Thứ Tư, 30/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đồng Tháp Mười phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản trọng điểm

Thời gian gần đây, tỉnh Đồng Tháp Mười luôn tích cực hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp địa phương, nhất là các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh. Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh cùng với các địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, tìm hiểu thị trường, đối tác tiêu thụ ở các tỉnh trong nước, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, chú trọng tổ chức và tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, giao thương hai chiều giữa Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh, các diễn đàn nhằm quảng bá hình ảnh và nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương. Thông qua những chương trình này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được nhiều bản ghi nhớ, nhiều sản phẩm hàng hóa vào được các siêu thị danh tiếng; thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đã xúc tiến việc liên kết, cung ứng hàng hóa cho các đối tác với các sản phẩm gạo, Xoài Cao Lãnh, Quýt hồng Lai Vung, Ớt Thanh Bình, Khô cá lóc Tràm Chim - Tam Nông, Cá tra Hồng Ngự, Nhãn Châu Thành, Khoai môn Lấp Vò...Đây là những đặc sản vùng Đồng Tháp Mười nói chung và các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang nói riêng...

Đồng Tháp Mười là vùng đất nằm ở hạ lưu sông Tiền. Đồng Tháp Mười có địa hình trũng như lòng chảo, đất đai nhiễm phèn, chỉ có cỏ lác mọc thành đồng. Mỗi năm nơi đây phải hứng chịu 6 tháng nước lũ tràn về biến thành rốn lũ, rồi đến 6 tháng nắng hạn khiến cho đồng ruộng cạn kiệt nước đến độ không thể trồng được cây gì nên đất đành phải bỏ đất hoang.

Sau giải phóng, Đồng Tháp Mười chủ yếu trồng lúa một vụ với sản lượng chỉ khoảng 700 – 800 ngàn tấn/năm, thì đến nay diện tích đất trồng tăng khoảng 350.000ha, canh tác được 2 đến 3 vụ trong năm với sản lượng lúa đạt khoảng 3,5triệu tấn/năm (số liệu năm 2014). Hàng năm, vựa lúa Đồng Tháp Mười đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và trở thành vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, ngoài những vùng trồng lúa truyền thống, Đồng Tháp Mười đã đưa vào thêm nhiều loại cây trồng phù hợp với từng khu vực. Những vùng đất nhiễm phèn, đất xấu như các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng thuộc tỉnh Long An ngoài hai vụ lúa còn trồng xen được vụ dưa hấu vào cuối năm. Khoai mỡ được trồng nhiều trên đất nhiễm phèn nặng ở huyện Tân Phước (Tiền Giang); cây khóm (dứa), chanh, thanh long được trồng nhiều ở Thạnh Hóa (Long An); cây mè (vừng), dưa hấu được trồng nhiều ở Vĩnh Hững, Tân Hưng (Long An). Một số vùng ngập nước, nhiễm phèn nặng được phủ đầy bởi rừng tràm, súng, sen.

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiện nay ở Đồng Tháp Mười nhằm giúp gia tăng sản lượng và đa dạng hóa cây trồng, hướng đến sản xuất đa canh là hướng đi bền vững cho Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, cây lúa vẫn là loài cây tiên phong, bền vững, chủ lực của nơi đây.

Dù còn những khó khăn nhất định nhưng với những hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn của địa phương, Đồng Tháp Mười đang mở ra những cơ để hội phát triển kinh tế, xã hội bền vững, cho hôm nay và cho mai sau.

Đồng Tháp Mười nổi tiếng với các đặc trưng, đặc sản

Khoai môn, kiệu Lấp Vò

Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã trao giấy chứng nhận thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của huyện Lấp Vò là khoai môn và kiệu. Huyện đã tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm khoai môn và kiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện toàn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có hơn 330 ha khoai môn, tập trung trồng nhiều nhất ở các xã Tân Mỹ, Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B. Khoai môn xuân hè ở huyện Lấp Vò được trồng từ tháng 1, tháng 2 và thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6. Sau vụ trồng khoai môn, nông dân có thể trồng hoa màu khác hoặc trồng thêm một vụ lúa. Phát huy lợi thế của khu vực ven sông Tiền, thời gian qua, 3 xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B và Hội An Đông, huyện Lấp Vò đã đẩy mạnh phát triển diện tích trồng màu lên đến 3.000 ha. Trong đó khoai môn và kiệu được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế khi ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. 

Cây kiệu là cây trồng mang tính đặc thù của xã Hội An Đông, với diện tích sản xuất gần 40ha. Kiệu thường được trồng và thu hoạch khoảng tháng 11 và 12 âm lịch, nhằm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên Đán.

Nhãn Châu Thành:

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trong năm 2017 huyện sẽ phát triển diện tích trồng nhãn lên 3.480 ha và đến năm 2020 là 4.000 ha

Hiện nay, huyện trồng nhiều giống nhãn như: Edor, xuồng Cơm Vàng, tiêu Da Bò, Tứ Quý, nhãn Thạch Kiệt, nhãn Long Tím, nhãn lồng Hưng Yên...

Cây nhãn là một trong 5 ngành hàng chủ lực theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng nhãn với diện tích 4.000 ha, tập trung tại huyện Châu Thành, với sản lượng ước đạt 70.000 tấn/năm.

Nhãn Châu Thành (Đồng Tháp) có vị thơm ngọt, cùi dày, mọng nước, hạt nhỏ và được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap. Mỗi năm, người dân nơi đây thu 500-600 tấn nhãn, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

Ngày 25/6/2016, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp” cho giống sản phẩm mới dựa trên những cải tiến về chất lượng.

Sản phẩm nhãn Châu Thành được cấp giấy chứng nhận là cơ hội để nông dân trong huyện mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế của trái nhãn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn và phát triển kinh tế địa phương. Đây còn là cơ hội để địa phương phát triển thương hiệu, từng bước quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường ngoài nước.

Xoài Cao Lãnh:

Đây là loại xoài hiếm hoi được các thị trường quốc tế đặc biệt ưa chuộng, hơn 80% sản lượng Xoài Cát Chu Cao Lãnh hàng năm để dành cho xuất khẩu. 

Hiện tại chỉ có 9000 hecta trồng xoài Cao Lãnh và tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp. 100% đạt tiêu chuẩn GlobalGap, được trồng tập trung dưới sự quản lý của Sở Nông Nghiệp tỉnh. Các vườn xoài đều có tuổi đời từ 20-30 năm cho chất lượng quả đồng đều, sản lượng ổn định.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” cho huyện Cao Lãnh. Địa phương này cũng đang thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Xoài Cát Chu Cao Lãnh”, dùng cho sản phẩm Xoài Cát Chu của huyện Cao Lãnh.

Về liên kết sản xuất và tiêu thụ, toàn tỉnh có 02 Hợp tác xã và 34 Tổ hợp tác về sản xuất và tiêu thụ xoài; mạng lưới thu mua trái cây tỉnh Đồng Tháp, có 01 chợ đầu mối và 75 cơ sở thu mua trái cây.

Công ty TNHH thực phẩm Việt Đức đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây, trong đó có chế biến xoài; Công ty Long Uyên đã đặt trạm thu mua trái cây tại thành phố Cao Lãnh để cho ra sản phẩm xoài chế biến, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm từ trái xoài và nâng cao giá trị gia tăng.

Cá tra giống Hồng Ngự:

Phát huy những tiềm năng lợi thế của huyện đầu nguồn, Hồng Ngự đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá tra giống và trở thành một trong những địa chỉ cung cấp cá giống hàng đầu của tỉnh Đồng Tháp, khu vực ĐBSCL. Từ năm 2012, sản phẩm cá tra giống Hồng Ngự được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là cột mốc quan trọng để các cơ sở và hộ sản xuất đẩy mạnh và phát triển nghề nuôi cá tra giống.

Tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thực hiện đề tài xây dựng mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao theo hướng VietGAP, hiệu quả bền vững trên vùng nuôi cá tra giống tại huyện Hồng Ngự từ năm 2014.

Đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp sẽ đạt khoảng 2.000ha (diện tích tự nhiên là 3.334 ha), sản lượng thu hoạch đạt 540.940 tấn và tổng sản lượng chế biến đạt 250.000 tấn. Vùng nuôi cá tra được quy hoạch tại 11 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó, diện tích mặt nước quy hoạch tại các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh chiếm nhiều hơn so với các địa phương còn lại, từ 336 ha đến 384 ha.

Quy hoạch vùng sản xuất giống cá tra tập trung ở 03 huyện và phân bố thành 03 cụm: huyện Hồng Ngự ở phía Bắc, huyện Cao Lãnh là trung tâm và huyện Châu Thành ở phía Nam. Huyện Hồng Ngự quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung gồm các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Khánh A và Long Khánh B. Vùng sản xuất giống ở huyện Châu Thành tập trung các xã: Tân Nhuận Đông, Hòa Tân, An Khánh và An Phú Thuận. Huyện Cao Lãnh có vùng sản xuất giống tập trung ở các xã: Bình Thạnh, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Tân Hội Trung, Ba Sao, Mỹ Thọ, Nhị Mỹ.

Đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp không gia tăng về công suất chế biến để tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ của các nhà máy hiện có theo hướng hiện đại, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, cụ thể như: tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt 8 - 12% năm 2015, từ 15 - 20% năm 2020 và trên 25% năm 2025.

Ớt Thanh Bình:

Sản xuất tập trung, đầu tư có hệ thống từ cây giống đến thu hoạch, chế biến, đồng thời, đa dạng sản phẩm sau thu hoạch giúp người trồng ớt ở Thanh Bình, Đồng Tháp thu 25.000 tấn ớt mỗi vụ.

Cây ớt được trồng ở Thanh Bình cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu, diện tích trồng còn ít, nhưng đến nay, nơi đây đã trở thành một trong những vùng chuyên canh ớt lớn nhất Tây Nam Bộ với diện tích xuống giống trên 1.800 ha, tập trung ở Cù Lao Tây và vùng ven sông Tiền.

Mùa thu hoạch ớt thường bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 Âm lịch năm trước đến tháng 4, tháng 5 Âm lịch năm sau. Đây là vụ trồng ớt và thu hoạch duy nhất trong năm với sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi vụ. 

Năm 2012, hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong có trụ sở tại xã Tân Huề - một trong 5 xã trồng ớt chủ lực tại huyện Thanh Bình được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể ớt Thanh Bình. Ngoài ra, bà con nông dân còn được cán bộ nông nghiệp địa phương hướng dẫn quy trình trồng an toàn, sử dụng phân bón hợp lý, cách ly thuốc đủ ngày để nâng cao giá trị cho quả ớt địa phương.

Từ năm 2015, huyện cũng xây dựng mô hình nhà lưới 1.000m2 làm nơi gieo hạt, ươm cây và cung cấp giống cho nông dân. Ớt trồng trong nhà lưới có tỷ lệ sống cao, chống lại dịch bệnh tốt hơn. Đến nay, huyện đã cung cấp được giống ớt sạch bệnh cho toàn bộ diện tích ớt trên 5 xã cù lao là Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề và Tân Long. Ngoài việc đảm bảo nguồn ớt giống, địa phương còn hình thành nhiều vựa thu mua ớt, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Sau khi thu hoạch, phân loại, ớt tươi, mẫu mã đẹp được xuất đi TP HCM hoặc đóng gói xuất khẩu qua các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Số còn lại được bán cho các cơ sở chế biến tương ớt, ớt bột, muối ớt…

Quýt Lai Vung:

Với diện tích gần 2.000 ha trồng quýt và hàng năm cung cấp cho thị trường trên 40.000 tấn/ năm, vùng đất Lai Vung được người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mệnh danh là ’’Vương quốc quýt hồng’’.

Quýt Lai Vung còn có tên dân gian là quýt “tiêu son” do người dân địa phương dùng để gọi một loại quýt quả ngọt, vỏ căng bóng, khi chín màu cam đỏ, có thể bày biện cúng đẹp, để được lâu trong điều kiện tự nhiên. Sau này thương lái gọi thành quýt hồng và từ đó tên gọi này nhanh chóng trở thành một thương hiệu nổi tiếng.

Sở dĩ cây quýt hồng nổi tiếng ở vùng đất Lai Vung là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích nghi đã giúp cho cây trái sum sê, chất lượng thơm ngon.

Đặc biệt, ngoài những trái quýt hồng ngon ngọt, Lai Vung còn là một điểm tham quan hết sức độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Những tour du lịch thăm vườn quýt hồng mang lại một nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình nơi đây.

Định hướng phát triển đặc trưng, đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.

Ngoài thế mạnh về cây lúa và phát triển ngành thủy sản, Đồng Tháp Mười còn có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn với các loại cây trồng chủ lực như: gạo, Xoài Cao Lãnh, Quýt hồng Lai Vung, Ớt Thanh Bình, Nhãn Châu Thành, Khoai môn Lấp Vò... Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trái cây của vùng Đồng Tháp Mười không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng cũng được nâng lên. Hiện nay, một số sản phẩm trái cây của vùng Đồng Tháp Mười đã được người tiêu dùng khó tính tin dùng.

Từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công, những năm qua, ngành công thương của các tỉnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong kỹ thuật, cải tiến thiết bị máy móc, quy trình sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc mở địa điểm, đại lý bán hàng, trưng bày sản phẩm.

Thương hiệu vẫn được xem là mấu chốt của sản phẩm, mạch sống của doanh nghiệp. Cụ thể: Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ. Trong các mục tiêu chính của đề án, ngành công thương cũng chú trọng vào vấn đề đầu tư đổi mới trình độ công nghệ sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường. Đây cũng là điều kiện để ngành xây dựng chiến lược hành động nhằm yểm trợ, định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, địa phương trong xây dựng và đăng ký nhãn hiệu. Qua đó, tiếp tục duy trì, phát triển quảng bá thương hiệu đi vào chiều sâu, mở ra cơ hội dần khẳng định được tiếng tăm, vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn: VITIC

Liên kết website