Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Mở rộng cơ hội xuất khẩu cho bưởi da xanh Bến Tre

Bến Tre có giống bưởi da xanh được xem là một trong năm loại cây ăn quả đặc sản của địa phương. Sản phẩm này đang dần khẳng định được chỗ đứng vững chắc do đem lại giá trị kinh tế cao, được xác định là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế vườn của tỉnh. Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây ăn trái 27.500 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó bưởi da xanh được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước.

Bến Tre có diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là 7.200 ha chiếm 20% diện tích cây ăn trái, trong đó diện tích đã và đang cho trái 4.800 ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 57.000 tấn/năm. Vùng trồng tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách và thành phố Bến Tre...

Theo thống kê, hàng năm diện tích bưởi da xanh tăng dần từ 4.400ha (năm 2010) đến nay diện tích tăng hơn 60% và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao, giá cao, ổn định. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, người nông dân chủ động, nắm vững áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Cây bưởi phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên cho chất lượng trái ngon. Để phát triển cây bưởi da xanh tại địa phương  nông dân trồng bưởi da xanh ở địa phương thành lập các tổ hợp tác bưởi da xanh.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu bưởi da xanh Bến Tre vào những thị trường cao cấp và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre.

Theo đó, khu đất thịt pha sét trên cù lao tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và thành phố Bến Tre là vùng trồng của chỉ dẫn địa lý này. Việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý mở ra cơ hội lớn cho bưởi da xanh Bến Tre mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nâng thu nhập người dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh.

Theo các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh, bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre có chất lượng vượt trội hơn các giống bưởi khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bưởi, cây bưởi da xanh đang có tiềm năng phát triển ở Bến Tre. Ngoài ra, nhu cầu thị trường về bưởi tươi tăng cao trong những năm gần đây cả trong và ngòai nước do những đặc tính và công dụng tốt của trái bưởi lên sức khỏe con người.

Đáng chú ý, thị trường thành thị và nông thôn trong nước đều có nhu cầu cao đối với bưởi da xanh, đặc biệt là các vùng thành thị như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội... Hiện bưởi da xanh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu qua một số nước như Hà Lan, Đức… Đồng thời, nhiều thị trường tiềm năng có thể xuất khẩu như: Singapore, Nhật Bản, Nga...

Tuy nhiên, do diện tích nhỏ lẻ, vấn đề giống và quy trình chăm sóc không đồng nhất đang là mối lo ngại cho các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Vì không có vùng nguyên liệu tập trung nên bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn.

Sản lượng bưởi đạt chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP chưa nhiều, diện tích nhỏ nên chưa ổn định được nguồn sản phẩm và sự đồng đều về chất lượng khi khách hàng yêu cầu.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cây bưởi da xanh có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và thị trường tiêu thụ rộng mở là cơ hội, nhưng để khai thác được cơ hội thì người sản xuất và các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã và nhà doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau giúp cho chuỗi giá trị phát triển bền vững, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chung tay bảo vệ thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre trên các thị trường. Như vậy mới mang lại kết quả tốt nhất cho người dân trồng bưởi và cả doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đạt chất lượng trái cao, đồng đều theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước.

Mặt khác, khuyến cáo người dân tham gia tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhằm khắc phục qui mô nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đưa thương hiệu da xanh Bến Tre ngày càng vươn xa.

Theo thông tin về chuyến thăm và làm việc tại Tp.HCM ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand, trái bưởi của Việt Nam có thể sẽ được xúc tiến để xuất khẩu vào thị trường New Zealand trong tương lai gần.

Hồi năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bưởi, tăng gấp đôi so với năm 2016. Nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Canada và các nước Trung Đông, Saudi Arabia đã tiếp nhận bưởi Việt Nam với nhiều triển vọng về tiêu thụ. Các thị trường khác như Singapore, Nhật Bản, Nga… cũng được đánh giá là đầy tiềm năng.

Trong thời gian tới, xuất khẩu bưởi da xanh của Việt Nam tới được New Zealand thì  sẽ là tín hiệu khả quan cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Hồi tháng 4 năm nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được phép xuất khẩu chôm chôm vào New Zealand. Trước đó, năm 2011 và 2014, xoài và thanh long từ Việt Nam lần lượt được tiếp cận thị trường cao cấp này.

Điều đó phần nào khẳng định vị thế và sự cải thiện của trái cây Việt Nam vì đây là một thị trường cao cấp nhưng khó tính, kiểm soát rất nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch thực vật.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đang được kỳ vọng sẽ đạt 1,7 – 2 tỷ USD trong 2 năm tới. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chủ chốt trong giao thương giữa hai nước. Kéo theo đó, triển vọng xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi vào thị trường này là khả quan có thể nếu đáp ứng các điều kiện về an toàn.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài việc thúc đẩy nhập khẩu trái cây New Zealand vào Việt Nam, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand cũng mong muốn gia tăng sự hợp tác để xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây nhiệt đới khác của Việt Nam sang New Zealand trong thời gian tới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, xuất khẩu vào thị trường New Zealand cũng là cơ hội để trái cây Việt Nam tiếp tục vào được các thị trường khó tính khác. Đến nay, các thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về kiểm dịch thực vật (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có lợi nhuận tốt khi vào các thị trường này thì còn nhiều việc phải làm. Bởi theo đánh giá, việc đội giá thành trái cây vào những thị trường khó tính là khó tránh khỏi vì đối mặt với những chi phí cao về vận chuyển, chiếu xạ, bảo quản…

Ngoài ra, việc khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây tươi xuất khẩu cũng là một thách thức lớn với các doanh nghiệp.

Theo giám đốc khối thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, hiện nay, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm yêu cầu phổ biến nhất tại thị trường EU có thể kể đến là tiêu chuẩn BRC, khởi nguồn từ Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc. BRC là một nỗ lực để kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và luật định của các thị trường EU.

Tiêu chuẩn này giống như một passport – một điều kiện cần để doanh nghiệp xuất khẩu trái cây thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu. Phía các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ EU cũng cần tiêu chuẩn này như một bằng chứng thuyết phục để họ lựa chọn các nhà cung cấp. Doanh nghiệp nào đạt được BRC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng của mình. Hầu hết các chuỗi bán lẻ của EU thừa nhận tiêu chuẩn GlobalGAP như một chuẩn mực cao trong lĩnh vực trồng trọt.

Hỗ trợ địa phương thành lập các tổ hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh Bến Tre

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã hỗ trợ địa phương và nông dân thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm. Đã có khá nhiều mô hình liên kết trồng bưởi da xanh đã được hình thành và hoạt động ngày càng đạt hiệu quả.

Một số điển hình như: Tổ hợp tác Phú Thành ở xã Quới Sơn; Tổ hợp tác Thành Phước, xã Thành Triệu- huyện Châu Thành; Tổ hợp tác Sơn Đông, Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An- thành phố Bến Tre; Tổ hợp tác Hòa Nghĩa- huyện Chợ Lách… Hầu hết, các Tổ hợp tác bưởi da xanh đều tổ chức sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, một số mô hình liên kết còn chủ động trong gắn kết với các doanh nghiệp để giúp ổn định việc tiêu thụ sản phẩm.

Tại xã Nhơn Thạnh- thành phố Bến Tre hiện đang có 294 ha đất trồng bưởi, chủ yếu là giống bưởi da xanh. Trong đó, có khoảng 50% diện tích vườn trồng đã cho quả, năng suất đạt 250 tấn/năm. Thời gian qua, những hộ trồng bưởi trong xã thường xuyên được giới thiệu, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và đem ứng dụng vào chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn sạch đã mang lại nhiều kết quả.

Cụ thể, Hội nông dân xã phối hợp cùng với tập đoàn Lộc Trời thực hiện việc tham gia chuỗi giá trị sản phẩm bưởi da xanh cho 35 thành viên, trên diện tích 13,5 ha, sẽ được hỗ trợ chăm sóc ngay tại vườn theo các tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hội viên, nông dân tham gia chuỗi giá trị này còn được cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 6 tháng mới phải trả tiền và không tính lãi.

Với cách chăm sóc hợp lý, trọng lượng quả đạt trung bình từ 1,2 kg/quả trở lên, đến khi thu hoạch, bưởi đều được thương lái tìm vào tận vườn để thu mua. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá bán khá ổn định với mức bưởi loại 1 bán được từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Nhờ việc chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, cho quả đạt năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá nằm ở mức cao… người trồng bưởi đang có được khoản thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Bưởi da xanh hiện cũng đang là loại cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở xã Quới Sơn- huyện Châu Thành. Đến nay, sản phẩm bưởi da xanh đã trở nên rất phổ biến ở nơi đây, thậm chí còn trở thành cây làm giàu chủ lực của bà con địa phương. Nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh có thể thu được lợi nhuận tới 70 triệu đồng/1.000 m2. Như vậy nghĩa là nếu bình quân một gia đình có khoảng 1 ha đất thì mỗi năm có thể thu được 700 triệu đồng.

Nguồn: VITIC

Liên kết website