Cây Hồ tiêu Phú Quốc trồng cách đây hàng trăm năm, tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Giống trồng chủ yếu là 2 giống Hà Tiên và Phú Quốc (Hồ tiêu lá lớn và Hồ tiêu lá nhỏ). Hai nhóm giống này có thời gian thu hoạch gần tương đương nhau từ tháng 11 âm lịch kéo dài hết tháng 2 âm lịch. Giống Hà Tiên có năng suất cao hơn nhóm Phú Quốc nhưng tuổi thọ và kháng sâu bệnh kém hơn.
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc, không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu nơi đảo ngọc này mà còn là điều kiện thuận lợi đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu ra thị trường thế giới, với sức cạnh tranh cao về giá cả, chất lượng của sản phẩm.
Hiện nay, huyện Phú Quốc đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Hồ tiêu Phú Quốc”, đảm bảo giá trị của sản phẩm tương xứng với chất lượng vốn có của nó. Đồng thời có chính sách, cơ chế giữ vững, và phát triển nhãn hiệu tập thể này, đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của người trồng tiêu ở Phú Quốc bao đời nay. Huyện nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị lợi nhuận cho người trồng tiêu.
Hồ tiêu Phú Quốc là một đặc sản nổi tiếng bởi vị thơm, cay nồng và đậm đà hương vị hơn so với tiêu được trồng ở các vùng khác.
Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, cay nồng, có vị thơm đậm hơn tiêu trồng ở xứ khác. Trái tiêu từ màu đỏ ối đổi sang màu đen đậm. Tiêu được phơi ít nhất 10 ngày rồi mới sàng sẩy cho sạch bụi. Những vùng trồng tiêu nhiều là ấp Gành Gió, ấp Suối Đá, ấp Suối Mây và Khu Tượng. Nghề trồng tiêu ở Phú Quốc ngoài mục đích kinh tế còn mang đậm giá trị về văn hóa và du lịch. Tiêu không chỉ là đặc sản địa phương mà còn là món quà độc đáo với khách du lịch gần xa khi đến du lịch Phú Quốc.
Hồ tiêu Phú Quốc
Tiêu ở Phú Quốc được thu hoạch và sơ chế thủ công, và được chia thành ba loại theo đặc tính riêng. Khi tiêu chín, những hạt tiêu chín đỏ sẽ được đem phơi riêng gọi là “Tiêu Đỏ”, với những hạt còn xanh được chọn ra sau khi đem phơi khô sẽ có màu đen gọi là “Tiêu Đen”, loại tiêu đen này được tẩy lớp vỏ bên ngoài vỏ chỉ còn phần lõi hạt gọi là màu sáng được gọi là “Tiêu Sọ”. Tiêu sọ là loại tiêu thơm ngon và có giá trị nhất nên nhiều người ưa chuộng và lựa chọn khi mua làm quà du lịch cho người thân và bạn bè.
Một đặc tính canh tác nữa là hàng năm người trồng tiêu thường lấy những vùng đất mới xung quanh vườn bón xung quanh gốc cây (còn gọi là xây thầu). Cây nọc (choái) chủ yếu là nọc sống. Ngoài ra, người trồng không hoặc rất ít sử dụng phân bón hóa học.
Thời gian gần đây, giá tiêu Phú Quốc liên tục giảm. Thời điểm hiện tại, tại các nhà vườn tại xã Cửa Dương, giá bán tiêu cho thương lái với giá bình quân chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg, giảm rất mạnh so với thời điểm năm 2016 - 2017 có giá từ 170.000 - 200.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng tiêu không có lãi và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích hồ tiêu ở Phú Quốc theo xu hướng giảm dần.
Theo UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang): Hiệu quả kinh tế của cây tiêu không còn cao nên diện tích tiêu cũng giảm mạnh, từ hơn 520ha (năm 2016 - 2017), hiện xuống còn khoảng 320ha.
Định hướng phát triển hồ tiêu Phú Quốc gắn liền với du lịch của tỉnh Kiên Giang
Để nâng cao chất lượng tiêu Phú Quốc, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất tiêu và quy hoạch phát triển hồ tiêu trên đảo Phú Quốc đến năm 2020 khoảng 500 - 550ha, năng suất từ 3 - 4 tấn/ha; tập trung ở các xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Cửa Dương…
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cùng Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tiêu Phú Quốc đạt chuẩn GlobalGAP” nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá cho du lịch Phú Quốc về sản phẩm hồ tiêu; Sở Khoa học và Công nghệ cũng thực hiện phương pháp giúp nông dân phun tưới nhỏ giọt vườn tiêu; cách phòng trị bệnh; giống mới… Ngành du lịch tỉnh cũng đã nghiên cứu “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn tiêu ở đảo Phú Quốc”…
Với những giải pháp trên, các ngành ở Phú Quốc hy vọng không chỉ giúp nông dân Phú Quốc sản xuất hồ tiêu truyền thống để bán hạt, mà còn phát triển du lịch tại các vườn tiêu.
Theo đó, trong thời gian gần đây, huyện Phú Quốc đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vườn hồ tiêu, góp phần cho du lịch đảo ngọc thêm xanh, thân thiện với môi trường. Sản phẩm này vừa phục vụ du khách thăm quan, tìm hiểu nghề truyền thống của địa phương, vừa nâng lên giá trị cây hồ tiêu, giúp các nhà vườn thu nhập cao trong phát triển kinh tế gia đình.
Phú Quốc hiện có hơn 500 ha hồ tiêu, với sản lượng tiêu hạt hơn 1.250 tấn/năm. Sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận “Nhãn hiệu tập thể” được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết trồng tiêu ở Phú Quốc là nghề truyền thống của địa phương có từ lâu đời. Đây là những cơ sở khoa học kết hợp với thực tế nghề trồng tiêu của các nhà vườn Phú Quốc để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vườn hồ tiêu nơi đảo ngọc.
Theo các nhà vườn xã Cửa Dương (Phú Quốc) tiêu trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP mang về cho nhà vườn sản phẩm tiêu hạt chất lượng cao và những nguồn lợi khác từ du lịch, bình quân mỗi ngày đón hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan vườn, tận hưởng không gian xanh, thoáng mát, yên tĩnh và tìm hiểu nghề trồng tiêu. Ngoài việc tập trung chăm sóc, phát triển vườn tiêu luôn xanh tốt, tạo cảnh quan đẹp mắt, nâng cao năng suất, chất lượng tiêu hạt, nhà vườn này còn sản xuất chế biến muối tiêu các loại, sản phẩm tiêu xanh, tiêu khô…; đầu tư xây dựng nhà nghỉ sinh thái, thư giãn và tổ chức một số dịch vụ phụ trợ phục vụ khách du lịch.
Theo mô hình du lịch sinh thái của các nhà vườn, diện tích 7,8 ha, với vườn hồ tiêu 700 gốc trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP tạo cảnh quan xanh mát. Phục vụ khách du lịch, ngoài việc xây dựng khu sản xuất tiêu thương phẩm, các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu, vườn hồ tiêu này phân ra các lô giới thiệu từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây tiêu; lịch sử hình thành và phát triển của cây tiêu Phú Quốc; trưng bày, giới thiệu những nông cụ phục vụ nghề trồng tiêu; khu trưng bày và bán các loại tiêu hạt, sản phẩm chế biến từ hạt tiêu phục vụ du khách kết hợp quảng bá tiềm năng du lịch Phú Quốc.
Hiện nay, du lịch sinh thái vườn hồ tiêu trên đảo ngọc đang là một sản phẩm khá hấp dẫn, thu hút du khách tìm đến thư giãn, thưởng ngoạn cảnh quan tươi đẹp, hữu tình trong những chuyến đi du lịch Phú Quốc. Du khách đến đảo Phú Quốc không chỉ khám phá những danh lam, thắng cảnh, thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo… mà còn hiểu biết thêm nét đẹp văn hóa, những sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc qua các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đây là điều kiện để hồ tiêu Phú Quốc mở rộng thị trường, vươn ra thế giới, góp phần quảng bá du lịch Phú Quốc - Kiên Giang là một điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam. Sản phẩm du lịch này không những góp phần nâng cao giá trị của nghề trồng tiêu Phú Quốc tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực cho các nhà vườn, khách du lịch mà còn chuyển tải thông điệp bảo vệ, khôi phục, tái tạo môi trường, cảnh quan thiên nhiên xanh, thân thiện cho cuộc sống con người.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vườn hồ tiêu ở Phú Quốc hướng đến các tiêu chí gồm: Vườn hồ tiêu có diện tích đảm bảo thiết kế nơi ăn, nghỉ ngơi thư giãn, thăm quan và dịch vụ phục vụ du khách; nhà vườn đã tham gia tập huấn sản xuất, trồng tiêu theo quy trình Global GAP; có khả năng tài chính tham gia kinh doanh du lịch; nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cơ bản phục vụ dịch vụ du lịch. Cùng với đó, mô hình xây dựng các phân khu giới thiệu vòng đời cây tiêu từ khâu chọn giống trồng, các giai đoạn sinh trưởng đến thu hoạch sản phẩm; khu tham quan giống, ươm mầm, sản xuất, đóng gói các sản phẩm tiêu; khu trưng bày và bán sản phẩm kết hợp giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Phú Quốc - Kiên Giang. Mô hình tổ chức có hệ thống, quy trình phối hợp giữa nhà vườn, chính quyền địa phương, công ty lữ hành và du khách tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương.
Hiện nay, ngoài các vườn hồ tiêu theo mô hình du lịch sinh thái đang phục vụ khách du lịch trên đảo, Phú Quốc tiếp tục lựa chọn phát triển thêm những vườn hồ tiêu khác. Các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những vườn hồ tiêu xanh tốt, đẹp mắt, năng suất, chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước. Trước mắt, chọn lọc hỗ trợ một số nhà vườn cải tạo, nâng lên chất lượng vườn tiêu, phát triển thêm các dịch vụ phụ trợ, tạo cảnh quan môi trường, bố trí tiểu cảnh… đảm bảo phục vụ chu đáo, tạo ấn tượng đẹp, thân thiện, hiếu khách trong mắt khách du lịch.
Nguồn: VITIC