Theo thống kê, toàn huyện Châu Thành có 10.688ha đất nông nghiệp, trong số này có hơn 8.000ha đã trồng thanh long, chiếm hơn 80% diện tích trồng thanh long toàn tỉnh; trong đó, có hơn 2.500 ha thanh long ruột trắng, gần 5.500 ha ruột đỏ, diện tích thanh long cho trái gần 7.000 ha với tổng sản lượng thanh long đạt gần 280.000 tấn/năm. Sắp tới, huyện chủ trương chỉ giữ lại khoảng 1.000ha đất để nuôi tôm, số còn lại tiếp tục khuyến khích người dân chuyển sang trồng thanh long.
Cây thanh long Châu Thành phát triển rất tốt, được coi là cây trồng chủ lực của Tỉnh
Thời gian gần đây, trái thanh long không chỉ mang đến đời sống sung túc cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Cuộc sống khấm khá hơn, nông dân tự nguyện cùng chính quyền làm đường nông thôn, xây cầu, trạm y tế, hệ thống nước sạch...
Đến thời điểm này, đã có 9/12 xã của huyện được công nhận xã nông thôn mới và huyện tiến tới được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay.
Để sản xuất thanh long hiệu quả bền vững và ngày càng phát triển, tỉnh Long An đang thực hiện Đề án quy hoạch vùng trồng thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Nông dân trồng thanh long ngày càng quan tâm đầu tư giống, công nghệ và tham gia vào các hợp tác xã để sản xuất lớn, cùng nhau mở ra hướng đi lâu dài.
Cung vượt cầu khiến giá thanh long Châu Thành đột ngột giảm mạnh
Mặc dù là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, tuy vậy, hiện tượng trồng thanh long tự phát, chưa có kế hoạch trồng và bao tiêu sản phẩm dẫn đến mỗi khi đến vụ thu hoạch, giá thanh long sụt giảm khiến người trồng lao đao.
Thực tế, thời điểm hiện tại là vụ thu hoạch thanh long của người dân Châu Thành, tưởng chừng giá thanh long vẫn ở mức cao, mang lại lợi nhuận lớn thì bất ngờ những ngày gần đây lại giảm mạnh. Giá thanh long đang ở mức khoảng 20.000 - 25.000đồng/kg (ruột đỏ) thì bất ngờ giảm xuống còn khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg loại một trong tuần nay. Trong khi đó, loại hai và loại ba giảm chỉ còn 2.000 -3.500 đồng/kg. Thanh long ruột trắng cũng giảm từ mức 15.000 đồng/kg xuống còn dưới 3.000 đồng/kg. Dù giá thấp nhưng có trường hợp thương lái sẵn sàng bỏ tiền cọc.
Năm nay, thanh long thu hoạch tập trung vào thời điểm cuối vụ với số lượng lớn do người dân dự đoán thị trường cuối vụ giá cao như mọi khi, nhiều nhà vườn cũng cố giữ trái nên trái không đẹp. Tuy vậy, những vườn canh tác theo tiêu chuẩn GAP, thu hoạch đạt chất lượng xuất khẩu vẫn bán được trên mức giá 10.000 đồng/kg.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Châu Thành có hơn 200 cơ sở và doanh nghiệp đang tập trung thu mua thanh long xuất khẩu. Tuy nhiên, do sản lượng thu hoạch quá tập trung nên hệ thống kho dự trữ, việc điều phối xe lạnh vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, UBND huyện Châu Thành kêu gọi các doanh nghiệp cố gắng thu mua để người dân "vớt vát" lại chi phí đầu tư trong vụ này.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cho trái thanh long Châu Thành
Hiện tượng được mùa mất giá hiện vẫn xảy ra đối với trái thanh long Châu Thành, do đó, thời gian tới, để giải quyết thực trạng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, người dân Châu Thành cần phải phát triển diện tích vùng trồng theo đúng quy hoạch và thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long, cùng với đó, tích cực tham khảo các mô hình trồng, chế biến trái thanh long nhằm đa đạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trái thanh long, giải quyết phần nào đầu ra cho trái thanh long mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long
Để nâng cao chất lượng thanh long Châu Thành, từ năm 2016, tỉnh Long An đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành, với việc thực hiện Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao.
Sau hơn hai năm đi vào thực hiên, đến nay, huyện Châu Thành đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó, huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch xác định vị trí, ranh giới của vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao diện tích 2.000ha, với hơn 5.300 hộ tại 12 xã, thị trấn. Đến nay, địa phương đã triển khai trên 1.300ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, với hơn 2.200 hộ tham gia. Huyện có 77 mô hình tưới nước tiên tiến với diện tích 56,75ha; xây dựng 4 mô hình ủ phân hữu cơ từ cành thanh long, bố trí 170 thùng chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương...
Ở vùng trồng cây thanh long đã xây dựng 14 mô hình, diện tích 302ha ứng dụng công nghệ cao, có kết hợp sản xuất VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, tưới nước tiết kiệm… Kết quả cho thấy, mô hình tưới nước này đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm lượng điện, nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón... lợi nhuận tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha.
Nông dân lắp camera giám sát tại vườn thanh long
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long bước đầu mang lại hiệu quả, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp trong những năm tiếp theo. Đây là bước đi đúng đắn trong nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, giá trị cao, tăng lợi nhuận và tạo nhãn hiệu riêng cho trái thanh long.
Thông qua đề án, nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi tập quán, tư duy canh tác. Nông dân bắt đầu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống. Gắn với thực hiện đề án là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, các thành viên được tập huấn, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Huyện Châu Thành đề xuất tỉnh cần xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành nói riêng và thanh long Long An nói chung, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trái thanh long trên thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, đăng ký mã vạch, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho cây thanh long. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục thiết bị, công nghệ ưu tiên hỗ trợ nhằm bảo đảm lộ trình đề ra.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện có 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, 50 hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn. Từ đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững và phát huy được thế mạnh của địa phương.
Đa dạng hóa sản phẩm thanh long
Ngoài những bất cập trong quy hoạch như đã nói ở trên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thanh long Châu Thành cũng đã được người dân vùng này quan tâm, đó là vấn đề thanh long bị mất giá, phải đổ bỏ.
Để tránh việc phải vứt bỏ quả thanh long mỗi khi mất giá, không thể tiêu thụ được, nông dân ở tỉnh Long An đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm chế biến từ loại quả này.
Đó là sáng chế sản phẩm rượu vang của người dân xã Long Trì, huyện Châu Thành. Sau gần 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm rượu vang thanh long của xã Long Trì đã xuất xưởng. Hiện nông dân xã này đã sản xuất được 5 sản phẩm rượu từ quả thanh long.
Cũng tại huyện Châu Thành, sản phẩm thanh long sấy dẻo đã được nghiên cứu thành công. Ưu thế của sản phẩm là giữ được gần như trọn vẹn màu sắc và hương vị của thanh long tươi. Những sản phẩm này đã đang giúp tăng giá trị quả thanh long lên từ 3 - 5 lần.
Hy vọng, với những giải pháp được đưa ra, cùng với những sáng tạo của người dân, dự báo trái thanh long Châu Thành sẽ góp ngày càng được vươn xa, cuộc sống của người dân Châu Thành, Long An sẽ được cải thiện hơn nữa...
Nguồn: VITIC