Ẩm thực Sóc Trăng mang những nét giao thoa tuyệt vời nền văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tạo nên những món ăn ngon đặc sắc không nơi nào có được.
Về Sóc Trăng, không chỉ được tham gia các lễ hội độc đáo như Ooc-om-Bok, đua ghe ngo, thăm các chùa chiền có lối kiến trúc đặc biệt, đi chợ nổi, thăm vườn cò… du khách còn có dịp thưởng thức nhiều loại bánh cũng như những món ăn chơi hấp như bánh Pía, bánh in, mè láo, bánh cóng, bánh ống… mỗi loại đều mang những hương vị thơm ngon rất riêng được tạo ra từ bàn tay khéo léo của con người nơi đây.
Bánh Pía đã trở thành món bánh đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng và được nhiều người dân khắp cả nước yêu thích.
Tên gọi bánh bắt nguồn từ cách phát âm của người Triều Châu, Pía có nghĩa là bánh. Nhiều người dân vùng sông nước Sóc Trăng còn gọi bánh Pía là bánh lột da vì có nhiều lớp da mỏng bao quanh bánh.
Bánh Pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng, màu vàng cam, vị ngọt rất thanh. Khi bẻ đôi bên trong là màu đỏ của lòng đỏ trứng muối, thơm nồng sầu riêng, bùi bùi khoai môn hay dịu ngọt vị đậu xanh...
Bánh Pía được ăn kèm với trà nóng
Ngoài sầu riêng, người dân Sóc Trăng còn tạo ra nhiều hương vị khác nhau như từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn có và đem lại nhiều cảm giác đặc biệt đầy mới lạ như vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối.
Bánh Pía trở thành món quà đặc trưng của Sóc Trăng, nhiều nơi khác cũng làm loại bánh này nhưng bánh Pía Sóc Trăng mang hương vị rất riêng. Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bánh Pía Sóc Trăng không quá ngọt, không quá béo, khiến người thưởng thức ăn không ngán. Lớp vỏ bánh Pía Sóc Trăng không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong.
Nhân bánh cũng có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, nhân đậu xanh, sầu riêng. Đậu xanh và khoai môn sau khi hấp chín được trộn đường, xay nhuyễn, chế thêm mỡ nước tạo nên mùi vị bùi, béo khá hấp dẫn.
Tại Sóc Trăng, bánh Pía được bày bán ở khắp nơi. Bánh Pía được đóng gói theo phương thức truyền thống gồm 1 hộp có 4 chiếc, gói theo hình trụ. Một khi đã đến Sóc Trăng, du khách không thể bỏ qua những chiếc bánh Pía ngọt ngào. Vừa làm quà biếu, vừa là để thưởng thức sự tinh tế trong ẩm thực của mảnh đất nơi đây.
Hoạt động sản xuất và tiêu thụ bánh Pía Sóc Trăng
Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có gần 40 lò bánh Pía. Trong đó có những lò đã trở thành những công ty và thương hiệu nổi tiếng như Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Quảng Trân, Tân Hưng, Tân Hưng Lợi, Lập Hưng, Mỹ Trân. . . Có khá nhiều lò nhận được những bằng chứng nhận quốc gia đạt tiêu chuẩn về sản phẩm, nhận huy chương vàng, huy chương bạc tại các hội chợ. Ba điểm dừng chân Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Quảng Trân có cơ sở sản xuất với thiết bị hiện đại, nhất là dây chuyền của Tân Huê Viên. Công ty này đang mở rộng quy mô sản xuất và thị trường. Đến nay, Tân Huê Viên có chi nhánh, đại lý gần khắp cả nước và có hàng xuất khẩu trên 10 quốc gia ở các châu lục. Số lượng xe khách đến 3 điểm dừng chân ngày một đông, lượng hàng hóa bán ngày càng nhiều, sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Có thể nói thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng đã nổi tiếng cả nước và trên thế giới. Và nói đến Sóc Trăng là du khách luôn nhắc đến bánh Pía.
Bánh Pía ngày nay được sản xuất bằng máy móc nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống
Tuy nhiên, thị trường bánh Pía, nhất là thị trường quốc tế vẫn còn chưa được khai thác hết. Ngày tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia rất chuộng bánh Pía Sóc Trăng nhưng ngọt hoặc nhưng không có thịt heo. Đây là thị trường có sức tiêu thụ mạnh với trên 200 triệu dân. Ngoài ra, còn có một số nước khác trong khu vực và các châu lục khác cũng có nhu cầu tương tự.
Phương hướng cụ thể phát triển thị trường cho đặc sản bánh Pía Sóc Trăng
Có thể thấy, các lò bánh Pía ở Sóc Trăng đã đem lại việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương và mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Và khi nhắc đến Sóc Trăng là khách du lịch trong và ngoài nước đều biết đến bánh Pía, bún nước lèo Sóc Trăng.Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển lâu dài và mở rộng thị trường tiêu thụ, cần phải có nhiều giải pháp để đảm bảo cho bánh Pía Sóc Trăng cất cánh bay xa.
Trước hết, cần đăng ký thương hiệu bánh Pía độc quyền của Sóc Trăng theo quy định của pháp luật, để chống việc làm hàng nhái, hàng giả và xử lý khi có vi phạm.
Thứ hai là, đầu tư, nâng cao đổi mới công nghệ sản xuất bánh Pía
Bánh Pía là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được người tiêu dùng trên cả nước rất ưa chuộng. Những năm gần đây, nhờ định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, bánh Pía Sóc Trăng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Yếu tố quyết định thành công của việc đưa bánh Pía ra thị trường nước ngoài chính là đầu tư đổi mới công nghệ.
Với sản lượng khoảng 50 tấn bánh/ngày, doanh nghiệp sản xuất bánh Pía Tân Huê Viên đang là một trong những cơ sở sản xuất bánh Pía lớn nhất tại Sóc Trăng. Nếu như các nguyên liệu chính để làm bánh là sầu riêng và đậu xanh đều được nhập ngay tại địa phương, thì dây chuyền máy móc được nhập hoàn toàn từ nước ngoài.
Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ làm bánh Pía thủ công sang làm bằng máy hiện đại, dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp không chỉ giúp năng suất tăng lên, mà chất lượng bánh cũng thơm ngon và đảm bảo vệ sinh hơn. Nhờ vậy, doanh nghiệp còn tính đến chuyện xuất khẩu. Sau khi mở một đại lý ở Phnom Penh (Campuchia), công ty vừa xuất khẩu 40 tấn bánh sang Mỹ. Dự kiến, doanh nghiệp này sẽ mở thêm một đại lý ở Đức nhằm mở rộng thị trường sang châu Âu sau khi đầu tư hơn 20 tỷ đồng nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất và công nghệ sản xuất.
Toàn tỉnh tỉnh Sóc Trăng hiện có 50 cơ sở làm bánh Pía. Món bánh đặc sản này đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của địa phương.
Ngoài thị trường trong nước, nhiều thương lái đã ký kết hợp đồng đưa bánh đến Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Trung Quốc... Đây là dấu hiệu khởi sắc cho những cơ sở bánh truyền thống ở Sóc Trăng bởi bánh Pía đã dần khẳng định chỗ đứng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba là cần gắn kết thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng với phát triển du lịch của Sóc Trăng.
Trong các thương hiệu bánh Pía nổi tiếng như của Sóc Trăng như Công Lập Thành, Tân Hưng, Quảng Trân, Mỹ Trân, Tân Huê Viên . . . Các điểm dừng chân đạt chuẩn đón khách du lịch của tỉnh được Sở VHTTDL công nhận trong những năm qua gồm 3 công ty bánh Pía – lạp xưởng có bế thế là Tân Huê Viên, Quảng Trân và Công Lập Thành đã có lượng khách đến tham quan mua sắm khá đông. Đặc biệt là điểm dừng chân Tân Huê Viên mỗi ngày, bình quân điểm đón từ 2.000 - 3.000 khách, cao điểm có thể lên đến 7.000 - 8.000 khách ghé tham quan mua sắm. Các điểm dừng chân này ngày càng được nâng cấp, mở rộng.
Đáng chú ý, nhằm mở rộng sản xuất, giới thiệu các sản phẩm đặc sản bánh Pía, lạp xưởng truyền thống của địa phương và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, ngày 06/3/2018, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh Pía-lạp xưởng Tân Huê Viên tại Sóc Trăng khởi công mở rộng cơ sở sản xuất kết hợp với xây dựng “Liên Hoa Bảo Tháp” tạo điểm nhấn du lịch, điểm dừng chân du khách khi có dịp ngang qua Sóc Trăng.
Như vậy, ngoài mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm các mặt hàng thực phẩm truyền thống bánh Pía, lạp xưởng đã có thương hiệu lớn, có mặt khắp thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều nước trên thế giới, Tân Huê Viên muốn xây tạo thêm cảnh quan phục vụ nhu cầu cho người lao động và du khách đến thăm Sóc Trăng, có điểm vui chơi, chiêm bái và thưởng thức các hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống tại địa phương.
Công trình mở rộng cơ sở sản xuất có diện tích hơn 42.000 m2, có vốn đầu tư 199 tỷ đồng với Tòa Liên Hoa Bảo Tháp và khu mua sắm, khu trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm bánh Pía, lạp xưởng. Ngoài ra, còn có phố cổ đi bộ, xây dựng theo lối kiến trúc của 3 dân tộc anh em Kinh-Hoa-Khmer, có khu ẩm thực, các cửa hàng trang phục truyền thống 3 dân tộc, quà lưu niệm, nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách, các hoa viên, cây xanh, thủy cung, giả sơn cao 30 m và công viên dành cho trẻ em… dự kiến sẽ xây dựng hoàn thành vào đầu năm 2020.
Thứ tư là cần liên kết các lò bánh Pía lại để có sự thống nhất và tinh thần trách nhiệm cao trong bảo vệ thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thêm thời gian sử dụng, bảo quản bánh bằng công nghệ chế biến, sử dụng bao bì, hút chân không tiên tiến.
Công ty Tân Huê Viên và một số công ty khác đã kéo dài thời gian bảo hành bánh Pía lên đến 2 tháng và hơn nữa (trước kia chỉ có 10-15 ngày). Công ty này đang triển khai kế hoạch sử dụng robot trong một số quy trình sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, thị trường bánh Pía trên quốc tế chưa được khai thác hết. Vì vậy, vai trò của Câu lạc bộ bánh Pía Sóc Trăng cần được phát huy tốt hơn với sự trợ giúp thủ tục hồ sơ pháp lý của các cơ quan Nhà nước như Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại của tỉnh. Hiện nay, Câu lạc bộ này hoạt động còn rời rạc, và đã nhiều năm chưa được tổng kết củng cố lại tổ chức. Phân khúc thị trường để các lò bánh cùng sản xuất và đều có thị trường tiêu thụ riêng là giải pháp tốt, chống sự cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể nói, bánh Pía là một trong những sản phẩm chủ lực có liên quan đến hoạt động du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Cần có sự tác động mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh về cơ chế, chính sách, đầu vào, đầu ra sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp bánh Pía trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm từ hình thức bao bì bên ngoài đến chất lượng bên trong của từng loại bánh, kéo dài thời gian bảo quản, sử dụng... Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong khâu bảo quản sẽ giúp bánh Pía và các loại bánh khác được giữ lâu hơn, đảm bảo cho hành trình xa khi xuất khẩu sang các nước. Mặt khác, cần có giải pháp khả thi, hiệu quả để liên kết các lò sản xuất bánh Pía trong tỉnh, thông qua củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ bánh Pía Sóc Trăng, để nâng cao tính cạnh trạnh lành mạnh, phân khúc thị trường, có trách nhiệm chung trong giữ gìn thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng.
Trong thời gian tới, nếu Lễ hội bánh Pía Sóc Trăng được nghiên cứu tổ chức sẽ là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu Sóc Trăng với du khách trong và ngoài nước và cũng là cơ hội lớn để đẩy nhanh mức tiêu thụ bánh Pía. Phát triển sản xuất bánh Pía, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp cho tốc độ sản xuất bánh Pía tăng nhanh hơn rất nhiều. Điều quan trọng là từ bánh Pía sẽ giải quyết bài toán về cây mía. Sản lượng đường được tinh chế từ cây mía sẽ là nguồn cung cấp tốt cho quá trình làm bánh Pía, bánh in và các loại bánh kẹo khác của tỉnh.
Nguồn: VITIC