Nguồn gốc ra đời của sầu riêng Khánh Sơn
Cuối năm 1999, sau khi nghiên cứu về các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã đặt mua hơn 1.000 cây giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam về trồng thử nghiệm và thu được kết quả rất tốt. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây thuận lợi nên sầu riêng phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng và trở thành cây trồng chủ lực, giúp nông dân Khánh Sơn xóa đói, giảm nghèo.
Từ đó người dân trong vùng đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng sầu riêng, lựa chọn những giống sầu riêng tốt nhất, chăm sóc kĩ càng, cộng thêm việc thiên nhiên ưu ái về đất đai khí hậu mà sầu riêng đã trở thành đặc sản của vùng núi Khánh Sơn và trở thành “thủ phủ” trồng sầu riêng của tỉnh Khánh Hòa. Sầu riêng Khánh Sơn nổi tiếng khắp cả nước và đặc biệt là thu hút thương lái nước ngoài đến mua sầu riêng.
Sầu riêng Khánh Sơn có vị nồng nàn đặc trưng riêng, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/quả
Sầu riêng Khánh Sơn được biết đến với ưu điểm là quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/quả, cùng với hương vị nồng nàn đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, với đặc thù đất đỏ bazan (chiếm trên 71%), đất phù sa (chiếm gần 5%), độ pH từ 5-6, độ phì khá, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao nên Khánh Sơn đã cho ra đời những trái sầu riêng có chất lượng rất đặc sắc.
Bên cạnh đó, sầu riêng chứa nhiều chất có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Trong mỗi múi sầu riêng đều chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: đường, chất béo, chất đạ, chất sơ, vitamin E, A, C, B1, B2, B5, kali, canxi, sắt…
Hiện nay sầu riêng Khánh Sơn có rất nhiều loại, trong đó sầu riêng Monthong là loại đặc biệt có giá cao nhất nổi tiếng nhất nơi đây, tiếp đến là trái sầu riêng RI6, Chín Hóa… và hiện đang có xu hướng nhập một số giống mới về trồng để phát triển thêm.
Diện tích trồng sầu riêng Khánh Sơn đạt gần 800ha, sản lượng thu hoạch gần 10.000 tấn/năm
Từ năm 2006, Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn đã xây dựng và triển khai đề án 500ha đất chuyên canh cây sầu riêng, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc từ khâu đào hố, chuẩn bị đất, bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% cây giống, mỗi hộ từ 30 - 50 cây giống, những hộ khó khăn khác được áp dụng chương trình trợ giá, trợ cước…
Hiện nay, cây sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn với tổng diện tích trồng gần 800 ha và đã có trên 300 ha sầu riêng đang vào mùa thu hoạch. Một trái sầu riêng Khánh Sơn có thể mang trọng lượng rất cao trung bình từ 4 - 5kg, có trái nặng đến 7 - 8 kg. Năm nay, năng suất sầu riêng đạt cao, trung bình 60 - 70 tạ/ha; dự kiến sản lượng sầu riêng toàn huyện Khánh Sơn đạt hơn 3.000 tấn.
Theo UBND xã Sơn Bình cho biết, toàn xã hiện có 240 ha sầu riêng với 3 giống chủ lực là: Monthong, Ri6 và Chín Hóa. Trong đó có 180 ha đang kinh doanh. Nếu như trước đây, cây sầu riêng chỉ dành cho người Kinh có điều kiện về kinh tế, nắm bắt được kỹ thuật thì hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã trồng được sầu riêng và có thu nhập cao. Cây sầu riêng đang làm đổi thay cuộc sống lẫn nhận thức trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Cũng giống sầu riêng Mong Thoong - Thái Lan, nhưng những nơi khác trồng, hiệu quả và chất lượng đều không bằng ở đây. Đặc biệt, vụ mùa sầu riêng ở Khánh Sơn luôn sau vụ mùa của các tỉnh Nam bộ từ 1,5 tháng - 2,5 tháng. Khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thì sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu có mặt trên thị trường. Đây cũng chính là ưu thế cạnh tranh của loại sầu riêng này.
Sầu riêng Khánh Sơn giúp bà con nông dân thu lãi từ 500- 800 triệu đồng/ha
Mùa sầu riêng ở Khánh Sơn bắt đầu vào khoảng tháng 6 hàng năm và kết thúc vào trung tuần tháng 8. Điều này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường.
Vụ sầu riêng năm 2018, hầu hết nông dân Khánh Sơn đều được mùa, được giá. Sầu riêng Khánh Sơn thơm ngon và đã khẳng định được thương hiệu nên thị trường nội địa rất ưa chuộng. Năm 2018, giá sầu riêng Khánh Sơn dao động từ 51.000 – 52.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, so với vụ mùa năm ngoái tăng từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu thương lái mua sầu riêng theo tiêu chuẩn cao, yêu cầu mẫu mã đẹp, số múi đều, nhiều, cân nặng từ 2 – 5kg/quả thì giá bán lên đến 55.000 – 56.000 đồng/kg.
Tại chợ Tô Hạp, các điểm thu mua, bán trái cây lẻ trên địa bàn huyện Khánh Sơn, sầu riêng Monthong được bán với giá 80.000 đồng/kg, Ri6 73.000 đồng/kg, Chín Hóa 67.000 đồng/kg.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn, 1ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 15 – 20 triệu đồng/ha. Như vậy, với giá bán trung bình trên 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà con nông dân lãi trên 500 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 15 tấn/ha và lãi 800 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 20 tấn/ha.
Với giá sầu riêng tăng mạnh, đặc biệt do chất lượng trái sầu riêng Khánh Sơn có vị đặc trưng, thơm ngon hơn hẳn ở nơi khác, sầu riêng Khánh Sơn ngày càng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ phục vụ nội địa và xuất khẩu.
Tổ chức tập huấn quy trình thực hành sản xuất sầu riêng theo hướng VietGap
Phần lớn người dân chưa nắm được quy trình kỹ thuật canh tác, chủ yếu chăm sóc cây trồng bằng kinh nghiệm, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên rất dễ gặp rủi ro bởi thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh, giá cả thị trường không ổn định. Vì vậy, các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn mong muốn các ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn về kỹ thuật canh tác sao cho đạt hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, để nông dân yên tâm canh tác loại cây trồng này về lâu dài.
Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển, mở rộng diện tích sầu riêng, huyện Khánh Sơn có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% cây giống, những hộ khác được cung cấp theo chương trình trợ giá trợ cước. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mạng lưới khuyến nông tại các xã, thị trấn để hướng dẫn bà con chăm sóc…
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong trồng trọt cho các tổ liên kết và các hộ nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, bà con nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap như: yêu cầu đối với vùng sản xuất và đất trồng, chất lượng nước tưới; yêu cầu về giống, phân bón, phương pháp thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Bên cạnh đó, bà con nông dân được hướng dẫn cách xử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng tiêu chuẩn VietGap.
Thông qua lớp tập huấn nhằm giúp cho bà con nông dân nắm vững những kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap để vận dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, đảm bảo an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018. Cụ thể, phấn đấu giảm 10% so với năm 2017 số mẫu giám sát còn tồn dư, vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau quả, tồn dư hóa chất, chất kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt; 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, cán bộ phụ trách ATTP ở địa phương được tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP. Ngoài ra, phấn đấu hoàn thành chứng nhận VietGAP trong trồng trọt, sơ chế sản phẩm sầu riêng ở Khánh Sơn.
Đến năm 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định các cây trồng chủ lực bao gồm: Cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít nghệ, chuối...), cây công nghiệp lâu năm (cà phê, tiêu), cây công nghiệp ngắn ngày (cây mía tím); ngoài ra duy trì diện tích lúa ở những khu vực chủ động về nguồn tưới tiêu, những khu vực trồng lúa khó khăn về nguồn nước tưới cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, giảm dần diện tích trồng ngô, sắn để chuyển sang trồng cây ăn quả..., phát triển một số loại cây trồng mới cây bơ booth, tiếp tục nghiên cứu mô hình trồng thử nghiệm cây macca..., đẩy mạnh vào thâm canh, xây dựng các quy trình sản xuất tiên tiến để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng hiệu quả kinh tế.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp sầu riêng Khánh Sơn đến gần hơn với người tiêu dùng nội địa, hướng tới xuất khẩu bền vững
Sau khi chính thức được giới thiệu tại Hội chợ Hàng nông sản năm 2007, sầu riêng Khánh Sơn đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngay những người sành ăn sầu riêng và sống ở xứ sở sầu riêng nổi tiếng miền tây Nam bộ đều ngỡ ngàng khi ăn thử. Sau đó, sầu riêng Khánh Sơn không chỉ bắt đầu có mặt tại các thị trường lớn trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Việc xây dựng thành công “Nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn” sẽ góp phần quảng bá thương hiệu uy tín, chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, Sở Khoa học công nghệ cũng đã, đang và sẽ phối hợp với các ban, ngành như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… quảng bá nhãn hiệu sầu riêng Khánh Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử.
Nguồn: VITIC