Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đẩy mạnh sản xuất chôm chôm rải vụ huyện Chợ Lách-Bến Tre

Chợ Lách là xứ sở của nhiều loại trái cây như chôm chôm, bòn bon, dâu, măng cụt, cam, quýt, xoài, bưởi, nhãn… nơi đây là vựa trái cây lớn nhất của Bến Tre nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói chung. Hiện tại, trên địa bàn huyện Chợ Lách có 3.400 ha chôm chôm gồm các giống phổ biến là rong riêng, đường và java, tổng sản lượng trung bình năm khoảng 67.200 tấn. Ngày 25/5/2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm trái chôm chôm Chợ Lách. Đây là tiền đề quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm trái chôm chôm Chợ Lách trên thị trường, tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này.

Bến Tre với diện tích trồng cây chôm chôm trên 5.500ha, chiếm khoảng 70% diện tích chôm chôm của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó diện tích cho thu hoạch 5.100 ha, năng suất 21,9 tấn/ha với sản lượng hàng năm đạt gần 112.000 tấn. Một số vùng sản xuất tập trung đã được hình thành để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, tạo được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như Sơn Định, Vĩnh Bình (Chợ Lách), Tiên Long (Châu Thành). Chôm chôm cho trái quanh năm nhưng tập trung vào khoảng tháng 6 -7 dương lịch trong năm.

Chợ Lách có hơn 10 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cây ăn trái hơn 8 ngàn ha, với nhiều chủng loại cây trồng phong phú đa dạng nên được tôn vinh là vương quốc trái cây Nam bộ. Nhiều loại cây trồng chính đã tạo nên thương hiệu như chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, măng cụt và trở thành những cây trồng đặc sản của quê hương Chợ Lách.

Cây chôm chôm được xem là chủ lực với diện tích hơn 3.400 ha, chiếm hơn 41% diện tích trồng cây ăn trái. Đặc biệt, trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng không ngừng tăng lên nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), việc rải vụ để giảm áp lực sản lượng tập trung cũng được người dân thực hiện khá thành công góp phần nâng cao giá trị trái chôm chôm.

Chôm chôm nghịch mùa được giá, nhà vườn khắc phục cung vượt cầu tránh rớt giá

Theo các nhà vườn chôm chôm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), giá chôm chôm đầu vụ năm nay có giá cao. Thời điểm tháng 11/2018, chôm chôm Java giá 20.000 đồng/kg, chôm chôm Thái giá 30.000 đồng/kg, giảm so đầu vụ từ khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì giá chôm chôm năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.

Theo các nhà vườn, những năm gần đây để tránh cung vượt cầu các nhà vườn ở Chợ Lách đều xử lý ra bông lệch nhau và cũng không đồng loạt trên mảnh vườn của mình, để lỡ rơi vào thời điểm rớt giá hay được giá cũng có hàng cung cấp ra thị trường.

Theo kinh nghiệm của các nhà vườn thì vụ nghịch của hầu hết trái cây, trong đó có chôm chôm đều rơi vào dịp trước Tết Nguyên đán, còn vụ thuận thì thường rơi vào khoảng các tháng mùa hè. Bởi vì để trái cây ra hoa và đậu trái thì thời tiết phải thích hợp. Mùa xuân, tiết trời ấm áp cây ra tự nhiên, dễ đậu không cần phải xử lý. Còn vụ nghịch mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi cho ra hoa, đậu trái, nhà nông phải xử lý bằng các kỹ thuật như ngăn nước, đậy màng phủ nông nghiệp hay thuốc kích thích ra hoa. Vì kỹ thuật khó, lại phải phụ thuộc nhiều vào khâu nước, tiết trời nên tỷ lệ đậu trái mỗi năm mỗi khác nhau. Ít nhiều phụ thuộc vào kinh nghiệm xử lý của người trồng. Để cây chôm chôm năm sau không bị mất sức cho năng suất tốt thì nhà vườn sau khi thu hoạch thì phải tạo táng cây lại, tỉa bỏ lá già chứa mầm bệnh, tích cực theo dõi các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng để cây cho năng suất tốt.

Theo hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách thì cũng như nhà vườn bên ngoài, 100% thành viên của hợp tác xã cũng đều sử dụng kỹ thuật canh tác nghịch vụ trên cây chôm chôm, hợp tác xã đang thu hút 42 thành viên tham gia sản xuất với diện tích 22,5 ha.

Hiện nay, thành viên trong hợp tác xã sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP, xuất khẩu ra thị trường EU, Trung Quốc…, nên giá bán của các thành viên cũng cao hơn các nhà vườn tiêu thụ nội địa từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy thời điểm. Tuy nhiên, thành viên hợp tác xã phải tuân thủ quy trình sử dụng phân bón thuốc trừ sâu hết sức nghiêm ngặt, đảm bảo đúng tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện hợp tác xã cũng đang tiến hành đăng ký mã code cho từng thành viên của hợp tác xã để làm thủ tục xuất hàng sang thị trường Hoa Kỳ.

Hỗ trợ của tỉnh Bến Tre để nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc chọn giống chôm chôm

Tháng 8/2018, Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc chọn giống chôm chôm”. Bến Tre hiện có khoảng 5.570 ha chôm chôm, tập trung ở 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành. Trái chôm chôm đã xuất khẩu sang thị trường khó tính của thế giới. Các hợp tác xã sản xuất chôm chôm đã hình thành. Thị trường tiêu thụ quan tâm việc sản xuất chôm chôm sạch, truy xuất được nguồn gốc. Để thích ứng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nhà nông có nhu cầu phát triển giống mới, có năng suất và chất lượng tốt.

Với diện tích trên 3.400 ha, chôm chôm là một loại cây ăn trái chủ lực của huyện Chợ Lách. Phần lớn người dân trên địa bàn huyện Chợ Lách có kinh nghiệm sản xuất trái chôm chôm, nhất là sản xuất nghịch vụ, rải vụ. Hệ thống đê bao, thủy lợi, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cơ sở cung ứng vật tư, cơ sở thu mua khá hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất chôm chôm ở huyện Chợ Lách cũng gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái đất vườn, giá cả không ổn định, thiếu lao động, chất lượng phân bón - thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều vấn đề, quy chuẩn sản phẩm chưa được thống nhất. Ngoài 3 giống chính: Chôm chôm Java, Rong-riêng, chôm chôm nhãn, huyện Chợ Lách có giống mới là chôm chôm Tiến Cường.

Qua hội thảo đã thu thập được các hoạt động: Liên kết sản xuất; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; việc công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, chất lượng cây giống và các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cây giống.

Biện pháp hỗ trợ sản xuất chôm chôm rải vụ - giải pháp sản xuất bền vững của tỉnh Bến Tre nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ

Theo Hội KH&KT tỉnh Bến Tre, các ngành chức năng, người dân trồng chôm chôm cần chú trọng tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất. Sản xuất tập thể, theo chuỗi giá trị, hướng đến thị trường xuất khẩu, đảm bảo số lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc; sản xuất - kinh doanh cây giống theo quy định pháp luật; hỗ trợ người dân đăng ký thương hiệu cho giống mới, qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông sản, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Hiện nay, trước tình hình giá nông sản bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra, do việc sản xuất theo mùa, sản lượng lớn tập trung, tạo nên sự mất cân đối cung cầu, có lúc trái cây rớt giá đã làm cho đời sống người dân ngày càng khó khăn...

Vấn đề này đã là bài toán khó cho người dân và cả cơ quan quản lý nhà nước. Nhằm hạn chế tình trạng "cung vượt cầu", trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo nhà vườn điều khiển trái cây rải vụ mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với trái chôm chôm.

Thứ nhất, do đặc tính ra hoa theo mùa, trong điều kiện tự nhiên chôm chôm chính vụ tập trung vào tháng 6-7 dương lịch với sản lượng lớn, trong khi thời điểm này trùng với mùa của nhiều loại trái cây khác như sầu riêng, xoài, măng cụt,… nên thường gây khó khăn cho tiêu thụ; trong khi rải vụ với số lượng chôm chôm được phân bố các tháng trong năm nên dễ tiêu thụ. Sản xuất chôm chôm rải vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá chôm chôm giữa chính vụ và nghịch vụ chênh lệch rất lớn như chôm chôm chính vụ vào tháng 6 -7 dương lịch, có lúc chỉ còn 3.000 - 5.000đ/kg, trong khi giá vào thời điểm tháng 11-12 dương lịch lên đến 40.000 -50.000đ/kg. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cây chôm chôm ra hoa rải vụ đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân một cách đáng kể, ổn định diện tích sản xuất.

Thứ hai, sản xuất chôm chôm rải vụ giải quyết được bài toán thị trường "được mùa rớt giá". góp phần cung cấp lượng trái cây hàng hóa quanh năm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thực tế cho thấy, vừa qua trái chôm chôm Bến Tre và Tiền Giang xuất khẩu được đi Mỹ là do sản xuất nghịch vụ với trái chôm chôm Thái Lan. Đây là một bước thành công của nhà vườn trong việc sản xuất chôm chôm rải vụ.

Khắc phục khó khăn để thực hiện rải vụ thành công.

Về mặt kỹ thuật, cần chú ý tạo khô hạn phải đủ thời gian cho mầm bông ra đều vì khi cây bị khô hạn có nước vào thì những cành có mầm bông sẽ nhú bông, những cành chưa kịp có mầm bông sẽ cho ra đọt như thế sẽ làm hoa rụng đi. Khi đến thời điểm cho nước vào vườn, để cây chuyển mình cho bông, phải cho nước ngập vườn, vì nếu thiếu nước thì không cho nụ bông đều. Ngoài ra, rải vụ phải mang tính bền vững, tránh việc lạm dụng chất hóa học làm ảnh hưởng không tốt đến sức sống của cây và trong sản xuất rải vụ có thể phát sinh nhiều dịch hại mới, nên cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, vì thế khi trong trường hợp gặp hạn mặn hoặc ngập úng thì không nên xử lý nghịch vụ, vì sẽ gây bất lợi cho cây, càng làm cây mau suy kiệt, giảm tuổi thọ của cây.  

Về mặt thị trường, định hướng sản xuất rải vụ phải được dựa trên cơ sở thị trường là hàng đầu, nhất là việc xuất khẩu, doanh nghiệp nắm rõ quy luật thời gian xuất khẩu, giống chôm chôm phù hợp với nhu cầu của mỗi nước. Vì thế, cần phải có mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp và mối liên kết giữa các địa phương cũng rất quan trọng vì  nếu tất cả nhà vườn đều cho cây ra trái vụ nghịch thì sẽ trở thành vụ thuận, lúc này sẽ có tác động ngược.

 Thực tế nhiều năm qua, người dân đã biết sản xuất trái cây nghịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề là người dân tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa có qui hoạch cụ thể nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất. Để sản xuất chôm chôm rải vụ đạt hiệu quả cao, bền vững, nên chăng cần thiết qui hoạch sản xuất chôm chôm rải vụ gắn với vùng sản xuất tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị chôm chôm; Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong thời kỳ xử lý ra hoa rải vụ nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, duy trì được tuổi thọ cho cây; Mở rộng diện tích trồng chôm chôm theo hướng GAP nhằm nâng cao chất lượng trái chôm chôm, đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để trái chôm chôm Bến Tre được vươn xa ra các nước.

Sản xuất rải vụ là hướng đi tất yếu để phát triển sản xuất trái cây bền vững. Tuy nhiên, nếu muốn rải vụ thành công nhất thiết phải có doanh nghiệp tham gia để điều tiết thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần thực hiện thành công sản xuất rải vụ chôm chôm nói riêng và trái cây tỉnh Bến Tre nói chung.

Nguồn: VITIC

Liên kết website