Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, hiện Đồng Nai có khoảng 48.000 ha cây ăn quả. Trong đó, có nhiều loại trái cây của Đồng Nai được coi là đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, bưởi, quýt, xoài, mít, bơ... với sản lượng khoảng hơn 500.000 tấn/năm.
Đồng Nai là tỉnh miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ phía đông của Tp. Hồ Chí Minh, phía bắc giáp Lâm Đồng, phía đông giáp Bình Thuận, phía tây giáp Bình Dương, Bình Phước và Tp. Hồ Chí Minh, phía nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh Đồng Nai nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và một nhánh của nó là sông La Ngà, có sông Lá Buông chảy qua, có nhà máy thủy điện Trị An...
Địa hình Đồng Nai gồm một số thung lũng, đồng bằng, gò, đồi thấp, tuy nhiên phần đất tiếp giáp với cao nguyên Lâm Viên và Di Linh thì tương đối cao. Phần lớn đất ở Đồng Nai là đất bazan, đất xám và đất phù sa cũ rất tốt cho việc trồng trọt. Bởi vậy Đồng Nai trồng nhiều cây công nghiệp (cây cao su, cà phê...), cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên thuận lợi là một yếu tố quan trọng giúp Đồng Nai có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với rất nhiều đặc trưng, đặc sản trọng điểm.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất trái cây hiệu quả cao như vùng sản xuất xoài ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) và xã La Ngà (huyện Định Quán); bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh... hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường.
Đồng Nai nổi tiếng với các đặc sản địa phương phong phú
Sầu riêng (Long Khánh)
Tại Đồng Nai, sầu riêng được trồng nhiều ở Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán, song nổi tiếng nhất là sầu riêng Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc bới, chất lượng thơm ngon, năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Mới đây, đặc sản chôm chôm và sầu riêng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (Long Khánh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Hai loại trái cây này của HTX gồm các loại chôm chôm Rong Riêng, Nhãn, Java cùng các giống sầu riêng Dona, Hạt lép, Ri6 và Chín Hóa. Căn cứ vào các quy chế nhãn hiệu đã được đăng ký, các sản phẩm này khi xuất bán trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, trọng lượng.
Thị xã Long Khánh hiện có trên 3.000 ha chôm chôm và gần 1.300 ha sầu riêng. Sản lượng chôm chôm hàng năm đạt trên 40.000 tấn và sầu riêng đạt khoảng 4.700 tấn. Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương.
- Hồ tiêu Xuân Lộc
Sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đây là điều kiện để mở ra những cơ hội lớn cho sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc phát triển thương hiệu trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và hướng đến sản xuất các sản phẩm hồ tiêu sạch, an toàn.
Theo phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, cây hồ tiêu trên địa bàn đã được huyện Xuân Lộc quy hoạch theo tiểu vùng sản xuất chuyên canh tập trung và hiện tại đang là cây trồng lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao nhất so với các cây trồng khác. Doanh thu trên 01 hécta tiêu đạt từ 300-600 triệu đồng. Tổng diện tích tiêu của huyện Xuân Lộc hiện nay khoảng trên 2.800 ha, tăng 353 ha so với năm 2014, trong đó diện tích cho sản phẩm là gần 2.000 ha, năng suất bình quân của cây tiêu đạt khoảng 30 tạ/ha. Cây tiêu tập trung nhiều ở các xã Suối Cao, Xuân Thọ, Xuân Bắc, Xuân Trường, Xuân Hiệp, Lang Minh…, giống tiêu được trồng chủ yếu trên địa bàn là tiêu Vĩnh Linh.
Theo phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, hiện nay trên địa bàn huyện có 01 hợp tác xã nông nghiệp Xuân Thọ chuyên về cây hồ tiêu, với diện tích đăng ký là 60 ha. Ngoài ra còn có 42 Câu lạc bộ năng suất cao cây hồ tiêu, với 1.418 thành viên trên diện tích tham gia là 1.117 ha. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề tiêu thụ hồ tiêu đa phần bà con vẫn bán qua kênh thương lái. Chỉ có hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ mỗi năm xuất khẩu gần 100 tấn ra thị trường Ấn Độ thông qua Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam. Để nâng cao khả năng xuất khẩu, sau khi có chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, thời gian tới huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm hồ tiêu với nông dân, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và xây dựng cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu.
Thời gian qua, việc sản xuất tiêu còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, sản xuất theo kinh nghiệm là chính và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giá trị trong xuất khẩu hồ tiêu không cao. Để nâng cao giá trị xuất khẩu hồ tiêu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt ra không chỉ đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu mà còn đối với cả những người sản xuất và các nhà vườn.
Thông qua các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật, dự án “Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc” đã đạt được những kết quả rất tích cực. Sau khi được Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Đông Nam bộ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, các nhà vườn đã thay đổi nhận thức và thói quen chăm sóc cây hồ tiêu. Vườn hồ tiêu của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh hại, đặc biệt chưa có biểu hiện của bệnh chết nhanh.
Theo đánh giá, hạt tiêu tại vùng đất Xuân Lộc có chất lượng tốt, sọ tiêu to, chắc, vị cay nồng rất đặc trưng. Song thời gian qua do chưa có thương hiệu nên hạt tiêu của Xuân Lộc luôn chịu giá bán ngang với hạt tiêu các vùng khác. Việc cấp nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc” này không chỉ giúp cho hạt tiêu của Xuân Lộc có chỗ đứng trong thị trường nội địa mà mở ra cơ hội tiến xa ra thị trường quốc tế.
Theo sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, hiện nay cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đều đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải phát huy, quảng bá thương hiệu để thương hiệu hồ tiêu Xuân Lộc trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc.
- Xoài Xuân Hưng (Xuân Lộc)
Hiện Đồng Nai có gần 60 ha xoài được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng cánh đồng lớn cho cây xoài tại 2 huyện Định Quán và Xuân Lộc với tổng diện tích khoảng 3,4 nghìn ha.
Sau 9 năm đàm phán, xoài của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang Australia. Trong tháng 9/2016, lô xoài đầu tiên đã có mặt tại tại thị trường khó tính này.
Từ năm 2015, Bộ Nông - Lâm - Thuỷ sản Nhật Bản đã cấp phép cho trái xoài của Đồng Nai vào thị trường nước này.
Theo đó, giống xoài trồng tại huyện Xuân Lộc được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và đồng ý cấp phép vào thị trường Nhật Bản. Hiện, tổng diện tích xoài của huyện Xuân Lộc sản xuất theo hướng GAP khoảng 54 ha, riêng xã Xuân Hưng có hơn 30 ha xoài VietGAP. Trước đó, đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã đến khảo sát thực tế các vườn cây ăn trái tại Đồng Nai. Đoàn đã đánh giá cao chất lượng trái xoài được trồng tại tỉnh và bày tỏ mong muốn nhập xoài về nước của họ với số lượng lớn.
- Bưởi Tân Triều
Bưởi Tân Triều có múi vàng, tép to, vị ngọt lịm, dáng đẹp,, không để lại hậu đắng, nước nhiều. Ngoài ra Bưởi Tân Triều được mọi người ưa chuộng vì lớn trái, vỏ mỏng, ít hạt, tép nào cũng no, tròn, mướt rượt và ngọt ngào, mát dịu.
Ở Biên Hòa có cả chục loại bưởi: Thanh trà, đường lá cam, bưởi xiêm, bưởi ổi, bưởi núm, bưởi thanh long, bưởi thanh dây… Mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau, có loại ngọt, loại chua đáp ứng đầy đủ thị hiếu khách hàng, nhưng đều có chung một điểm là vỏ bưởi mỏng tang. Múi bưởi mọng nước nhưng vẫn có độ giai dòn nhất định. Bưởi Tân Triều có thể để được rất lâu. Bởi vậy khách du dịch mua bưởi về làm quà không lo bưởi hỏng.
Hiện cả Tân Triều có khoảng 400ha bưởi, chủ yếu là giống bưởi đường lá cam, bưởi xiêm ruột đỏ, bưởi da xanh ruột hồng, bưởi ổi, bưởi da láng… Giá bưởi Tân Triều dao động theo từng năm, bình quân giá bưởi đường lá cam, bưởi ổi bán tại vườn khoảng 280 - 300 ngàn đồng/12 trái. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, giá có thể lên đến 1 - 1,7 triệu đồng/12 trái. Bưởi Tân Triều không chỉ tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà đang được xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu như: Hà Lan, Đức…
Từ năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giá trị thương hiệu bưởi Tân Triều, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh cho loại nông sản này trên thị trường trong và ngoài nước.
Định hướng phát triển đặc trưng, đặc sản tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai đã thực hiện Chương trình phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu và đã đạt được kết quả nền cho phát triển. Trong 5 năm qua, Chương trình đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây trồng chủ lực như: bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc)…
Các cây trồng chủ lực đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như: điều Donafoods, sầu riêng Dona, xoài Suối Lớn. Một số cây trồng chủ lực đã đạt diện tích thâm canh cao như: cây xoài thâm canh được 73,9 hécta (đạt 107,8%); sầu riêng thâm canh được 155,2 hécta (đạt 122,5%)… Ngoài ra, Sở Khoa học và công nghệ đã triển khai và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 16 tổ chức, cá nhân, trong đó có 14 đơn vị sản xuất - kinh doanh trái cây, nấm, rau và 2 đơn vị chăn nuôi heo.
Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh có quy hoạch cánh đồng lớn cho 19 loại cây trồng như cà phê, tiêu, cao su, bưởi, chuối, sầu riêng... Tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho mô hình này để thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia.
Khi xây dựng chỉ dẫn địa lý, tỉnh cũng sẽ ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động chỉ dẫn địa lý như: quy trình trồng và chăm sóc, bảo quản chôm chôm; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm. Tiếp đến là thúc đẩy áp dụng triển khai thực tế vùng canh tác nhằm đảm bảo sản phẩm được kiểm soát và đạt tiêu chuẩn như đăng ký.
Nhằm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và uy tín chất lượng nông sản, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai chương trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng các đề tài khoa học phục vụ sản xuất. Với những trái cây, nông sản đã có thương hiệu, các địa phương nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý để được bảo vệ pháp lý. Đồng thời, khi có nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, nông sản và trái cây dễ dàng mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Cơ hội để trái cây thâm nhập các thị trường mới nhằm nâng cao giá trị hiện rất rộng mở.
Từ đầu năm 2017 đến nay, dưới sự chủ trì của Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại (XTTM) Đồng Nai đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ quảng bá tại các tỉnh như Cà Mau, Đắk Lắk, Trà Vinh, Vĩnh Long.... như Hội chợ Thương mại và tiêu dùng Đồng Nai năm 2017, tham gia hội nghị "Kết nối cung - cầu tiêu thụ trái cây, rau, củ, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây”… Ngoài ra, Sở Công Thương Đồng Nai còn tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp xuất khẩu để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Năm 2017, Sở Công Thương đã được UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại của tỉnh. Trong đó, giao Sở Công Thương tổ chức 30 chuyến đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, 10 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 1 tuần hàng Việt và 1 hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bên cạnh các chuyến XTTM trong nước, hàng năm Sở Công Thương Đồng Nai đều tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở những thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Đức... và một số thị trường mới. Các đoàn XTTM được tổ chức nhằm thúc đẩy giao thương, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ứng dụng trong sản xuất, tạo cơ hội mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là cơ hội để chính quyền, cơ quan quản lý Đồng Nai giới thiệu với các đối tác tiềm năng về cơ sở hạ tầng cũng như các ưu đãi đang được nhà nước áp dụng khi đầu tư vào Đồng Nai.
Song song với các hoạt động hội chợ, triển lãm, Trung tâm XTTM Đồng Nai còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường, nghiên cứu xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ thông qua việc triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Chương trình XTTM tại Đồng Nai đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giúp doanh nghiệp Đồng Nai có cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính. Với những kết quả đã đạt được và sự chuẩn bị chu đáo cho những chuyến đi kế tiếp, chương trình XTTM Đồng Nai sẽ là người bạn đồng hành tin cậy của người nông dân và doanh nghiệp tỉnh nhà.
Nguồn: VITIC