Thứ Hai, 28/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cần đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi sẻ Khánh Hòa

Sau hơn 20 năm, giống tỏi của huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi được mang vào trồng tại Khánh Hòa, mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, những người trồng tỏi có thu nhập ổn định nên nhiều người đã chuyển đổi từ các loại cây khác sang cây tỏi. Do đó, diện tích tỏi Khánh Hòa là 600 ha, cao gấp đôi ở đảo Lý Sơn. Nhưng đến nay, tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có thương hiệu riêng. Muốn tỏi Khánh Hòa có một chỗ đứng cần phải có một thương hiệu được bảo hộ.

Nguồn gốc xuất xứ tỏi Khánh Hòa

Khánh Hòa hiện có diện tích trồng tỏi lớn nhất nước, tập trung ở hai địa phương là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, với tổng diện tích 573ha. Tỉnh này đang quy hoạch đến năm 2020 diện tích tỏi là 600ha. Trong 7 xã trồng tỏi gồm: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Vạn Hưng, Vạn Thanh (huyện Vạn Ninh), thì xã Vạn Hưng có diện tích trồng tỏi lớn nhất với 290ha. Xã Ninh Phước có khoảng 100 hộ người Lý Sơn trồng tỏi, diện tích khoảng 200 ha.

Cách đây hơn 20 năm, giống tỏi sẻ Khánh Hòa được một số hộ dân từ vùng đất Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang vào trồng thử nghiệm và phù hợp để phát triển. Đến nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương có sản lượng trồng tỏi lớn nhất cả nước. Mùa tỏi bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và thu hoạch vào tháng 1 - 2 năm sau. Theo khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 500ha trồng tỏi, năng suất trung bình khoảng 8 tấn/ha, sản lượng xấp xỉ 4.000 tấn tỏi khô/vụ.

So với các loại cây trồng khác như bắp, đậu xanh, cà chua thì tỏi mang lại giá trị kinh tế cao hơn.Theo hiệu ứng dây chuyền, người Khánh Hòa bản địa bắt đầu trồng tỏi từ Vạn Giã đến Ninh Vân, Đầm Môn, Bãi Giếng, Hòn Tre, Hòn Lớn.

Như vậy, sau hơn 20 năm, giống tỏi của huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi được mang vào trồng tại Khánh Hòa, mang lại giá trị kinh tế cao dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa. Từ một mô hình nhỏ, hiện nay, khu vực này đã hình thành những vùng chuyên canh trồng tỏi với diện tích hàng trăm ha và thành lập hợp tác xã để chế biến chuyên sâu tạo ra nhiều sản phẩm từ tỏi.

Đến nay, đã có hơn 150 hộ gốc gác là người dân Lý Sơn trồng tỏi ở Khánh Hòa. Từ Ninh Phước, tỏi được mở rộng ra đến xã Vạn Hưng. Vạn Hưng bây giờ được xem là vùng đất mới của tỏi Khánh Hòa. Ở đây nhà nhà, người người trồng tỏi. Chính cây tỏi đã kéo thanh niên đi làm ăn xa trở về quê lập nghiệp.

Tiềm năng để phát triển tỏi sẻ Khánh Hòa rất lớn

Để trồng được tỏi trên đất cát phèn, người trồng tỏi phải trộn thêm cát vôi với tỷ lệ 50-50 hoặc 60-40, nếu tỷ lệ đất cát phèn cao quá thì ảnh hưởng tới chất lượng tỏi. Với người quen trồng tỏi, chỉ cần bốc cát lên tay rồi cho rơi, nhìn cách cát rơi và phản xạ ánh sáng là biết được độ phèn… Để làm ruộng trồng tỏi, phải cào lớp đất màu ở trên qua một bên, san lớp đất bên dưới cho bằng phẳng, đưa lại đất màu lên, rồi phủ cát vôi lên trên cùng. 

Theo người dân trồng tỏi, Khánh Hòa có nhiều điều kiện phát triển trồng tỏi, nhờ khí hậu ổn định, mưa nhiều, nắng không gay gắt, đất đai rộng rãi. Nếu đầu tư tốt, thời tiết tốt, tỏi Khánh Hòa có thể đạt năng suất 15 tấn tươi-19 tấn tươi/1 ha.Trong khi đó, chi phí cũng như sự tiện lợi trong việc vận chuyển của tỏi Khánh Hòa dễ dàng. Hầu hết diện tích tỏi ở Khánh Hòa được trồng theo phương thức công nghiệp, có hệ thống tưới phun sương.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang xây dựng mô hình điểm, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 500 triệu đồng/ha trồng tỏi.

Cung vượt cầu, giá giảm mạnh

Mùa tỏi bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và thu hoạch vào tháng 1-2 năm sau đó. Mỗi năm chỉ làm được một vụ tỏi, thời gian “đất rảnh” sẽ trồng hoa màu khác. Mỗi ha đất nơi đây trung bình thu hoạch 7-8 tấn tỏi khô.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trung bình mỗi ha trồng tỏi cho năng suất 8 tấn. Tổng lượng tỏi Khánh Hòa ước đạt 10.000 - 15.000 tấn tỏi tươi và gần 5.000 tấn tỏi khô/năm.

Huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa được xem là hai vựa tỏi lớn của Khánh Hòa khi có diện tích trên 600 ha trồng tỏi và cho năng suất hơn 5.000 tấn tỏi khô/vụ.

Mùa tỏi năm nay đạt năng năng xuất cao khi mỗi ha thu từ 12-15 tấn tỏi tươi, thậm chí nhiều hộ đạt năng suất 15-17 tấn/ha. Hiện toàn xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh có hơn 200 hộ trồng tỏi, chủ yếu ở thôn Xuân Tây và thôn Xuân Đông với khoảng 200ha.

Sau thu hoạch nếu tỏi được phơi đủ nắng (25-30 ngày nắng) có thể bảo quản trên 6 tháng. Nếu bảo quản tốt có thể để đến Tết Nguyên Đán bán với giá từ 120 - 140 nghìn đồng/kg.

Những năm gần đây, những người trồng tỏi có thu nhập ổn định nên nhiều người đã chuyển đổi từ các loại cây khác sang cây tỏi, trong khi đó đầu ra chưa ổn định. Năm nay, năng suất trồng tỏi cao, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá tỏi liên tục rớt giá. Hiện giá tỏi khô đang được chào bán với giá 25.000 đồng/kg – gần bằng 1/2 giá tỏi năm trước nhưng thương lái vẫn không thu mua. Riêng xã Ninh Hòa có khoảng 500 ha trồng tỏi. Hiện còn khoảng 1.000 tấn tỏi khô đang tìm đầu ra. Tương tự, xã Vạn Hưng có hơn 200 hộ trồng tỏi, chủ yếu ở thôn Xuân Tây và thôn Xuân Đông với khoảng 200ha. Hiện nay, người dân tồn hơn 200 tấn tỏi khô chưa bán được.

Còn nhiều vướng mắc trong khâu sản xuất tỏi sẻ Khánh Hòa

Cây tỏi sẻ Khánh Hòa đã được người trồng chú trọng chăm sóc theo hướng an toàn, sạch. Tuy nhiên, tỏi là giống cây trồng khá mẫn cảm với các điều kiện về sâu bệnh, dịch hại nên việc tuân thủ các quy định trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, khá nhiều hộ trồng tỏi chưa có khu vực bảo quản riêng biệt; chưa đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch; chưa thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đúng quy định… Bên cạnh đó, một số hộ vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và sử dụng chưa đúng kỹ thuật; nguồn nước sử dụng tưới cho cây trồng chưa đảm bảo. Việc thu hoạch chủ yếu vẫn theo thói quen như: thu hoạch khi chưa đúng thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm tỏi sau khi thu hoạch còn để trực tiếp trên nền đất, không có kho lưu trữ... Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Để góp phần giải quyết các bất cập trên, Hợp tác xã sản xuất tỏi Ninh Vân, Tổ liên kết sản xuất tỏi Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) và Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) đã triển khai mô hình trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP vào cuối năm 2017 với gần 28ha. Từ tháng 7/2018, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) đã cấp chứng nhận VietGAP cho 3 mô hình này, mở ra kỳ vọng mới cho việc hình thành thương hiệu tỏi sẻ Khánh Hòa.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi sẻ Khánh Hòa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tổng sản lượng tỏi Khánh Hòa sản xuất ước đạt 10.000 - 15.000 tấn tỏi tươi và gần 5.000 tấn tỏi khô/năm.

Tỏi sẻ Khánh Hòa có màu trắng, tép nhỏ và chắc, thơm và cay dịu, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Theo Viện Dược liệu – Bộ Y tế, kiểm tra xét nghiệm phân tích ba chỉ tiêu là tinh dầu, alicin, axit piruvic cho kết quả tốt, đồng thời khẳng định tỏi Khánh Hòa tốt thứ ba thế giới.

Chính vì vậy, tỏi sẻ Khánh Hòa hiện là cây trồng có khả năng mang lãi ròng về cho nông dân từ 100 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”. Nguyên nhân chính được cho là do tỏi sẻ Khánh Hòa chưa có thương hiệu riêng, dẫn đến việc tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái.

Theo kinh nghiệm từ huyện đảo Lý Sơn, tỏi Lý Sơn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể (độc quyền chỉ có ở Lý Sơn) do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2007 và được triển khai thực hiện vào năm 2009. Sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, đến nay tỏi Lý Sơn đã có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân…

Trong khi đó, xét về mọi yếu tố, từ diện tích, sản lượng cho đến chất lượng sản phẩm, hầu hết người trồng tỏi cũng như người sử dụng và các nhà chuyên môn trong lĩnh vực cây trồng đều khẳng định chất lượng tỏi Khánh Hòa không thua kém bất cứ loại tỏi nào. Vì vậy, cần xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi Khánh Hòa để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững vùng tỏi Khánh Hòa.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản khẳng định: Trước đây, một số mô hình VietGap khi mới hình thành đạt kết quả rất tốt, nhưng dần dần, người dân lấy các sản phẩm có chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc trà trộn vào, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Vì vậy, trong thời gian tới, một mặt tiếp tục triển khai nhiều mô hình, đa dạng sản phẩm, giúp người dân thực hiện nhiều mô hình VietGap hơn; mặt khác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đưa sản phẩm tỏi sẻ có được kênh phân phối chính thống hơn.

Mặc dù đã xác định rõ định hướng giúp đưa tỏi sẻ Khánh Hòa đến gần hơn với thị trường trong nước, song cây tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có thương hiệu riêng. Trong số khoảng 500ha tỏi hiện nay, diện tích tương đối tập trung nằm ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh với khoảng 280ha; số còn lại trồng ở Ninh Hòa (Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An). Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, vì trồng ở nhiều địa phương nên nếu xây dựng thương hiệu “tỏi Khánh Hòa”, phải xác định được đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho thương hiệu này. Chẳng hạn như thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa (Ninh Hòa) do Hội Nông dân xã này “chủ trì” việc triển khai, quản lý phát triển thương hiệu. Với cây tỏi, khi chưa xây dựng được thương hiệu “tỏi Khánh Hòa” với những yêu cầu, đòi hỏi rất cao của dự án, nên chăng các tổ hợp tác, hợp tác xã kể trên có thể đứng ra đăng ký với cơ quan chức năng để triển khai xây dựng thương hiệu cho riêng mình, như: “tỏi Vạn Hưng”, “tỏi Ninh Vân”, “tỏi Ninh Phước”.

Chính vì thế, nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi được trồng ở Khánh Hòa vẫn tiếp tục phải đợi. Hiện nay, cơ quan chức năng và 2 địa phương là Ninh Hòa và Vạn Ninh đang trong quá trình bàn bạc, thảo luận để tiến hành xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa theo 2 hướng: một là địa phương nào xây dựng thương hiệu theo địa phương đó; hai là xây dựng thương hiệu chung cho tỏi Khánh Hòa.

Nếu muốn tỏi Khánh Hòa có một chỗ đứng thì cần phải có một thương hiệu được bảo hộ. Khi đó mới tính chuyện phát triển bền vững vùng chuyên canh cây tỏi, bởi đó là điều kiện cần cho một sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, những loại tỏi Lý Sơn, Khánh Hòa, Phan Rang với chất lượng cao đã và đang được nhiều đối tác ngoài nước liên hệ, hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu.

Nguồn: VITIC

Liên kết website