Hiện tỉnh đã định hình được những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn như: dứa (khóm) trên 16.000 ha, sầu riêng 9.200 ha, thanh long khoảng 6.000 ha, xoài trên 4.000 ha, vú sữa trên 3.000 ha... Từ đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Tiền Giang hiện nay là thành phố Mỹ Tho, nằm cách TP.HCM 70 km về phía Bắc và cách Thành phố Cần Thơ 100 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A.
Tiền Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất nước, chiếm 8% so với tổng diện tích cây ăn trái của cả nước; hầu hết các loại cây trồng đều được bố trí phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn theo từng vùng sinh thái nên cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt. Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, là nơi có truyền thống lâu đời về trồng cây ăn trái, có điều kiện thuận lợi về tài nguyên và nước, cơ cấu chủng loại trái cây chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích các loại cây chủ lực đều tăng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản ngày càng cao. Với diện tích khoảng 70.000 ha vườn cây ăn trái, hàng năm cho sản lượng trên 1 triệu tấn, với các loại trái cây nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim; khóm Tân Phước; thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, bưởi Lông Cổ Cò. Trong đó thanh long Chợ Gạo và khóm Tân Phước có vùng chuyên canh với diện tích và sản lượng lớn có khả năng cung ứng hàng hóa với số lượng lớn cho tiêu thụ tươi, chế biến và xuất khẩu. Ngoài các loại trái cây đặc sản đã có thương hiệu, Tiền Giang còn các loại trái cây khác như: cam sành, nhãn, chôm chôm, ca cao. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đã và đang được áp dụng trong sản xuất thanh long, khóm, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…
Tiền Giang nổi tiếng với các đặc sản phong phú
Sơ ri Gò Công
Sơ ri Gò Công là loại trái cây ở vùng Gò Công – Tiền Giang được mệnh danh là loại trái “nhỏ mà có võ”. Loại trái cây này nhỏ nhắn nhưng nhiều vitamin mà ai cũng yêu thích. Loại trái cây này còn là nguồn thu lớn cho kinh tế của vùng.
Sơ ri Gò Công có thịt chắc, đảm bảo vị chua ngọt tự nhiên, hạt vừa, các múi to đều và da căng bóng. Ngoài vị ngon khác biệt, sơ ri Gò Công còn đáp ứng hầu như đầy đủ yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng: người thích chua thì có giống sơ ri xanh, chua chua giòn giòn. Người thích chua vừa thì có giống sơ ri chua vừa. Người thích ngọt thì cũng có giống sơ ri ngọt, đỏ da, mọng nước. Sơ ri Gò Công cung cấp một lượng vitamin C, vitamin A, B1, B2, B5, B9 cực lớn cho cơ thể. Ăn sơ ri cũng không cần cầu kỳ chế biến, chỉ cần rửa sạch và dùng ngay hoặc có thể làm thành ly nước ép sơ ri bổ dưỡng.
Sơ ri Gò Công ngày nay không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn có mặt trên các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore… Mỗi năm, cây sơ ri cung cấp cho Gò Công đến hơn 40.000 tấn quả.
Tỉnh Tiền Giang sẽ còn tiến tới việc quy hoạch, phát huy nghề trồng sơ ri ở Gò Công ngày càng lớn mạnh. Sơ ri là một loại quả dễ ăn, giá cả bình dân, tốt cho sức khỏe. Trước ưu thế đó, sơ ri Gò Công không dừng lại với việc sản xuất sơ ri tươi. Hiện nay, Gò Công còn nghiên cứu và cho ra thị trường dòng sản phẩm mứt sơ ri thơm ngon hảo hạng. Mứt sơ ri ngoài việc có thể bảo quản được lâu, ăn kèm với một số món bánh thì còn giúp nâng tầm hình ảnh quả sơ ri Gò Công ngày càng đa dạng.
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim
Tiền Giang có diện tích trồng vú sữa lớn nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long với khoảng 3.100 ha tập trung tại huyện Châu Thành và các huyện lân cận gồm hai giống chủ lực: vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim và vú sữa nâu, sản lượng hàng năm khoảng 50.000 tấn. Đặc biệt, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim là giống vú sữa đặc sản nổi tiếng của tỉnh, đã được cấp chỉ dẫn địa lý và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ngày càng được ưa chuộng, nhiều đối tác trong và ngoài nước liên hệ ký hợp đồng xuất khẩu và tiêu thụ. Đến nay, mặt hàng vú sữa Lò Rèn đã có mặt trong nhiều hệ thống siêu thị trong nước, đặc biệt chiếm lĩnh và tiêu thụ nhiều nhất là thị trường phía Bắc và đang vươn ra các thị trường khu vực châu Âu.
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm đàm phán, mới đây trái vú sữa Việt Nam được chấp nhận cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mang lại niềm phấn khởi chung mà vui nhất là nông dân vùng chuyên canh tại Tiền Giang – nơi có diện tích vú sữa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết thúc niên vụ vú sữa 2017 – 2018, Tiền Giang đã xuất khẩu được khoảng 240 tấn quả. Để bảo đảm nguồn cung phục vụ xuất khẩu lâu dài, Tiền Giang quan tâm củng cố, duy trì và mở rộng diện tích vùng chuyên canh để được cấp mã code, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng GAP đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc, gắn với cập nhật những yêu cầu nghiêm ngặt và những đòi hỏi mà người trồng phải đáp ứng nếu muốn trái vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ…
Xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Loại xoài này có nguồn gốc từ xã Hòa Lộc, huyện Giáo Đức thuộc tỉnh Định Tường mà ngày nay thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống xoài được xếp vào loại ngon nhất và giá cũng thuộc nhóm cao nhất so với các loại xoài khác ở nước ta. Năm 2009, xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý với tên “Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc”.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh 1.600 ha, tập trung tại các xã giáp sông Tiền của huyện Cái Bè, gồm: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Thanh, Tân Hưng, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh…
Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như: Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...
Sầu riêng Cai Lậy
Sầu riêng là một trong những chủng loại trái cây chủ lực hàng đầu có giá trị cao của tỉnh Tiền Giang. Tỉnh đã hình thành được vùng chuyên canh sầu riêng gần 10.000ha ở huyện Cai Lậy và khu vực lân cận, nằm trong vùng lũ đầu nguồn sông Tiền. Hiện nay, tại Tiền Giang, sầu riêng đang được giá giúp nông dân vùng chuyên canh làm giàu nhờ nguồn thu nhập cao từ trái cây đặc sản mang lại. Trong vùng cũng có mạng lưới 72 vựa, doanh nghiệp, cơ sở thu mua đóng gói tiêu thụ trái sầu riêng.
Trong tháng 7/2018, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ ngành hàng sầu riêng. Các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực cây ăn quả đã đưa ra quan điểm trong định hướng sản xuất sầu riêng thời gian tới của tỉnh Tiền Giang là không nên tăng diện tích trồng vì chưa phát triển được thị trường bên ngoài (chưa kể nhiều địa phương Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ngay cả Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát triển cây trồng này với tốc độ nhanh), thay vào đó là tập trung chuyên canh và nâng cao chất lượng trên 9.000 ha sầu riêng hiện có để hướng đến các thị trường khác, đồng thời phải tăng cường công tác tập huấn để thay đổi tư duy nhà vườn quyết tâm giữ chất lượng là trên hết.
Bên cạnh đó, để bảo vệ vùng diện tích cho cây trồng đặc sản này, tránh trường hợp như cây vú sữa hiện đang phải lập dự án khôi phục, cần có giải pháp về thủy lợi phục vụ ngăn mặn, triều cường, lũ... cho cây ăn trái nói chung, trong đó có cây sầu riêng.
Xây dựng Chuỗi giá trị cây sầu riêng, trong đó xác định rõ vị trí, thế mạnh cạnh tranh của sầu riêng Tiền Giang với các địa phương khác, kể cả với các quốc gia lân cận có cùng ngành hàng... Xây dựng các cửa hàng giới thiệu và phân phối sầu riêng sạch, an toàn, vừa là phương tiện quảng bá, vừa "tạo tiền đề" cho việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu với các thị trường cao cấp, đồng thời cần làm ngay việc tổ chức cho nhà vườn liên kết sản xuất, kể cả lập hiệp hội, câu lạc bộ hoặc mô hình nào đó để có nguồn hàng đủ lớn và đồng đều về mẫu mã, chất lượng, đủ cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu là những giải pháp cấp bách hiện nay.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với UBND huyện Cai Lậy tổ chức hội thảo, lấy ý kiến hoàn thiện quy chế quản lý và sử dụng cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng các nhãn hiệu, gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiền Giang định hướng xây dựng thương hiệu nguồn nông sản hàng hóa an toàn mang tính đặc trưng vùng miền
Tại tỉnh Tiền Giang, cây ăn quả chiếm gần 40% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm đạt giá trị sản xuất trên 13.131 tỷ đồng, chiếm đến 53,47% giá trị trồng trọt và gần 32% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Đến nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang chiếm 10% diện tích cây ăn quả cả nước, cho sản lượng gần 900 nghìn tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm 24% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; trung bình mỗi ha đất trồng cây ăn quả có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sản xuất theo hướng GAP (qui trình nông nghiệp an toàn trong sản xuất nông nghiệp) nhằm nâng chất lượng nông sản, đảm bảo nguồn nông sản hàng hóa an toàn và truy xuất được nguồn gốc tham gia thị trường, Tiền Giang đã tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh và có 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP hoặc Viet GAP cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh như: xoài, thanh long, sầu riêng, dứa, mãng cầu xiêm... là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng mang lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Tiền Giang đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, khẳng định phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa chất lượng, coi trọng liên kết chặt chẽ giữa nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, sản xuất qui mô lớn, tập trung theo hướng GAP tạo nguồn hàng xuất khẩu chất lượng tốt nhằm chiếm lĩnh thị trường các nước…là mục tiêu quan trọng.
Các vùng qui hoạch trọng điểm gồm: Vùng kinh tế trung tâm tỉnh bao gồm các huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phát triển cây thanh long chuyên canh; Vùng kinh tế phía Đông bao gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công chú trọng cây mãng cầu xiêm, cây thanh long; Vùng kinh tế phía Tây bao gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước trồng tập trung xoài cát, sầu riêng, dứa (khóm)…
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây chủ lực nói riêng. Đặc biệt, xác định ngành hàng và chủng loại trái cây cần đầu tư tập trung; kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng điện – đường – trường – trạm vùng chuyên canh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo thuận lợi trong thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu trái cây của tỉnh đã thu về khoảng 30 triệu USD, tăng 45,3% so cùng kỳ năm trước. Đó là thống kê sơ bộ chưa kể số lượng trái cây xuất khẩu dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc rất lớn.
Hiện tỉnh cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành tổ chức kinh tế tập thể kiểu mới, liên kết các viện, trường nhằm chuyển giao và phổ cập kiến thức thâm canh khoa học tiên tiến cho nông hộ, chuyển giao giống mới gắn với áp dụng sản xuất theo tiêu chí GAP. Đồng thời, xây dựng thương hiệu nông sản, tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Nguồn: VITIC