vị chua, ngọt hài hòa, hương thơm đặc trưng. Năm 2006, dâu Hạ Châu được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là nhãn hiệu hàng hóa. Dâu Hạ Châu được Phòng Nông nghiệp huyện Phong Điền chọn làm cây trồng chủ lực.

Dâu Hạ Châu là loại trái cây được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe như: Polyphenol, hoạt tính chống oxy hóa, vitamin C, đường.

Theo UBND huyện Phong Điền, trong thời gian qua, diện tích dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền gia tăng, từ 28 ha (năm 2004) lên gần 600 ha (năm 2014). Trước đây, nông dân địa phương chưa nắm rõ kỹ thuật trồng dâu, nên năng suất tương đối thấp. Tuy nhiên, đầu năm 2012, nắm được kỹ thuật canh tác cùng sự hỗ trợ từ công tác khuyến nông nên năng suất tăng lên đáng kể. Vì vậy, địa phương mở rộng thêm nhiều diện tích trồng dâu Hạ Châu. Thêm vào đó, giống dâu dễ trồng, biết cách chăm sóc rất dễ đạt năng suất cao. Hơn nữa, khả năng chống chịu của dâu với sự thay đổi của khí hậu như ngập lụt tương đối tốt. Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, những cây ăn trái khác đều giảm năng suất trong khi cây dâu Hạ Châu vẫn cho năng suất trái cao.

Gạo Cần Thơ

Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu thông qua “Cánh đồng lớn”, xây dựng vùng sản xuất lúa sạch. Năm 2018, Cần Thơ triển khai 10.000ha cánh đồng sạch (chủ yếu giống lúa thơm, đặc sản) và mở rộng dần lên đến năm 2020 đạt 30.000ha.

Ngày 02/8/2017, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo Giống cây trồng và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”. Theo đó, các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” gồm: Gạo thơm (giống Jasmine 85, VD 20, Nàng Hoa 9…), gạo chất lượng cao (giống OM 4218, OM 6976, OM 7347, Cần Thơ 2, Cần Thơ 3…), gạo phục vụ chế biến (IR 50404, OM 576…) với đặc tính phẩm chất và yêu cầu chất lượng theo Quy chế Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ”.

Vú sữa Thới An Đông

Tháng 8/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vú sữa Thới An Đông, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Nhờ có nhãn hiệu, nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định, đời sống nông hộ từng bước được nâng lên.

Những năm gần đây, diện tích vườn trồng vú sữa tại phường Thới An Đông được mở rộng. Do thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, cây vú sữa dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, đầu tư thấp nên lợi nhuận mà người dân thu được khá cao. Do đó, những năm gần đây, người dân xác định vú sữa là cây thế mạnh và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển trồng vú sữa. Những năm gần đây, nông dân trồng vú sữa trên địa bàn phường liên kết sản xuất hình thành vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, nhà vườn trồng vú sữa Thới An Đông còn là điểm thu hút nhiều khách tham quan. Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản cho nông dân là rất cần thiết. Hiện nay, các cấp Hội Nông dân thành phố cùng các cơ quan có liên quan đang rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Qua đó, đảm bảo đầu ra cho nông sản, giúp nông dân nâng cao đời sống.

Nhãn hiệu tập thể “Sữa Bò Milk 100% Long Hòa”

Tháng 7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sữa Bò Milk 100% Long Hòa”, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.  Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ trong thời gian 10 năm.

Phường Long Hòa hiện có 1 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa ở khu vực Bình Yên A và Bình Yên B, với trên 30 thành viên, tổng đàn 500 con, trong đó, có 350 con đang cho sữa. Mỗi năm tổ hợp tác và hợp tác xã cung cấp khoảng 4.000 tấn sữa cho công ty Sữa Vinamilk, với giá  bán 14.000 đồng/lít. Nhờ đầu ra ổn định nên việc chăn nuôi của bà con ngày càng phát triển, đời sống nâng cao.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các thành viên mở rộng sản xuất, địa phương còn hỗ trợ cho 13 thành viên vay vốn, với số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh trên bò sữa, góp phần nâng cao trình độ chăn nuôi cho các thành viên. Đây là hoạt động nhằm giúp người dân chuyển dần mô hình chăn nuôi riêng lẻ sang kinh tế tập thể, có thể tương trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế gia đình.

Nấm bào ngư Thới An Đông

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề trồng nấm bào ngư xám ở xã Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đang dần phát triển. Mô hình trồng nấm bào ngư xám có lợi ích kinh tế cao và giá thành tốt. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ gia đình tự mở trại nấm hoặc mua phôi về làm trại để tiêu thụ tại nhà và tăng thêm thu nhập.

Tháng 1/2014, Nấm bào ngư Thới An Đông sản xuất và sơ chế tại quận Bình Thuỷ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu và Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngoài nấm bào ngư, nông dân quận Bình Thủy còn phát triển nghề trồng nấm linh chi, cho thu nhập cao, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, là loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, có khả năng nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.

Cần Thơ định hướng phát triển mô hình nông nghiệp, xây dựng và giữ vững thương hiệu địa phương

Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Cần Thơ đã xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện để thúc đẩy phát triển ngành. Giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh hướng người nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản. Không chỉ nâng cao chất lượng trong sản xuất cây lúa, nhiều địa phương ở thành phố Cần Thơ đã đưa công nghệ cao vào sản xuất trên nhiều loại cây khác. Giai đoạn 2021-2025, đề án đề ra mục tiêu triển khai nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao các quy trình công nghệ và sản xuất đại trà giống cây, con..., chủ yếu như lúa, rau, hoa, cây ăn trái, heo, bò, gà, vịt, thủy sản. Đề án cũng đề cập đến việc kết hợp ngành du lịch của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng hệ thống các điểm và tour tham quan sinh vật cảnh, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái để giới thiệu các mặt hàng nông - thủy sản chất lượng cao của khu nông nghiệp công nghệ cao.

Cần Thơ cũng sẽ tập hợp và xây dựng mạng lưới vệ tinh cho khu nông nghiệp công nghệ cao như nông hộ, trang trại, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp..., nhằm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ ra sản xuất đại trà các sản phẩm, dịch vụ của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thiện trụ sở điều hành của ban quản lý, các phòng phân tích, thí nghiệm.

Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Cần Thơ vừa đáp ứng các điều kiện về tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo an toàn tiêu dùng. Đây cũng là xu thế tất yếu đưa nông nghiệp hội nhập.

Hiện thành phố Cần Thơ có khoảng 200 ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (như: VietGAP, BMP, ASC, BAP…); trên 100 ha lúa rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hàng chục mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng và được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch sinh thái. Có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.

Trên địa bàn Thành phố dần hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố. Đó là làng hoa cảnh Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thủy); Câu lạc bộ Hoa cảnh Trường Trung B, Hợp tác xã Hoa cảnh Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Điền); mô hình trồng lan tại quận Cái Răng, Ô Môn và Bình Thủy… Nhiều mô hình trồng rau sạch bằng hình thức thủy canh, nhà lưới xuất hiện, như mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ Israel tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; sản xuất rau thủy canh tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; sản xuất nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi… Bên cạnh đó, phong trào nuôi cá cảnh dần khôi phục ở Tổ Hợp tác Nuôi cá cảnh phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; sản xuất cá cảnh tại xã Giai Xuân, Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền của huyện Phong Điền…

Thành phố Cần Thơ là 1 trong 8 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long được chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2016 – 2020. Đây là dự án có nguồn kinh phí tài trợ lớn nhất trong các dự án hỗ trợ quốc tế cho nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, đến nay, Dự án đã thực hiện được trên 400 lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức về ứng dụng kỹ thuật cao.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp khuyến khích các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố phát triển dịch vụ về nhân giống. Mỗi quận, huyện tiếp tục hình thành hệ thống nhân giống xác nhận chất lượng để đáp ứng yêu cầu sản xuất của địa phương, tiến tới cung ứng giống cho các tỉnh lân cận…

Năm 2018, thành phố Cần Thơ xác định tập trung thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và thương hiệu hàng hóa, sản phẩm trong nước, quốc tế. Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sang tư duy phục vụ doanh nghiệp.

Hiện nay việc nhận diện thương hiệu các sản phẩm cây ăn trái của Cần Thơ chưa thật sự nổi tiếng, vẫn chưa lan tỏa rộng khắp trong phạm vi trong nước và quốc tế, dù các loại trái cây này đã có nhãn hiệu từ lâu. Để có thể giúp trái cây của Cần Thơ định vị được trên thị trường, Cần Thơ đang tập trung phát triển những vùng cây ăn trái đã có thương hiệu này với quy mô lớn hơn. Đồng thời, gắn kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu để đưa các loại trái cây chất lượng của Cần Thơ ra thị trường thế giới.

Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng sẽ tham mưu cho UBND thành phố để ban hành thêm các chính sách hỗ trợ cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn trái của từng địa phương.

Nguồn: VITIC

Liên kết website