Thứ Ba, 29/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tây Nguyên phát triển trái sầu riêng theo chuỗi công nghệ cao

Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sầu riêng nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn do người dân mở rộng diện tích trồng dẫn đến tình trạng dư cung. Để trái sầu riêng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân, tỉnh Tây Nguyên có chủ trương quy hoạch phát triển trái sầu riêng theo chuỗi công nghệ cao.

Tình hình sản xuất sầu riêng

Nếu nhu trước đây, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở khu vực Đông Nam Bộ, thì hiện nay trái sầu riêng đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại khu vực Tây Nguyên - nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Cây sầu riêng trồng tại khu vực Tây Nguyên sinh trưởng và cho năng suất, chất lượng tốt. Đa phần diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch hiện nay ở Tây Nguyên được trồng dạng xen canh trong các vườn cà phê hay hồ tiêu, nhưng trong không ít trường hợp đã vươn lên trở thành nguồn thu nhập chính khi các loại cây công nghiệp này bị giảm giá hoặc sâu bệnh hại.

Hiện ở Tây Nguyên, diện tích trồng cây sầu riêng đang tăng nhanh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha sầu riêng, tăng 300ha so với năm 2016. Cây sầu riêng được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Păc, TP.Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…

Tại tỉnh Đăk Nông, diện tích sầu riêng hiện khoảng hơn 1.000ha. Tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn ha sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là “thủ phủ” cây sầu riêng Tây Nguyên với diện tích lên tới 2.000ha (đang cho thu hoạch), trong đó hơn 1.800ha sầu riêng ghép chất lượng cao và gần 940ha trong giai đoạn kinh doanh, sản lượng trung bình 9 tấn/ha, chủ yếu trồng những giống cao cấp như Monthong, Ri6, Dona… Năm 2017, sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt trên 10.000 tấn, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/năm nhờ trồng sầu riêng.

Hiện nay thị trường có 2 loại giống chính được nhiều người ưa chuộng là RI 6 và Moonthong. Giống đầu tiên là RI6 hay còn gọi là 6 Ri bắt nguồn từ xã Bình Hòa Phước của huyện Long Hồ. Đặc điểm chính của giống này là trái tròn, cơm vàng đậm và dẻo, mùi thơm nồng nhưng vỏ mỏng nên không bảo quản lâu được. Do đó sầu riêng RI6 này chủ yếu được bán cho thị trường trong nước. Hiện nay giống này được trồng chính ở miền Tây.  

Giống thứ 2 là Moonthong (Thái hay Dona theo cách gọi của nông dân Tây Nguyên): Giống sầu riêng này được du nhập về Việt Nam. Đặc điểm chính của giống này là da trái xanh, hơi dài, cơm dẻo ráo, vị thơm vừa, vỏ dày bảo quản lâu nên thích hợp xuất khẩu (hiện nay thị trường chính là Trung Quốc) cây được trồng nhiều tại Miền Đông, Tây Nguyên và cả miền Trung. Đặc điểm của giống sầu riêng này là ở miền Tây hay miền Đông mà nó thụ phấn với Chanee thì đúng 4 tháng sẽ thu hoạch, còn Tây nguyên thì 4,5-5 tháng mới được thu.  

Ngoài ra còn có nhiều giống sầu riêng nội cho chất lượng ngon như Sữa hạt lép cơm vàng 9 Hóa, mặc dù được chọn là giống quốc gia nhưng lại không thể phát triển rộng vì chín xong là nhão rất nhanh, do đó giống này được trồng rất ít.

Giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng và kinh tế của cây sầu riêng

+ Giá trị dinh dưỡng

Sầu riêng là một loại quả rất bổ, các giá trị về calo, đường, đạm, chất béo, chất khoáng đều rất cao so với các loại quả khác.

Hạt sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, vitamin B1, B2, C, … do đó cũng được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc bổ dưỡng. Bột sầu riêng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến kẹo, mứt.

+ Giá trị sử dụng

Sầu riêng thường dùng để ăn tươi, sau khi tách vỏ, cơm sầu riêng được dùng làm thức ăn trực tiếp.

Ngoài ăn tươi, sầu riêng còn có nhiều công dụng khác như:

- Chế biến thành kẹo, bánh.

- Làm phụ gia để tăng mùi vị cho kem, nước giải khát.

- Hột sầu riêng còn được luộc, nướng hoặc rang chín, ăn bùi như hạt dẻ, hạt mít.

- Gỗ sầu riêng được dùng trong xây dựng và làm đồ đạc như bàn, ghế và đồ gia dụng trong nhà.

- Rễ và lá làm thuốc hạ sốt, trị vàng da do gan: Theo kinh nghiệp dân gian lấy 10-20g rễ và lá sầu riêng thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hàng ngày, đồng thời lấy lá tươi nấu nước tắm cho người bị vàng da do gan.

- Vỏ thân cây sầu riêng dùng nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp, …

- Vỏ quả sầu riêng còn được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, dùng 15-20g thái nhỏ nấu nước uống hàng ngày hoặc thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần.

Theo một số chuyên gia, sầu riêng là trái cây có chỉ số đường rất cao (lên đến 70%) nghĩa là ngay sau khi ăn sầu riêng xong, đường huyết tăng cao rất nhanh.Vì thế đây là loại trái cây phải kiêng đối với những người bị bệnh tiểu đường.

Kem sầu riêng

+ Giá trị kinh tế

Sầu riêng là một trong những loại quả có giá trị cao hơn hẳn so với nhiều loại quả khác. Với năng suất bình quân của giống sầu riêng hạt lép từ 7 năm tuổi trở lên có khoảng 15 tấn quả/ha, với giá bán bình quân từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, sầu riêng cho thu nhập từ 600 – 750 triệu đồng. Có thời điểm đầu vụ, thương lái thu mua sầu riêng Ri6 tại vườn với giá từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Nếu xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Tình hình tiêu thụ sầu riêng

Hiện sầu riêng được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguồn sầu riêng sản xuất trong nước cung cấp cho thị trường Nam Bộ chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP.HCM. Trên thị trường có nhiều giống, các giống sầu riêng có sản lượng khá lớn là: Khổ qua xanh, monthong, hạt lép Đồng Nai… Một số giống chất lượng cao như sầu riêng monthong, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa, sầu riêng cơm vàng hạt lép Đồng Nai … đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, sầu riêng còn được xuất khẩu sang 32 nước trên thế giới, gồm các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, Mỹ, Philipin, Australia, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Canada, Malaysia, … Trong đó, sầu riêng xuất khẩu tập trung chủ yếu thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 97,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc khó cạnh tranh với các đối thủ như Thái Lan, Malaysia

Theo một số liệu của Liên Hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỉ qua và đạt giá trị đến 1,1 tỉ USD vào năm 2016. Thái Lan hiện đang là nguồn cung sầu riêng lớn nhất tại Trung Quốc, bên cạnh đó Malaysia cũng đang từng bước đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng.

Hiện Malaysia chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc sầu riêng dạng đông lạnh. Với sầu riêng tươi, do trước đây nông dân trồng sầu riêng của Malaysia có thói quen để trái chín tự rụng xuống đất nên khiến Trung Quốc lo ngại việc côn trùng tiếp cận quả sầu riêng. Do đó, Chính phủ Malaysia đã khuyến cáo người dân nên dùng dây buộc để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, Malaysia cũng đẩy mạnh xúc tiến các lễ hội sầu riêng quy mô nhằm tiếp thị đến thị trường tiềm năng. Việc Malaysia xuất sầu riêng tươi sang Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù vậy thì hiện tại, họ đã có những thành quả nhất định khi lượng du khách Trung Quốc tìm đến Malaysia để thưởng thức sầu riêng ngày một nhiều.

Đối với Thái Lan, sầu riêng Thái Lan đã có một vị thế khá lớn tại thị trường Trung Quốc. Với việc xem sầu riêng là “vua” của các loại trái cây, những hoạt động tưởng chừng không liên quan gì nhưng vô tình lại làm cho loại trái này thêm phần nổi tiếng. Tiêu biểu như gần đây, Cơ quan Phát triển công nghệ không gian và thông tin địa lý Thái Lan (GISTDA) công bố kế hoạch sẽ đưa sầu riêng vào vũ trụ. Theo GISTDA, mục tiêu chính của họ là mang thức ăn Thái Lan lên vũ trụ cho các phi hành gia thưởng thức. Có thể thấy rằng, kế hoạch của GISTDA là nhằm chuẩn bị chu đáo cho tương lai, bởi hiện tại, họ vẫn chưa đưa được người vào vũ trụ. Mặc dù vậy, quả sầu riêng của người Thái vô tình lại được cả thế giới chú ý.

So với Thái Lan hay Malaysia, sức cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc thấp hơn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và sầu riêng trở thành mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao và lâu dài cho người dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cần có những hoạt động đẩy mạnh xúc tiến vào thị trường Trung Quốc. Song, với việc nhiều  người dân quá chuộng cây giống sầu riêng nhập ngoại (Mon Thong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia…) như hiện nay, việc xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, giữa năm 2016, phía Trung Quốc từng có lệnh cấm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với lý do chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Lúc ấy, những trái sầu riêng mà Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này, chủ yếu là giống MonThong của Thái Lan, tức chỉ họ mới có quyền dán nhãn mác.

Chính vì vậy, sản xuất theo hướng VietGap nhằm nâng chất lượng nông sản, đảm bảo nguồn nông sản hàng hóa an toàn và truy xuất được nguồn gốc tham gia thị trường. Đây là hướng đi lâu dài, bền vững cho trái sầu riêng của khu vực Tây Nguyên.

Tây Nguyên quy hoạch, phát triển sầu riêng theo chuỗi giá trị cao

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu trồng sầu riêng đúng quy trình thì khoảng sau 3 - 4 năm tuổi cây sẽ cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay quả sầu riêng ở Tây Nguyên bán được giá, giúp người trồng có lãi cao, tuy nhiên với thực trạng diện tích sầu riêng đang tăng ‘nóng’ như hiện nay thì chắc chắn là vài năm nữa, khi những cây mới trồng cho quả, nguồn cung dồi dào hơn thì trái sầu riêng sẽ không còn có giá bán cao như hiện nay.

Theo thống kê, tỉnh Đăk Lăk hiện có khoảng 3.000 ha sầu riêng, tỉnh Đăk Nông hơn 1.000 ha; còn tại Lâm Đồng, riêng ở huyện Đạ Hoai đã có đến 2.000 ha… Đó cũng chưa phải là những con số cuối cùng. Vào lúc này đây, khi mùa mưa Tây Nguyên đang diễn ra, việc tìm mua cây giống và trồng sầu riêng vẫn rất nhộn nhịp.

Tương tự, tại các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, khu vực Đông Nam Bộ bà con nông dân cũng đang từng ngày mở rộng diện tích trồng sầu riêng trong vườn.

Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh trồng sầu riêng đã được mở rộng lên gần 8.500ha, tăng hơn 1.000ha so với năm trước, tập trung tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Loại cây trồng này hiện vẫn đang mang lại thu nhập khá cho nông dân địa phương.

Tại tỉnh Bình Phước, nguồn cung không đủ cầu đã đẩy giá sầu riêng lên cao khiến người dân đang đổ xô trồng sầu riêng. Hai giống sầu riêng đang được trồng phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước là giống sầu riêng Thái (Monthong) và Ri6.

Do đó, để trái sầu riêng trở thành mặt hàng mang lại giá trị cao, lâu dài cho người dân, từng địa phương tại khu vực Tây Nguyên đã có những hướng đi riêng. Cụ thể:

Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk sẽ có những hướng dẫn và khuyến cáo, tuyên truyền để bớt phát triển nóng, đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kêu gọi, mời gọi các doanh nghiệp đến Đắk Nông để liên kết cùng với nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo theo chuỗi giá trị.

Tỉnh Đắk Nông cũng đang tập trung chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Oganic cho trái sầu riêng.

Tại Lâm Đồng, cụ thể là UBND huyện Đạ Huoai đã chủ động quy hoạch vùng trồng sầu riêng 1.800ha; giúp nông dân chuyển đổi, ghép từ sầu riêng hạt sang các loại sầu riêng chất lượng cao như cơm vàng hạt lép, Monthong, Ri6…  Bên cạnh đó, huyện Đạ Huoai đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai” để tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng. Hiện Đạ Huoai có 38ha sầu riêng VietGAP của 15 hộ nông dân. Ngoài ra huyện đã lập bộ quy chuẩn để người trồng sầu riêng biết và áp dụng.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao sản xuất sầu riêng đã giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công. Giai đoạn 2018 - 2020, hình thành và công nhận vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở huyện Đạ Huoai, trong đó 100% diện tích sử dụng các giống ghép; 100% diện tích ứng dụng công nghệ tưới tự động (phun mưa và tưới nhỏ giọt) và sử dụng thuốc BVTV theo công nghệ tự động và bán tự động, ứng dụng công nghệ bón phân qua hệ thống tưới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Huoai phát triển thêm 880ha sầu riêng công nghệ cao. Từ đó giúp trái cây đặc sản này phát triển bền vững hơn. 

Liên kết website